Ngành công nghệ chế biến lâm sản

Thứ 4, 07/03/2018 | 15:12 GMT+7

Quy trình chế biến lâm sản, cơ hội việc làm ngành chế biến lâm sản... Tìm hiểu về lâm sản là gì? thị trường ngành lâm nghiệp nói chung và ngành lâm sản nói riêng - định hướng ngành chế biến lâm sản?

Hiện nay Việt Nam là quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới về Xuất khẩu đồ gỗ. Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chế biến gỗ là 1 trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ xuất khẩu và có đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Với cơ hội lớn như vậy, ngành đang cần rất nhiều lao động chất lượng cao, và thực tế là 100% sinh viên của ngành Công nghệ chế biến lâm sản ra trường có việc làm phù hợp với thu nhập cao.

Ngành:
- Công nghệ chế biến lâm sản (Công nghệ  Chế biến Gỗ)
- Tiếng Anh:  Wood technology

- Mã ngành: 52540301
- Thời gian đào tạo: 4 năm
- Khối lượng kiến thức toàn khóa: 137 tín chỉ
- Loại hình đào tạo: Chính qui 

Ngành Chế biến Lâm sản thuộc Viện Công nghiệp gỗ, trước đây là Khoa Chế biến lâm sản thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp là một ngành truyền thống với hơn 50 năm xây dựng và phát triển. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo hơn 4000 Kỹ sư CBLS, hàng trăm học viên cao học và tiến sĩ. Chương  trình đào tạo luôn thực hiện theo định hướng: Lý thuyết – Thực hành/Thí nghiệm – Thực tập - Ứng dụng thực tiễn sản xuất. Sinh viên được tiếp cận các cơ sở sản xuất dưới các hình thức: thực tập, thực hành, làm khóa luận tốt nghiệp. Đội ngũ giảng viên tham gia đào tạo của ngành là những giảng viên, nhà khoa học có học hàm học vị cao, có uy tín, được đào tạo tại các trường đại học lớn trong và ngoài nước, các cán bộ kỹ thuật công tác tại nhà máy.

Ngành chế biến lâm sản - nhà máy sản xuất gỗ tự nhiên
Hình ảnh nhà máy sản xuất gỗ tự nhiên xuất khẩu tại Việt Nam

Trong toàn khóa học, sinh viên được học tập các kiến thức lý thuyết cơ bản về chuyên môn trên lớp, được tích luỹ các kiến thức thực tế, được trải nghiệm thực tiễn sản xuất thông qua các các đợt thực tập tại xưởng thực hành của Trường và tại các nhà máy, công ty Chế biến gỗ lớn trong toàn quốc.

Để thực hiện tốt công tác đào tạo của ngành, Hiện nay Viện đã tạo lập được các mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ lớn trong cả nước cho sinh viên đến thực tập và tiếp cận với thực tiễn sản xuất như: Công ty Cổ phần Woodsland, Công ty TNHH Hà Lâm, Công ty TNHH Hoàn Cầu, Công ty cổ phần Lâm sản Nam định, Công ty MDF Tân An, Công ty Cổ phần Eurowindow,, Công ty Cổ phần Lâm sản Quảng Ninh, Công ty TNHH Thanh Lâm Quảng Ninh, Công ty Cổ phần SaHaBak, Công ty Akzo Nobel, Biên Hoà, Đồng Nai, Công ty TNHH và giải pháp nội thất Konceplkus, Công ty cổ phần kiến trúc và nội thất Nano

Trong nhiều năn gần đây, toàn bộ số sinh viên ra trường của Viện Công nghiệp gỗ đều có việc làm. Nhiều doanh nghiệp đã trực tiếp đến trường tuyển dụng ngay sau khi các em nhận bằng tốt nghiệp hoặc đăng ký xin chỉ tiêu, đăng thông tin tuyển dụng ngay khi các em còn đang học tập với những cam kết về vị trí công việc và mức lương hấp dẫn.

Ngành Công nghiệp chế biến gỗ ở nước ta phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ năm 2014 đạt 6,3 tỷ USD, năm 2015 đạt  7 tỷ USD, định hướng đến năm 2020 sẽ đạt 10 tỷ USD, hiện nay Việt Nam đang là quốc gia xếp thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu đồ gỗ. Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chế biến gỗ là 1 trong 10 ngành mang lại nguồn thu lớn nhất từ xuất khẩu và có đóng góp đáng kể vào GDP cả nước. Hiện nay cả nước có trên 4200 doanh nghiệp, trong đó 95% doanh nghiệp tư nhân (16% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI), 5% doanh nghiệp nhà nước, 340 làng nghề chế biến gỗ.

Kỹ sư chế biến lâm sản làm công tác quản lý và thực hiện nhiều công việc có liên quan đến gỗ, vật liệu gỗ và làm việc ở các nhà máy chế biến gỗ như các nhà máy ván MDF, nhà máy ván ép, nhà máy ván ghép thanh, công ty sản xuất đồ gỗ, các công ty thiết kế nội  thất , các cơ sở Kinh doanh, thương mại về xuất nhập khẩu về gỗ và sản phẩm gỗ trên địa bàn cả nước, các sở ban ngành , các trường đại học, viện nghiên cứu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ thì hiện nay nguồn nhân lực ngành Chế biến gỗ đang thiếu rất trầm trọng.

Theo kết quả điều tra về việc làm hàng năm cho thấy: sinh viên đều có khả năng tự tìm được việc làm hoặc được các giảng viên giới thiệu đến các nhà máy, công ty Chế biến Lâm sản. Tỷ lệ sinh viên tìm được việc làm mỗi khóa sau khi ra trường chiếm 90% đến 100%. Nhiều sinh viên sau khi ra trường đã được tuyển vào làm giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước có ngành đào tạo về Chế biến Lâm sản. Nhiều sinh viên đã tự thành lập nhà máy, công ty riêng về Chế biến gỗ, vật liệu gỗ, thiết kế nội thất, sản xuất đồ mộc.

Mục tiêu đào tạo
A. Kiến thức học đường ngành chế biến lâm sản

Nắm vững được các khối kiến thức của các môn học khoa học tự nhiên, cơ sở khối ngành kỹ thuật, các kiến thức chuyên môn và chuyên ngành về công nghệ và thiết bị chế biến lâm sản thuộc các lĩnh vực: khoa học gỗ, công nghệ sản xuất đồ gỗ, thiết kế sản phẩm gỗ, công nghệ vật liệu gỗ, công nghệ xẻ, công nghệ sấy gỗ, bảo quản gỗ, công nghệ sản xuất giấy và bột giấy, máy và thiết bị chế biến gỗ, tự động hóa trong chế biến gỗ.

B. Kỹ năng yêu cầu ngành chế biến lâm sản

-  Kiểm tra, đánh giá tính chất của gỗ và sản phẩm gỗ;
- Thiết lập và tổ chức thực hiện các loại hình công nghệ, chế tạo, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm gỗ, vật liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ:
- Sử dụng hiệu quả, cải tiến các máy, thiết bị chế biến gỗ, máy và các dây chuyền tự động  hóa trong các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
-  Thành thạo vẽ kỹ thuật, thiết kế đồ họa và bóc tách bản vẽ sản xuất đồ gỗ, kỹ năng tính toán, thành thạo thao tác trên máy vi tính mà chuyên ngành đòi hỏi bắt buộc;
- Thiết kế đồ gỗ và nội thất đáp ứng tốt công năng theo nguyên tắc sáng tạo Nghệ thuật.
- Tổ chức, chỉ đạo các hoạt động sản xuất tại các nhà máy chế biến gỗ và lâm sản và thi công các công trình xây dựng gỗ;
- Tổ chức hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ về chế biến gỗ.
- Giao tiếp xã hội và làm việc nhóm tốt; sử dụng tin học và Ngoại ngữ  đáp ứng yêu cầu công việc.
- Có trình độ ngoại ngữ, tư duy sáng tạo tìm hiểu và theo sát những tiến bộ khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên ngành. Có năng lực độc lập thu thập số liệu và tự đào tạo đổi mới kiến thức.

Vị trí làm việc của kỹ sư sau khi tốt nghiệp

- Kỹ sư phụ trách công nghệ, thiết kế, sản xuất đồ gỗ;
- Các nhà quản lý kỹ thuật tại các tổng công ty, công ty, nhà máy, doanh nghiệp chế biến gỗ, tre nứa, song mây và lâm đặc sản khác;
- Cán bộ kỹ thuật, nhà quản lý tại các cơ quan nhà nước;
- Giảng viên, cán bộ nghiên cứu tại các trường ĐH, trường DN, Viện nghiên cứu thuộc lĩnh vực CNCB gỗ;
- Cán bộ công tác tại các tổ chức KT-XH hoạt động liên quan đến các dự án về sản phẩm gỗ, Lâm sản ngoài gỗ và bảo vệ Môi trường

Tổng hợp

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp


TOP VIEW