Ngành dầu khí

Thứ 5, 14/01/2016 | 08:23 GMT+7

Có nguồn gốc từ xác chết của vô số sinh vật cổ đại sống cách chúng ta hàng triệu năm, dầu mỏ là nguồn nhiên liệu và nguyên liệu vô cùng quí giá, còn được mệnh danh là “vàng đen”. Khai thác và chế biến dầu mỏ là ngành công nghiệp trọng tâm của nhiều cường quốc trên thế giới.

Các mỏ dầu khí được sinh ra từ rất lâu đời và nằm sâu trong vỏ Trái Đất hàng ngàn mét. Muốn lấy được dầu khí lên trên mặt đất để sử dụng, người ta phải áp dụng công nghệ khai thác dầu khí với những phương pháp và quy trình đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Xem thêm:

>> Ngành dầu khí thi khối gì, trường nào tuyển sinh

Ảnh minh họa.

Một số nghề nghiệp trong ngành dầu khí:

- Nhà nghiên cứu khoa học

Nhà nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu, tham gia thiết kế các công trình khai thác dầu khí, đề xuất với cơ sở sản xuất áp dụng phương pháp khai thác hợp lý nhằm tăng hệ số thu hồi dầu khí, giảm chi phí sản xuất, tham gia xây dựng hoặc phản biện các chương trình phát triển bền vững trong lĩnh vực khai thác dầu khí, tham gia công tác giảng dạy trong nhà trường, tham dự các hội nghị khoa học chuyên ngành về khai thác dầu khí ở trong và ngoài nước. Làm việc trong các viện nghiên cứu như Viện Hóa học công nghiệp (thuộc Bộ Công nghiệp), Viện Công nghệ hóa học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) hoặc trong các phòng thí nghiệm, nghiên cứu của các trường Đại học, các công ty dầu khí.

- Kỹ sư và Kỹ thuật viên thực hành

Đây là những người làm các công tác như: điều hành kỹ thuật ở các giếng khoan khai thác; điều khiển, theo dõi, phát hiện, xử lý các sự cố ở các giếng khai thác. Họ cũng là chuyên gia trong khâu thu gom dầu thô từ các giếng khai thác vào bồn chứa để xử lý tách khí dầu nước thành dầu thương phẩm rồi bơm vào các tàu chở dầu chuyên dụng đưa đi cung ứng cho những nơi tiêu thụ, điều hành hệ thống bơm và đường ống dẫn dầu thương phẩm, tiếp nhận dầu vào tàu chứa, tái xử lý dầu thương phẩm rồi bơm vào các tàu chở dầu chuyên dụng.

Kỹ sư và Kỹ thuật viên làm việc tại các công trình khai thác dầu khí ngoài biển khơi như: giàn khai thác, giàn công nghệ trung tâm, tàu chứa dầu. Họ sống và làm việc ở các công trình trên biển với những máy móc tự động hóa hiện Đại.

- Nhà tư vấn, nhà quản lý

Nếu bạn có trình độ cao, đã qua thực tế sản xuất, giàu kinh nghiệm, bạn sẽ được tiến cử làm chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực khai thác dầu khí cho các cơ quan quản lý về dầu khí các cấp. Nhiệm vụ của bạn lúc này là nghiên cứu, nắm bắt tình hình khai thác dầu khí trong nước và quốc tế để đề xuất với lãnh đạo về chủ trương, chính sách phát triển ngành dầu khí một cách bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nếu bạn là chuyên gia giỏi trong lĩnh vực tư vấn, cộng thêm năng lực quản lý, bạn có thể trở thành cán bộ lãnh đạo ở các công ty khai thác dầu khí hay cao hơn nữa. Với vị trí trên, bạn làm việc và nghiên cứu chủ yếu tại văn phòng. Đồng thời, bạn cũng có nhiều cơ hội tham quan, khảo sát thực tế, dự các hội thảo trong và ngoài nước, học hỏi đồng nghiệp về công tác chuyên môn.

- NGOÀI RA, TRONG LĨNH VỰC DẦU KHÍ CÒN CÓ:

Nhà quản lý, làm việc với tư cách là chuyên viên về lĩnh vực này trong các cơ quan thuộc các Bộ của Nhà nước như Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhà tư vấn, chuyển giao công nghệ trong các hãng sản xuất, các công ty tư vấn và chuyển giao công nghệ. Họ chính là cầu nối giữa các phát minh mới, công nghệ mới, hệ thống máy móc mới với các kỹ sư, công nhân kỹ thuật làm việc trong nhà máy. Muốn vậy, bạn phải có rất nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu và thực tiễn trước đó.

Muốn làm việc trong ngành hóa dầu, bạn hoàn toàn vẫn có thể tốt nghiệp các ngành khác như tự động hóa, cơ khí, điện, môi trường v.v…

 Phẩm chất và kỹ năng cần thiết

- Năng khiếu, sự say mê với các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là hóa học

- Thông minh, có trí nhớ tốt

- Kiên nhẫn, bền bỉ

- Cẩn thận, tỉ mỉ, chính xác

 Một số địa chỉ đào tạo

Bạn có thể học ngành này tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Phân hiệu Đại học kỹ thuật Dầu khí tại Vũng Tàu (trực thuộc trường Đại học Mỏ - Địa chất), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Tp Hồ Chí Minh), Trường Cao đẳng kỹ thuật Dầu khí tại Vũng Tàu (trực thuộc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam), Trường đào tạo kỹ thuật dầu khí tại Vũng Tàu (trực thuộc Xí nghiệp liên doanh Dầu khí Việt - Xô) v.v...

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Cũng như nhiều ngành khoa học ứng dụng khác, ngành lọc hóa dầu mở ra cho bạn nhiều cơ hội lựa chọn phong phú từ nghiên cứu tới hoạt động thực tiễn tại các quy trình sản xuất.

- Là nhà khoa học, bạn sẽ làm việc trong các viện nghiên cứu như Viện Hóa học công nghiệp (thuộc Bộ Công nghiệp), Viện Công nghệ hóa học (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) v.v… Bạn cũng có thể tìm thấy vị trí của mình trong các Trường đại học hoặc các phòng nghiên cứu phòng thí nghiệm của các hãng, các công ty dầu khí.

- Là nhà quản lý, bạn sẽ làm việc với tư cách chuyên viên về lĩnh vực lọc hóa dầu trong các cơ quan thuộc các Bộ của Nhà nước như Bộ khoa học và Công nghệ, Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường v.v...

- Là kỹ sư, bạn sẽ làm việc tại các nhà máy lọc hóa dầu, các công ty dầu khí như Tổng công ty Dầu khí Petro Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam Petrolimex, Công ty Phụ gia dầu mỏ (APP) v.v...

Hiện nay, nước ta đang có ba dự án về nhà máy lọc hóa dầu, dự định tiến hành xây dựng ở ba miền Bắc, Trung, Nam.

* Nhà máy thứ nhất đang hoạt động ở Dung Quất (Quảng Ngãi) với tên gọi Nhà máy lọc dầu Dung Quất  với công suất từ 51 đến 6 triệu tấn/năm. Để chủ động nguồn nguyên liệu, nhà máy sẽ sử dụng một nửa là dầu mỏ của Việt Nam, còn một nửa nhập của Đubai.

* Nhà máy thứ hai  đang khẩn trương  xây dựng ở Nghi Sơn (Thanh Hóa) với công suất lớn hơn, gồm nhiều phân xưởng hóa dầu. Khi đó, nước ta sẽ tự sản xuất được một số loại nhựa mà hiện nay ta đang phải nhập của nước ngoài.

* Nhà máy thứ ba sẽ xây dựng ở Phú Yên. Nhà máy này dự kiến có công suất lớn hơn hai nhà máy trên và thiên về các hoạt động hóa dầu là chính.

Trong ngành này, bạn sẽ làm việc trong môi trường tự động hóa hoàn toàn với những máy móc, thiết bị điện tử cực kỳ thông minh. Một thách thức mà bạn phải đối mặt là cuộc sống xa gia đình vì các nhà máy lọc hóa dầu thường nằm xa các khu dân cư đông đúc.

Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Á về xuất khẩu dầu.

 Mức thu nhập trung bình

- Sinh viên mới ra trường: 5-7 triệu VND/ tháng

- 2-3 năm kinh nghiệm: 8-10 triệu VND/tháng

- 4-5 năm kinh nghiệm: trên 15 triệu VND/tháng

 

Thu Thủy - HuongNghiep24h

Tổng Hợp

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp

Định hướng nghề nghiệp


TOP VIEW