Ngành Công nghệ nano

Thứ 6, 18/10/2013 | 14:36 GMT+7

Công nghệ nano đan xen và hòa quyện vào tất cả những ngành công nghệ và kỹ nghệ. Nó phục vụ cho mọi lĩnh vực trong đời sống sinh hoạt, sản xuất. Đây là ngành, theo đánh giá của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ rất hot , dễ kiếm việc làm nhất trong vài ba năm tới.

Ảnh minh họa.

Vì thế, ta thấy có các ngành Vật lý nano, Hóa học nano, Sinh học nano cũng như Công nghệ nano trong các khoa học liên ngành. Tức là, cánh cửa của ngành Công nghệ nano rộng mở cho tất cả những ai yêu thích các môn khoa học tự nhiên.

Về cơ bản, khi bước chân vào lĩnh vực mới mẻ này, bạn có thể đảm nhiệm vai trò một nhà khoa học nghiên cứu Công nghệ nano, một kỹ sư Công nghệ nano hoặc một nhà tư vấn về Công nghệ nano.

Nhà khoa học

Như bạn đã khám phá ra từ các hàng ghế trước, ngành Công nghệ nano đang cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc và có hệ thống. Đây là một ngành còn quá mới mẻ (thậm chí còn rất nhiều người chưa hề nghe nhắc tới nó), nhưng đem lại những thay đổi vĩ đại cho cuộc sống con người.

Do vậy xu hướng nghiên cứu của các phòng thí nghiệm trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay đều tập trung vào đối tượng vật liệu nano. Với tư cách là nhà nghiên cứu, bạn sẽ là một trong những người tiên phong khám phá ra những tính chất kỳ thú của các vật liệu tí hon này.

Nhiệm vụ của các nhà khoa học Công nghệ nano là tìm ra những quy luật vật lý và hóa học của một dạng vật chất cụ thể khi chúng tiến tới kích thước nano. Họ so sánh các quy luật mới tìm được với những quy luật con người đã biết đến khi loại vật chất đó ở dạng to lớn.

Một nhà khoa học trong lĩnh vực Nano sẽ có cuộc sống trong phòng thí nghiệm, gắn chặt với các máy móc tinh vi, khối lượng công việc chuyên sâu. Điều thú vị là bạn được nghiên cứu, tiếp cận những kiến thức tiên tiến nhất về công nghệ của thế giới. Bạn có cơ hội áp dụng tất cả những kiến thức liên ngành mà mình đã tích lũy. Bạn sẽ khám phá vẻ đẹp của một thế giới siêu nhỏ và thấy những kết quả nghiên cứu của mình được áp dụng đầy hiệu quả trong cuộc sống.

Những kết quả nghiên cứu ấy không chỉ làm phong phú thêm các quy luật vật lý, mà còn đồng thời là nền tảng để đưa ra các ứng dụng trong thực tế.

Kỹ sư trong lĩnh vực Công nghệ Nano

Bạn yêu thích ngành Công nghệ nano nhưng lại không muốn “bó mình” trong những phòng thí nghiệm. Bạn muốn được ứng dụng thực tiễn nhiều hơn? Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Nghĩa là bạn đang quan tâm tới công việc của một kỹ sư Công nghệ nano đấy.

Nếu như nhà khoa học tìm ra các quy luật thì kỹ sư là người thiết kế và vận hành các quy trình ứng dụng.

Kỹ sư Công nghệ nano có môi trường làm việc rộng lớn và rất linh hoạt. Bạn sẽ làm việc tại các tập đoàn, nhà máy trong các lĩnh vực như: điện tử (sản xuất thiết bị máy tính, đồ điện tử gia dụng v.v...), sản xuất các thiết bị phục vụ các ngành công nghiệp (công nghiệp ô tô, công nghiệp hàng không vũ trụ, công nghiệp năng lượng v.v...), y học (chẩn đoán và điều trị bệnh) hoặc các lĩnh vực an ninh - quốc phòng v.v...

Một ví dụ đơn giản là ứng đụng Công nghệ nano trong việc sản xuất ổ đĩa cứng. Các thông tin sẽ được lưu trữ trên một lớp kim loại rất mỏng cỡ một vài chục nanomet. Một ổ đĩa cứng có thể gồm rất nhiều lớp kim loại như vậy được xếp chồng lên nhau.

Người kỹ sư làm việc trong dây chuyền sản xuất phải đảm bảo các điều kiện công nghệ thích hợp để đảm bảo được chất lượng của sản phẩm. Chính vì vậy, anh ta cần đặc biệt thông thạo về chuyên ngành Công nghệ nano mà mình đảm nhiệm.

Công việc của một kỹ sư đòi hỏi bạn phải có trình độ chuyên sâu về một lĩnh vực ứng dụng của Công nghệ nano. Bạn sẽ làm việc với tư cách là người chịu trách nhiệm về kỹ thuật cho các dây chuyền sản xuất.

Công việc này tuy thầm lặng nhưng lại vô cùng quan trọng. Người kỹ sư gánh trên mình trọng trách quyết định chất lượng và tính đột phá của từng sản phẩm khi tung ra thị trường. Và đây cũng là cơ hội của một công việc chuyên nghiệp với mức thu nhập cao.

Các nhà tư vấn và quản lý công nghiệp

Với kỹ năng quản lý tốt cộng với những kiến thức chuyên sâu về Công nghệ nano, bạn sẽ trở thành một nhà tư vấn, chuyên gia chuyển giao công nghệ tới các dây chuyền sản xuất dựa trên các bằng phát minh sáng chế.

Ở mức độ cao hơn nữa, bạn sẽ là người giữ trọng trách quản lý những chương trình tầm cỡ quốc gia để thực hiện các hướng phát triển tương lai về công nghiệp, năng lượng, y tế, nông nghiệp và quốc phòng v.v...

Những nhà tư vấn, quản lý công nghiệp đòi hỏi đã có rất nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu hoặc thực tiễn trước đó trong các lĩnh vực Công nghệ nano có liên quan.

Công việc tư vấn và quản lý hết sức thú vị và cũng đầy thách thức. Bạn cần rất giỏi trong một địa hạt nào đó của Công nghệ nano. Đồng thời, bạn cũng cần có cái nhìn bao quát thời cuộc để việc tư vấn và quản lý đạt hiệu quả cao.

Nghề nghiệp này hiện nay còn chưa phát triển tại Việt Nam, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào tương lai. Không xa nữa, chỉ năm, mười năm tới thôi, với tốc độ phát triển của đất nước, sẽ rất cần những nhà tư vấn và quản lý công nghiệp giỏi trong lĩnh vực Công nghệ nano.

Kiến thức 

-Trình độ ngoại ngữ và tin học

- Hiểu biết đa ngành về khoa học tự nhiên

- Kiến thức về Công nghệ nano trong mỗi ngành cụ thể

Kỹ năng 

- Đức tính kiên trì vã khả năng tập trung cao

- Khả năng làm việc độc lập

Khả năng 

- Ưa thích công việc tìm tòi, nghiên cứu

- Tính chính xác

Thái độ 

-Yêu thích các môn khoa học tự nhiên

- Thái độ làm việc nghiêm túc

- Yêu thích sự sáng tạo, nghiên cứu

Một số địa chỉ đào tạo

Muốn học ngành Công nghệ nano, bạn có thể thi vào: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM), Trường Đại học Khoa học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), trung tâm Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia v.v…

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

- Với tư cách là một nhà khoa học, bạn sẽ công tác tại các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm của các trường đại học tổng hợp và bách khoa, các phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển (R&D) của các hãng sản xuất.

Thực tế, nhiều phòng thí nghiệm hàng đầu lại thuộc về một công ty sản xuất. Chẳng hạn, hãng máy tính IBM có bộ phận nghiên cứu cực mạnh với tám phòng thí nghiệm phân bố trên khắp thế giới, đăng ký hàng trăm bằng sáng chế. Trong đó, Công nghệ nano đang là một trong các nghiên cứu mũi nhọn.

- Nếu trở thành kỹ sư Công nghệ nano, bạn sẽ làm việc ở các phòng sản xuất, phòng kiểm tra chất lượng sản phẩm, phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các hãng công nghiệp. Kỹ sư Công nghệ nano còn làm việc tại các khoa chẩn đoán, xét nghiệm và điều trị bệnh bằng các phương pháp vật lý ở các bệnh viện. Ngoài ra, họ cũng tham gia vào các lĩnh vực về nông nghiệp như cải tạo giống hay bảo quản thực phẩm tại các cơ sở sản xuất và chế biến nông sản v.v...

- Các nhà tư vấn về Công nghệ nano làm việc tại các hãng sản xuất, các công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ v.v... Còn các nhà quản lý công nghiệp làm việc với tư cách là chuyên viên tại các cơ quan thuộc các Bộ của Nhà nước như là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư v.v…

Mức thu nhập trung bình

- Lương cho người mới ra trường: 4 - 6 triệu VND/ Tháng

- Lương cho người có kinh nghiệm và kỹ thuật cao: 10 - 20 triệu VND / tháng

 

Thu Thủy - HuongNghiep24h

Tổng Hợp

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp

Định hướng nghề nghiệp


TOP VIEW