Ngành bộ đội

Thứ 4, 27/01/2016 | 14:07 GMT+7

Ai trong chúng ta cũng đã quen thuộc với “màu áo chú bộ đội”. Màu áo đó gắn với những con người đã cùng dân tộc Việt Nam trải qua bao thời kỳ gian khổ, hiểm nguy. Họ là những người sẵn sàng có mặt ở bất kì nơi nào tổ quốc cần.

quandoinhandan

Ảnh Minh họa

Để đảm bảo quốc phòng an ninh, quốc gia nào cũng có lực lượng vũ trang riêng. Đó là lực lượng có tổ chức, được trang bị vũ khí, phương tiện, kỹ thuật quân sự và huấn luyện quân sự.

Xem thêm:

>> Tìm hiểu về bộ đội Việt Nam / Bộ đội biên phòng Việt Nam


Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam gồm: Quân đội nhân dân( Bộ đội chủ lực,bộ đội địa phương,bộ đội biên phòng), Dân quân tự vệ, Lực lượng cảnh sát biển và Công an nhân dân.

Bộ đội là những người có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đánh bại kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Tiền thân Quân đội Nhân dân Việt Nam là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.


* Ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ

* Bộ đội làm gì ?

Với bản chất trung thành vô hạn với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ nghĩa xã hội không chỉ có nhiệm vụ canh giữ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, từ biên giới, hải đảo, vùng trời, vùng biển mà còn là đội quân công tác và sản xuất. Với các cấp bậc

- Sĩ quan: Là những cán bộ được đào tạo cơ bản về chuyên ngành quân sự, chỉ huy các đơn vị quân đội, làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.Theo Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt nam, “Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam là cán bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam và Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động trong lãnh vực quân sự, được Nhà nước phong quân hàm từ cấp úy, cấp tá, cấp tướng”.

- Quân nhân chuyên nghiệp: Là những quân nhân được đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật cần thiết cho công tác chỉ huy, chiến đấu, đảm bảo chiến đấu, xây dựng quân đội và tình nguyện phục vụ lâu dài trong quân đội.

- Công nhân viên quốc phòng: Là những công nhân viên chức nhà nước, công tác trong các đơn vị, nhà máy quân đội, đảm nhiệm một mặt chuyên môn kỹ thuật nào đó hoặc giúp việc cho người chỉ huy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Hạ sĩ quan và binh sĩ: Là những quân nhân phục vụ trong các đơn vị quân đội có thời hạn theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự, được huấn luyện quân sự chu đáo, với kỷ luật nghiêm minh.

Xem thêm:

>> Phân biệt sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp


Trở thành bộ đội, bạn có thể tham gia phục vụ ở một trong ba khu vực: Lục quân – Hải quân – Không quân.

- Lục quân: bao gồm các binh chủng chiến đấu trên bộ, thường có số quân đông nhất, trang bị phương tiện tác chiến đa dạng, phong phú. Lục quân được cấu thành từ các binh chủng: Bộ binh, Thiết giáp, Pháo binh, Phòng không lục quân, Công binh, Thông tin, Hoá học.

- Hải quân: là lực lượng chiến đấu bảo vệ biển, đảo (trên các chiến trường sông nước). Hải quân hiện đại thường được trang bị tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân v.v...

- Phòng không - Không quân: là lực lượng chiến đấu bảo vệ vùng trời, được trang bị máy bay các loại để tác chiến trên không, đánh các mục tiêu mặt đất, mặt nước, làm nhiệm vụ trinh sát, đổ bộ hàng không, vận tải hàng không.

- Bộ đội biên phòng: là lực lượng nòng cốt chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, trật tự biên giới quốc gia trên đất liền, hải đảo, vùng biển và các cửa khẩu. Bộ đội biên phòng thường làm việc tại các địa bàn rất phức tạp và nguy hiểm, luôn phải đối mặt với những khó khăn gian khổ. 


Một số địa chỉ đào tạo :

* Muốn làm việc trong ngành quốc phòng, bạn có thể đi theo một trong hai con đường sau:

- Đi nghĩa vụ quân sự, rồi đi học trở thành sĩ quan hoặc quân nhân chuyên nghiệp phục vụ trong quân đội lâu dài.

- Học xong phổ thông và thi thẳng vào các trường thuộc quân đội.


* Một số trường đào tạo thuộc quân đội:

- Trường Sĩ quan Lục quân (đào tạo sĩ quan chỉ huy phân đội binh chủng hợp thành), Học viện Chính tri Quân sự (đào tạo sĩ quan chính trị và cán bộ chính trị trung, sư đoàn), Học viện Hậu cần (đào tạo sĩ quan hậu cần cấp phân đội và cấp cao hơn), Học viện Kỹ thuật Quân sự (đào tạo kỹ sư quân sự), Học viện Khoa học quân sự (đào tạo cán bộ khoa học quân sự, sĩ quan khoa học quân sự), Học viện Quân y (đào tạo bác sĩ đa khoa, bác sĩ đa khoa cử tuyển, bác sĩ các tuyến cơ sở ngành y tế quân đội và Dược sĩ Đại học cho ngành quân y), Học viện Hải quân (đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc Đại học), Học Viện Phòng không - Không quân (đào tạo sĩ quan lái máy bay, sĩ quan chỉ huy phân đội), Học viện Biên phòng (đào tạo bộ đội biên phòng).

Ngoài ra, còn có: Trường Sĩ quan Pháo binh, Trường Sĩ quan Tăng - Thiết giáp, các trường trung học chuyên nghiệp, sơ cấp, các trường quân sự quân khu, quân đoàn và các trường quân sự các tỉnh, thành phố đào tạo cán bộ chỉ huy cấp tiểu đội bộ binh và chuyên môn kỹ thuật v.v...


Kiến thức

- Hiểu biết về vũ khí, phương tiện, kỹ thuật quân sự 

Kỹ năng

-Tinh thần đoàn kết: Nếu nói đến môi trường nào có tính xây dựng cho con người tinh thần đoàn kết, vì mọi người thì chắc hẳn đó là môi trường quân đội. Trong quân đội, những người đồng nghiệp gọi nhau là “đồng chí”, “đồng đội” và tình đồng chí của họ đã được ca ngợi qua nhiều tác phẩm thi ca. Cuộc sống của bộ đội là sống với tập thể, bạn chỉ có thể hòa nhập khi bạn cảm thông với đồng đội của mình, khi bạn là một người trong số họ.

- Lòng nhân hậu: “Quân với dân như cá với nước”. Bộ đội hết lòng với nhân dân thì nhân dân mới yêu thương bộ đội. Bạn phải là người nhân hậu, biết yêu thương, biết cảm thông với nhân dân ở mỗi vùng đơn vị bạn đi qua.Hơn nữa, làm việc trong quân đội có nghĩa là bạn được làm việc trong một gia đình lớn mà ở đó tinh thần đồng đội đặt lên hàng đầu. Nếu bạn có lòng nhân hậu, yêu quý, sẵn lòng giúp đỡ đồng chí của mình cũng có nghĩa là bạn đang tự giúp mình đấy.

- Tính kỷ luật: Hẳn bây giờ bạn đã phần nào hình dung được môi trường làm việc của những người “mặc áo lính”, thật nghiêm túc phải không?

 Nhưng chính môi trường đó đã góp phần tạo nên sức mạnh, giúp quân đội ta chiến thắng bao cuộc xâm lược của kẻ thù, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Khi là một chiến sĩ phục vụ trong quân đội, bạn sẽ phải tuân theo kỷ luật “thép”. Đây là điều đầu tiên khó vượt qua với nhiều người khi bước chân vào nghề. Nhưng nếu bạn là người có tính kỷ luật thì bạn sẽ nhanh chóng thích ứng, trở thành người “tự do trong khuôn khổ” đấy.

- Can đảm, chấp nhận mạo hiểm, chịu gian khổ: Như các bạn đã biết, bộ đội là những người “đứng mũi chịu sào”, luôn phải xuất hiện đầu tiên trước mỗi biến cố của đất nước. Đơn vị của bạn có thể phải đóng quân ở trên núi, ở trong rừng, biên giới hay hải đảo xa xôi v.v… với điều kiện sống và làm việc vô cùng khắc nghiệt. Bạn phải là người can đảm, dám xông pha, chấp nhận mọi khó khăn cũng như không sợ đối mặt với nguy hiểm.

- Trung thực: Bạn biết đấy, nhiệm vụ của quân đội thật nặng nề, ảnh hưởng đến sự tồn vong của cả một quốc gia. Sự thiếu trung thực của một người có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Hơn nữa, môi trường trong quân đội là môi trường tập thể, mọi người sống và làm việc như một gia đình. Để “gia đình” ấy bền vững, mỗi thành viên phải trung thực và tin tưởng lẫn nhau.

 Bác Hồ từng dặn dò các chiến sĩ: “không được lấy từ cái kim, sợi chỉ của dân”. Trong lời khuyên đó, Bác đã đề cao tính trung thực của anh “bộ đội cụ Hồ”. “Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Trung thực với nhân dân còn là cách để tạo cho mình “một hậu phương vững chắc”.

Thái độ

- Nhiệt huyết, lòng yêu nghề (gắn liền với lòng yêu nước): Bạn tôn thờ hình ảnh của người ông, người cha đã trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Bạn khâm phục những kỳ tích tưởng chừng như không thể có của thế hệ trước. Nhưng điều ấy chưa đủ để làm nên lòng yêu nghề. Bạn mới chỉ nhìn thấy những thành quả bằng sự nỗ lực phi thường và tự hào về họ.Để trở thành một chiến sĩ, bạn còn phải chấp nhận khó khăn, gian khổ, thậm chí cả hy sinh. Nếu bạn sẵn sàng đến với quân đội bởi bạn yêu đất nước, yêu công việc của mình, bởi đó là con đường mà bạn đã chọn, và bạn tự hào là một người như cha, chú mình thì bạn hoàn toàn có thể tự tin trở thành một “bộ đội cụ Hồ”.

- Lạc quan: Đây là một trong những phẩm chất đáng quý của người chiến sĩ. Nhờ lạc quan, họ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Với tinh thần ấy, dù phải đối mặt với những khó khăn, khắc nghiệt không dễ gì vượt qua, người lính vẫn có thể mỉm cười.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng vất vả, thách thức với người lính thì luôn còn. Họ vẫn phải bám trụ ở những nơi hẻo lánh, xa xôi mà họ vẫn đùa rằng “khỉ không ho, gà không gáy được”. Không phải không có lúc chạnh lòng, nhớ nhà, nhất là vào ngày Tết. Nhưng họ vẫn cười vui vẻ bởi đây là nhiệm vụ Tổ quốc giao phó, và từng người trong họ đang góp sức nhỏ bé của mình cho một sự nghiệp lớn. Còn bạn, bạn có tự tin như những người lính đảo xa, hát cùng với “cây đàn một dây” không?


Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Môi trường quân đội và những quy định nghiêm ngặt giúp bạn tôi luyện tác phong của một quân nhân, ý chí sắt đá, tính kỷ luật nghiêm khắc, tinh thần đồng đội v.v… Có thể bạn sẽ phải đi bất cứ đâu và nhận bất cứ nhiệm vụ nào, kể cả những nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Dù bạn ở đâu và làm gì thì đó đều vì Tổ quốc đang cần bạn. Cũng giống như trong ngành công an, trong quân đội, bạn được phân công công tác sau khi tốt nghiệp và có mức thu nhập ổn định. Hiện nay, các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế đã khá phổ biến và đang rất phát triển. Đây cũng là cơ hội tốt nếu bạn yêu thích và phù hợp với hoạt động kinh doanh.

Xem thêm:

>> Các trường quân đội thi khối A

>> Các trường quân sự thi khối C

 

Mức lương theo quy định

Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1-5-2012 là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng (tương đương với 26,5%) so với mức lương 830.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.

Mức lương tối thiểu chung nêu trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức…

 

Thu Thủy - Huongnghiep 24h

Tổng Hợp

Chia sẻ