Ngành công nghệ thông tin

Thứ 6, 11/10/2013 | 10:09 GMT+7

Công nghệ thông tin, viết tắt CNTT, (tiếng Anh: Information Technology hay là IT) là ngành sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để chuyển đổi, lưu trữ, bảo vệ, xử lý, truyền, và thu thập thông tin

Ở Việt Nam: Khái niệm CNTT được hiểu và định nghĩa trong nghị quyết Chính phủ 49/CP kí ngày 04/08/1993: Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội.

Với sự ra đời của Internet mà các kết nối băng tần rộng tới tất cả các trường học, áp dụng của kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về CNTT trong các môn học đã trở thành hiện thực.

Ảnh mình họa

Công việc của người làm CNTT chuyên nghiệp thường nằm ở một trong những mảng chủ yếu sau:

Lập trình:

 Công việc chính của lập trình viên là sử dụng những công cụ và ngôn ngữ lập trình để phân tích, thiết kế, tạo ra những phần mềm, website, trò chơi cung cấp cho thị trường. Đây là nghề đang phát triển mạnh ở nước ta và được nhiều bạn trẻ quan tâm. Các công ty phần mềm nghiên cứu, xây dựng, phát triển và cung cấp các phần mềm, các ứng dụng xây dựng website, games v.v… cho thị trường là điểm đến của các lập trình viên.

Chế tạo, lắp ráp và sửa chữa phần cứng:

Những người làm trong lĩnh vực này có khả năng chế tạo, sửa chữa hay lắp ráp, lắp đặt các thiết bị, linh kiện của máy tính như ổ cứng, bo mạch, bộ vi xử lý. Các công ty sản xuất, lắp ráp và sửa chữa thiết bị phần cứng đang hứa hẹn một nền công nghiệp hùng mạnh trong tương lai.

Thiết kế giải pháp tích hợp:

Công việc này đòi hỏi các chuyên gia phải am hiểu cả phần cứng và phần mềm, có khả năng thiết kế các giải pháp trọn gói cho một công ty, tổ chức về cả phần cứng lẫn phần mềm, dựa trên yêu cầu cụ thể. Họ làm nhiệm vụ tại các công ty cung cấp giải pháp tích hợp hiện đang trên đà phát triển tại Việt Nam.

Quản trị hệ thông và an ninh mạng:

Ngày nay, hầu hết các công ty, doanh nghiệp, tổ chức đều có hệ thống máy vi tính kết nối mạng. Người làm công tác quản trị hệ thống và an ninh mạng có nhiệm vụ bảo đảm cho hệ thống vận hành suôn sẻ, giải quyết trục trặc khi hệ thông gặp sự cố, đảm bảo an toàn và bảo mật cho dữ liệu. Trong lĩnh vực này, bạn sẽ làm việc tại các công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng, các cơ quan, doanh nghiệp v.v…

Kiến thức

- Trình độ ngoại ngữ (để tiếp cận kho tàng phong phú về CNTT từ các cuốn sách điện tử và Internet)

- Kiến thức chuyên ngành Công nghệ - Thông tin

Kỹ năng

- Suy nghi 1 cách logic

- Tiếp cận vấn đề có thứ tự và luôn chú ý tới chi tiết

- Khả năng làm việc nhóm

- Khả năng làm việc một mình trong thời gian dài

- Kỹ năng thiết kế

- Khả năng tự học

Khả năng

- Thông minh và có óc sáng tạo

- Khả năng làm việc dưới áp lực lớn

Thái độ

- Kiên trì, nhẫn nại

- Tính chính xác trong công việc

- Ham học hỏi, trau dồi kiến thức

- Niềm đam mê với CNTT

Một số địa chỉ đào tạo

Nếu bạn muốn theo học ngành CNTT, có rất nhiều địa chỉ để bạn lựa chọn: Khoa Công nghệ thông tin của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Bách khoa TP.HCM, trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội và TP.HCM, trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội) v.v…và rất nhiều trường ĐH, CĐ khác trên toàn quốc.

Bạn cũng có thể học công nghệ thông tin ở các trung tâm nổi tiếng chuyên đào tạo CNTT như HanoiCTT, SaigonCTT, công ty IPMAC, trung tâm in học Trí Việt (VnPro), trung tâm đào tạo lập trình viên quốc tế Aptech ở Hà Nội và TP.HCM v.v…

Điều kiện làm việc

Môi trường làm việc trong ngành CNTT rất đa dạng với nhu cầu nhân lực rất lớn. Ngoài những công ty chuyên về tin học, hiện nay hầu như mọi tổ chức, cơ quan đều sử dụng hệ thống máy vi tính và cần người có chuyên môn về CNTT. Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng với một số đồng nghiệp khác lập ra một nhóm hay công ty của riêng mình. CNTT có mặt ở khắp mọi nơi, hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là ngành được đầu tư và chú trọng ở mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Mức thu nhập trung bình

- Sinh viên mới ra trường: 4-7 triệu VND/ tháng

- Nhân viên 3-5 năm kinh nghiệm: 8-10 triệu VND/tháng

- Cấp giám sát/ trưởng nhóm: 10 triệu VND/tháng - 20 triệu VND/tháng

- Manager với 5-7 năm kinh nghiệm với 1-2 năm ở vị trí quản lý trước đó:: 20 triệu VND/tháng - 30 VND/tháng

- Manager khoảng 10 năm kinh nghiệm với 3-5 năm quản lý trước đó: 30 triệu VND/tháng - 40 triệu VND/ tháng

- Director trên 10 năm kinh nghiệm: 40 triệu VND/tháng - 50 triệu VND/tháng

 

Thu Thủy - HuongNghiep24h

Tổng Hợp

Chia sẻ