Ngành công an

Thứ 4, 13/01/2016 | 11:10 GMT+7

Ngành công an là ngôi nhà chung của rất nhiều ngành nghề lĩnh vực trong xã hội. Do đặc thù, hàng năm ngành công an cũng thi tuyển thêm các chuyên gia khác mà trong hệ thống đào tạo của ngành chưa có như: kế toán, kỹ thuật viên, công nghệ thông tin, bác sĩ, nhà báo v.v... cho các cơ quan trực thuộc ngành.

nganh_cong_an

Ảnh minh họa

  Để đảm bảo an ninh và sự bình yên về mọi mặt cho Tổ quốc, ngành công an được chia thành hai lực lượng chính:

  + Cảnh sát: bảo vệ và giữ gìn trật tư, an toàn xã hội.

  + An ninh: bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân.

Một số nghề nghiệp trong lực lượng cảnh sát
Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội

Nhiệm vụ: Quản lý trật tự nơi công cộng, đăng kí, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, quản lý chứng minh nhân dân, quản lý kho vũ khí, vật liệu nổ, quản lý con dấu, quản lý những người trực thuộc diện quản chế, cải tạo tại chỗ, cải tạo không giam giữ, án treo, hướng dẫn nghiệp vụ cho lực lượng cảnh sát khu vực, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng v.v...

Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội ( cảnh sát hình sự )

Nhiệm vụ: Tiến hành các biện pháp trinh sát và hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật để điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội (trừ tội phạm về ma túy, tội phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ), góp phần bảo vệ tài sản cũng như tính mạng, quyền lợi hợp pháp của công dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

 Cảnh sát điều tra tội phạm ma túy

Nhiệm vụ: Nghiên cứu, nắm bắt tình hình hoạt động của các loại tội phạm ma tuý, từ đó phát hiện nguyên nhân, điều kiện phát sinh, phát triển của tội phạm về ma tuý để đề xuất, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa đấu tranh. Bên cạnh đó, nghiên cứu phương thức, thủ đoạn và quy luật hoạt động của tội phạm ma tuý, tiến hành hoạt động điều tra tội phạm về ma tuý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Một nhiệm vụ khác không kém phần quan trọng là phối hợp với các đơn vị trong và ngoài ngành tổ chức công tác tuyên truyền, phòng chống tội phạm về ma tuý.

Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ

Nhiệm vụ: Tiến hành các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn các tội phạm xâm phạm sở hữu của Nhà nước, cả các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội dưới các hình thức như: tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ Nhà nước, lừa đảo, các tội phạm về chức vụ và tội phạm kinh tế khác được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Cảnh sát phòng cháy chữa cháy

Nhiệm vụ : Bảo vệ người dân khỏi giặc lửa, quản lý, tổ chức, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trên toàn quốc, góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Cảnh sát quản lý và bảo vệ tư pháp

Nhiệm vụ: Canh gác, bảo vệ những mục tiêu quan trọng như: Lăng Bác, Phủ Chủ tịch, các Đại sứ quán, tổ chức tuần tra, cơ động chiến đấu kịp thời, trấn áp mọi hoạt động phá rối an ninh, trật tự; bảo vệ các phiên toà, bắt giữ, áp tải bị can, dẫn giải người làm chứng, quản lý kho vật tư và hỗ trợ công tác thi hành án v.v...

Cảnh sát giao thông

Nhiệm vụ: Tổ chức, chỉ đạo và tiến hành công tác đảm bảo an toàn trật tự giao thông, giáo dục, tuyên truyền cho người dân về Luật giao thông.

Xem thêm:

>> Những tiêu chuẩn bắt buộc để được dự thi các trường khối Công an

Một số nghề nghiệp trong lực lượng an ninh:
An ninh văn hóa tư tưởng 

Nhiệm vụ: phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh làm Thất bại mọi âm mưu, hoạt động xâm hại an ninh, trật tự trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng do các thế lực thù địch và bọn tội phạm khác tiến hành, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc.

An ninh tình báo 

Nhiệm vụ: phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu và hoạt động thâm nhập, phá hoại của các cơ quan đặc biệt của nước ngoài. Họ thường xuyên phải hoạt động trong điều kiện nguy hiểm và căng thẳng. Giữ bí mật tuyệt đối là một yêu cầu bắt buộc của hoạt động tình báo. Để được chọn vào đội ngũ này phải vượt qua những điều kiện hết sức khắt khe, phải là những người có trình độ rất giỏi, đặc biệt mưu trí, dũng cảm với thần kinh thép và bản lĩnh tuyệt vời.

An ninh kinh tế 

Nhiệm vụ: đấu tranh chống lại các âm mưu hoạt động phá hoại về kinh tế do các thế lực thù địch và các loại tội phạm kinh tế gây ra, bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, bảo đảm sự an toàn của các cơ sở vật chất, kỹ thuật, tài sản quốc gia, các mục tiêu kinh tế trọng điểm, đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật, các cán bộ quản lý kinh tế v.v...

 

Một số địa chỉ đào tạo

* Bạn có thể đến với ngành công an bằng hai con đường:

- Hoàn thành nghĩa vụ công an, sau đó thi tuyển trở thành sĩ quan công an.

- Học hết phổ thông trung học và thi thẳng vào các trường đào tạo công an: Học viện An ninh nhân dân, Trường Đại học An ninh nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Trường Trung học Cảnh sát nhân dân, Trường Trung học An ninh nhân dân.

  Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp :

* Công an nhân dân Việt Nam được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó bao chức năng chủ yếu:

- Tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc đề ra các chủ trương, chính sách, biện pháp bảo vệ an ninh, trật tự.

- Thực hiện quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong phạm vi cả nước.

- Tiến hành các biện pháp phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động gây tổn hại đến an ninh, trật tự bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống tự do, hạnh phúc, lao động hoà bình của nhân dân.

 * Do nhiệm vụ đặc thù của mình mà các chiến sĩ công an có mặt trên khắp mọi miền của Tổ quốc:

 - Bộ Công an: có chức năng quản lý Nhà nước về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi cả nước, bao gồm một số tổng cục phụ trách về nghiệp vụ và một số đơn vị trực thuộc Bộ trưởng.

- Tổng cục Cảnh sát: là cơ quan về nghiệp vụ của Bộ Công an có nhiệm vụ thống nhất chỉ đạo, chỉ huy lực lượng cảnh sát trong cả nước, tiến hành các biện pháp phòng ngừa đấu tranh, chống mọi hoạt động của bọn tội phạm hình sự v.v...

- Tổng cục an ninh: là cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an, có nhiệm vụ thống nhất chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng an ninh trong cả nước về công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm ninh quốc gia v.v...

- Công an các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

- Công an quận, huyện, phường, xã... tại các địa phương.

- Làm việc tại các cơ sở đào tạo của ngành công an.

- Làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học của ngành công an.

Mang trong mình trọng trách của một chiến sĩ công an chuyên đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bất cứ lúc nào, chỉ cần Tổ quốc và nhân dân gọi, bạn luôn sẵn sàng có mặt. Một nghề đầy khó khăn gian khổ, có khi phải hy sinh quyền lợi lẫn tính mạng của bản thân. Có lẽ do vậy mà ngành này thích hợp với phái mạnh hơn.

Môi trường làm việc trong ngành công an rất nghiêm túc. Bạn phải tự rèn luyện mình bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt công việc được giao.

Trong ngành, không có những chiến công đơn lẻ mà bạn luôn phải là một mắt quan trọng với thành công là sự đoàn kết tâm sức trí tuệ của cả tập thể.

Đối mặt với những kể thù gian manh, xảo quyệt, các chiến sĩ công an phải có lập trường kiên định cùng tấm lòng trung thành, hết lòng vì Tổ quốc và nhân dân.

Trong ngành công an, sau khi tốt nghiệp bạn được sắp xếp công việc phù hợp chuyên ngành được đào tạo.

 Kiến thức

- Kiến thức về luật pháp, chủ trương, đường lối của nước ta

- Kiến thức văn hóa, xã hội

 Khả năng

- Tính kỷ luật cao, kiên định, vững vàng về lập trường, tư tưởng, bình tĩnh, tự tin

- Can đảm, chấp nhận khó khăn gian khổ

 Kỹ năng

- Nhanh trí, nhạy bén, khôn khéo

- Tinh thần đoàn kết

 Thái độ

- Nhiệt huyết, yêu thương con người

- Luôn có tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc

 Mức lương theo quy định

Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1-5-2012 là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng (tương đương với 26,5%) so với mức lương 830.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.

Mức lương tối thiểu chung nêu trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức…

Theo Nghị định 204 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì hệ số lương (so với lương tối thiểu chung) của sĩ quan quân đội ở một số cấp bậc như sau: Cấp Thiếu úy là 4,2 (có nghĩa là gấp 4,2 lần lương tối thiểu chung), cấp Trung úy là 4,6; cấp Thượng úy là 5,0; cấp Đại úy là 5,4; cấp Thiếu tá là 6,0; cấp Trung tá là 6,6; cấp Thượng tá là 7,3; cấp Đại tá là 8,0… Tổng mức lương và phụ cấp của sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương bằng 1,8 lần của quân nhân chuyên nghiệp, bằng 1,7 lần so với tổng mức lương và phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức tương đương; công nhân viên quốc phòng xếp lương như công nhân viên Nhà nước và hưởng phụ cấp phục vụ quốc phòng. Binh sĩ không quy định chế độ tiền lương mà thực hiện chế độ ăn định lượng và phụ cấp sinh hoạt phí theo cấp hàm.

 

Thu Thủy - HuongNghiep24h 

Tổng hợp

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp

Định hướng nghề nghiệp


TOP VIEW