Ngành mỹ thuật đa phương tiện

Thứ 7, 12/10/2013 | 09:58 GMT+7

Mỹ thuật đa phương tiện (MTĐPT) là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện và tương tác, ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí.

Nếu sách chỉ cho phép ta đọc, truyền hình chỉ cho phép ta nghe và xem thì MTĐPT cho phép bạn cảm nhận bằng nhiều giác quan cùng một lúc: nghe, nhìn, đọc, cảm giác và quan trọng nhất là khả năng tương tác lên nó. MTĐPT ứng dụng Công nghệ thông tin trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm mang tính đa phương tiện và tương tác ứng dụng trong các lĩnh vực truyền thông, quảng cáo, giáo dục và giải trí.

Ảnh minh họa

Thiết kế đồ họa, trò chơi điện tử, làm hoạt hình 3D, thiết kế Web, làm phim v.v… MTĐPT đang mở ra khả năng sáng tạo cực kỳ lớn cho những người đam mê cả nghệ thuật và công nghệ.

Nghe có vẻ phức tạp nhưng hiểu một cách đơn giản, đó là việc thiết kế đồ họa, trò chơi điện tử, làm hoạt hình 3D, thiết kế Web, làm phim v.v... tất cả đều thực hiện trên máy tính. Và hầu như các sản phẩm truyền thông (quảng cáo, truyền hình, Internet,...) và giải trí hiện đại (trò chơi điện tử (games), điện ảnh, hoạt hình,...) bạn sử dụng và thưởng thức ngày nay đều là sản phẩm của MTĐPT.

Các lĩnh vực trong ngành Mỹ thuật đa phương tiện

Thiết kế đồ họa:

Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số các nhà thiết kế tại Việt Nam hiện nay, chuyên viên thiết kế đồ họa là người lập kế hoạch, phân tích, và tìm kiếm các giải pháp thị giác nhằm giải quyết các vấn đề cụ thể của quá trình sản xuất. Hầu hết họ dùng phần mềm máy tính để ứng dụng công nghệ xử lý, biến thông tin dưới dạng bản in, điện tử, hay phim ảnh thành các thiết kế làm mê hoặc khách hàng.Các nhà thiết kế đồ họa làm việc trong các nhà xuất bản, tòa soạn báo, công ty thiết kế, công ty quảng cáo v.v... Họ cũng thường làm việc tự do. Nếu bạn có kiến thức về đồ họa căn bản, có kỹ năng sử dụng các phần mềm đồ họa, có khả năng làm việc theo nhóm và cộng tác, tại sao không nghĩ tới vị trí này?

Thiết kế trò chơi: 

Các nhà thiết kế trò chơi (games) thiết kế các bối cảnh, mô hình, các tình huống, âm thanh, hình ảnh... cho trò chơi điện tử. Nắm được các đặc thù của thiết bị chơi (máy tính, playstation, mobile,...) cũng như hoàn cảnh sử dụng của chúng kết hợp với những hiểu biết công nghệ giúp ích rất nhiều cho họ.Nếu bạn ham mê chơi game, có khả năng về thiết kế đồ họa, hiểu biết nhiều về lịch sử, thích đọc tiểu thuyết, và đặc biệt là hiểu rõ tâm lý người chơi, bạn có thể sẽ là một nhà thiết kế trò chơi đầy tiềm năng.

Thiết kế truyền thông tương tác:

Đây là một công việc khá mới mẻ, đòi hỏi nghệ sỹ thiết kế phải am hiểu về nhiều vấn đề khác nhau của MTĐPT. Nhiệm vụ chính là xây dựng kịch bản, lựa chọn âm thanh, hình ảnh, đồ họa, và tương tác để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh (một đĩa CD giới thiệu về lịch sử Việt Nam chẳng hạn). Một sản phẩm truyền thông tương tác không chỉ cung cấp thông tin một chiều cho người sử dụng mà còn cho phép họ tham gia vào quá trình này một cách chủ động.Bạn nên bắt đầu với việc học cách xây dựng kịch bản, xử lý âm thanh, biên tập hình ảnh, và một chút về lập trình tương tác.

 Thiết kế Website:

Nhiệm vụ chính của nghệ sĩ thiết kế website là xây dựng cấu trúc, định dạng các quy chuẩn về hình ảnh, chữ viết,... cho từng trang web và cho toàn bộ website. Như vậy, để trở thành một nghệ sĩ thiết kế website, trước hết bạn cần phải là một nhà thiết kế đồ họa, sau đó bạn cần có các hiểu biết khá kỹ về các công nghệ liên quan đến web như HTML (ngôn ngữ siêu văn bản trên web), CSS (Cascading Style Sheets)... Nghệ sĩ thiết kế cần đưa ra thiết kế khả thi và thuận tiện cho việc lập trình. Một số đặc thù của web như vấn đề tốc độ truyền, màu sắc... cũng cần được nghệ sĩ thiết kế quan tâm.

 Làm phim hoạt hình 2D, 3D:

Các nghệ sĩ hoạt hình 2D và 3D là những người tạo ra các hình ảnh chuyển động bằng cách tạo ra các hình ảnh tĩnh nối nhau liên tục. Nghệ sĩ hoạt hình 2D không phải lo lắng đến vấn đề ánh sáng, phối cảnh nhiều như trong hoạt hình 3D. Dù là 2D hay 3D, một nghệ sĩ hoạt hình giỏi cần phải có khả năng vẽ phác thảo tốt. Họ có thể vẽ tay hoặc vẽ trên máy tính với sự trợ giúp của bảng và bút điện tử. Để trở thành nghệ sĩ hoạt hình 3D, ngoài những tố chất đã nói ở trên, bạn cần phải sử dụng thành thạo các phần mềm 3D như 3DsMAX, Maya, Lightwave 3D,...

Giám đốc sáng tạo:

Là người tìm kiếm giám đốc nghệ thuật và các nghệ sĩ thiết kế cho từng dự án. Những người này sẽ đưa ra các giải pháp sáng tạo cụ thể trong phạm vi dự án mà họ được giám đốc sáng tạo phân công. Tuy không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất cụ thể, nhưng thông qua việc gặp gỡ các đội dự án định kỳ, giám đốc sáng tạo đảm bảo chất lượng cũng như tiến độ của công việc ở mọi giai đoạn. Nếu bạn có khả năng tổ chức, giao tiếp tốt, chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu thì đừng bỏ lỡ cơ hội thử sức với vai trò giám đốc sáng tạo.

Giám đốc nghệ thuật:

Là người trực tiếp tham dự vào mọi công đoạn sản xuất và chịu trách nhiệm về mọi sản phẩm mỹ thuật phục vụ dự án. Chịu sự quản lý trực tiếp của giám đốc sáng tạo, chức danh giám đốc nghệ thuật khá phổ biến trong các ngành giải trí, quảng cáo và thiết kế. Để trở thành giám đốc nghệ thuật bạn cần hiểu biết sâu sắc về các vấn đề nghệ thuật, các yếu tố công nghệ, về quá trình sản xuất, các nguồn lực có thể huy động và các tiêu chí đánh giá chất lượng sản phẩm. Cộng thêm khả năng quản lý, giao tiếp tốt, bạn nên thử sức mình ở vị trí này.

Biên tập truyền thông đa phương tiện:

Là người làm các công việc như biên tập âm thanh, hình ảnh, làm kỹ xảo, chế bản điện tử và lập trình đa phương tiện. Để làm tốt một trong các công việc trên,  bạn cần có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và được đào tạo nhạc lý, thẩm mỹ thị giác tốt, khả năng làm chủ ngôn ngữ hình ảnh, hiểu biết về kịch bản, thiết kế đồ họa, xử lý âm thanh, v v…... Tiếp đó, bạn cần thành thạo được một số phần mềm chuyện dụng.

Kiến thức

- Kiến thức thật sâu về chuyên ngành

- Kiến thức về các chuyên ngành khác như các ấn phẩm quảng cáo, cẩm nang doanh nghiệp, thư quảng cáo trực tiếp, phim quảng cáo, website

Kỹ năng

- Năng khiếu nghệ thuật, đặc biệt là tư duy thẩm mỹ và tạo hình

- Sử dụng máy tính thành thạo, khả năng tiếp cận với các công nghệ mới, đặc biệt là những ứng dụng của công nghệ thông tin

- Khả năng ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh

- Kỹ năng nghiên cứu tốt và khả năng viết thuyết

Khả năng

- Khả năng sáng tạo cao cùng với kiến thức văn hoá rộng

- Khả năng thích ứng với sự biến đổi và sức ép của công việc

- Khả năng cảm nhận tốt một văn bản

Thái độ

- Tính kiên trì và chuyên nghiệp trong công việc

- Không ngừng tìm tòi học hỏi, nâng cao trình độ

Một số thông tin về đào tạo

- Nếu bạn muốn làm nhà thiết kế đồ họa, bạn có thể theo học tại Khoa Đồ họa hay Mỹ thuật ứng dụng của các trường như Mỹ thuật công nghiệp hay Kiến trúc…

- Nếu bạn muốn chuyên sâu về lĩnh vực sản xuất hậu kỳ cho điện ảnh và làm phim hoạt hình bạn có thể theo học tại các khoa tương ứng của Trường Đại học Sân Khấu – Điện ảnh.

- Tại Việt Nam một số các lĩnh vực quan trọng của MTĐPT như thiết kế Website, Đồ họa tương tác, thiết kế Game, Hoạt hình 3D hay Kỹ xảo Điện ảnh vẫn chưa có nơi đào tạo chính quy nào. Có một số trung tâm đào tạo phi chính quy như Trung tâm Đào tạo MTĐPT FPT-Arena.

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Thuật ngữ Multimedia (MTĐPT) mới xuất hiện từ cuối thế kỷ XX và mãi cho đến đầu thế kỷ XXI mới bắt đầu chính thức du nhập vào Việt Nam. Ngay cả trên thế giới cũng coi đây là lĩnh vực trẻ nhất. Trong lĩnh vực này bạn không chỉ tiếp cận với nhiều công nghệ mới, hiện đại được hoàn thiện từng ngày mà còn là nghệ sĩ sáng tạo, sống trong môi trường đầy ắp ý tưởng mới, độc đáo để cống hiến cho cuộc sống.

Với MTĐPT bạn sẽ làm việc tại:

- Các công ty truyền thông quảng cáo: tham gia tổ chức các sự kiện, làm phi quảng cáo, thiết kế logo, thực hiện các bộ phim quảng cáo v.v...

- Các đài phát thanh, truyền hình: xử lý âm thanh, hình ảnh trước khi phát sóng, thiết kế truyền hình hay làm các kỹ xảo phía sau hậu trường.

- Các tòa báo, các nhà xuất bản

- Các công ty sản xuất phim, video: xử lý hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo điện ảnh

- Các xưởng phim hoạt hình

- Các công ty sản xuất trò chơi: thiết kế trang phục, nhân vật cho game, xây dựng kịch bản, bối cảnh hoặc chỉ đạo nghệ thuật v.v...

- Các công ty sản xuất phần mềm, thiết kế website: thiết kế giao diện cho các phần mềm, cho website hay thiết kế các ấn phẩm cho chính công ty...

- Làm nghệ sĩ tự do

Tốc độ phát triển của lĩnh vực này rất lớn. Tại Việt Nam doanh thu quảng cáo tăng từ 300 tỷ đồng năm 1994 lên gần 7.000 tỷ đồng năm 2004 và dự kiến lên tới 24.000 tỷ đồng vào năm 2020. Tốc độ nhanh đồng nghĩa với việc nhu cầu về nhân lực cũng tăng nhanh.

Theo thống kê của báo Tuổi Trẻ, năm 2006, Việt Nam thiếu khoảng 17.000 chuyên gia MTĐPT. Vì công việc trong ngành mang tính sáng tạo, hàm lượng chất xám cao nên thu nhập trung bình cũng thuộc mức cao.

 

 

Thu Thủy - HuongNghiep24h

Tổng Hợp

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp11111111


TOP VIEW