Ngành quản trị kinh doanh

Thứ 6, 15/11/2013 | 17:23 GMT+7

Kinh doanh là hoạt động diễn ra rất phổ biến trong đời sống, vì mục tiêu lợi nhuận, trên cơ sở hợp pháp, bao gồm từ khâu đầu tư, khai thác, sản xuất, cung ứng đến tiêu thụ sản phẩm v.v...

Ảnh minh họa.

Quản trị kinh doanh là gì?

 Quản trị kinh doanh là tổng hợp của các quá trình:

- Xác đĩnh mục tiêu kinh doanh

- Phối hợp, tố chức, chỉ huy và điều hành hoạt động để thực hiện mục tiêu kinh doanh đã đề ra

- Kiểm tra, kiểm soát hệ thống tổ chức đã hình thành trong quá trình thực hiện mục tiêu kinh doanh

Quản trị kinh doanh làm những công việc gì?

Mục tiêu chung của quản trị kinh doanh là duy trì và thúc đẩy hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo sự tồn tại và vận hành của toàn bộ doanh nghiệp, hướng vào thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Quản trị kinh doanh thực chất là một ngành rộng lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực, ngành nghề trong xã hội. Quản trị kinh doanh có thể được tiếp cận theo ba góc độ chủ yếu:

* Quản trị kinh doanh chung (đa ngành, đa lĩnh vực, đa chức năng)

* Quản trị kinh doanh theo đối tượng (hay còn gọi là theo ngành) trong nền kinh tế như: kinh doanh công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thương mại, du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm v.v...

* Quản trị kinh doanh theo chức năng trong doanh nghiệp như: quản trị nhân lực, tài chính, marketing, hậu cần, công nghệ, chất lượng v.v...

Ngoài ra, còn có thể tiếp cận quản trị kinh doanh theo tiến trình quản trị trong doanh nghiệp  như: hoạch định, tổ chức, điều hành, kiểm soát v.v...

Trong doanh nghiệp, quản trị kinh doanh được chia làm ba cấp chủ yếu:

* Quản trị viên cấp cao: tổng giám đốc, các phó tổng giám đốc, giám đốc chức năng hay lĩnh vực v.v...

* Quản trị viên cấp trung: trưởng phòng, ban, quản đốc phân xưởng v.v...

* Quản trị viên cấp cơ sở: những quản trị viên còn lại.

Tựu trung lại, công việc quản trị kinh doanh là:

- Hoạch định kinh doanh: dựa trên nghiên cứu kỹ lưỡng, có tính hệ thống, quản trị viên lập, thiết kế và thẩm định các chiến lược kinh doanh và chiến lược bộ phận của doanh nghiệp, chính sách kinh doanh, dự án kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, chương trình kinh doanh v.v...

- Tổ chức kinh doanh: thiết kế mới hoặc hoàn thiện hệ thống sản xuất kinh doanh đã có.

- Tổ chức quản trị kinh doanh: xây dựng mới hoặc kiện toàn cơ cấu tổ chức quản trị, chế độ làm việc, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận trong doanh nghiệp v.v...

- Lãnh đạo, điều hành kinh doanh: sử dụng các phương pháp, phương tiện, công cụ quản trị để vận hành hệ thống tổ chức kinh doanh đã hình thành trong quá trình thực hiện mục tiêu kinh doanh.

- Kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh: Phân tích, đánh giá hoạt động kinh doanh và lãnh đạo, đưa ra nhận định, cung cấp thông tin để điều chỉnh các nội dung quản trị, hoạch định phát triển cho thời kỳ tiếp theo.

Kiến thức 

- Tri thức về chuyên môn và nghiệp vụ kinh tế, nhất là trong doanh nghiệp

- Tri thức tổng quát về chính trị xã hội, khoa học kỹ thuật, môi trường sinh thái.

Kỹ năng 

- Có năng lực tổ chức và quản lý, tự tin, biết cách khắc phục rủi ro

- Thành thạo ngoại ngữ và tin học

Khả năng 

- Sáng tạo và đổi mới, tầm nhìn xa trông rộng

- Khả năng chịu áp lực công việc

Thái độ 

- Có khát vọng làm giàu chính đáng

- Có đạo đức kinh doanh

Một số thông tin đào tạo

Ngành này được đào tạo tại các trường đại học kinh tế trong cả nước như: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh, Khoa kinh tế và quản lý của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Khoa Quản lý công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Khoa kinh tế của Trường Đại học Ngoại thương, v.v...

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Thu nhập cao, môi trường làm việc năng động và cơ hội thăng tiến nhanh là những lý do khiến ngành này đang thu hút nhiều bạn trẻ. Bạn là người say mê kinh doanh, yêu thích các công việc đòi hỏi đầu óc tổ chức, quản lý, bạn có thể nhanh chóng thích nghi với môi trường công việc.

Ngành này có địa bàn hoạt động rộng nên bạn sẽ có cơ hội để đến với nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam cũng như trên thế giới. Thị trường và môi trường kinh doanh luôn thay đổi vừa là thách thức, vừa là niềm vui cho bạn. Công việc không dập khuôn máy móc khiến bạn không cảm thấy nhàm chán.

Chỉ tính riêng trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nước ta có hơn 15 vạn doanh nghiệp. Theo chủ trương của Nhà nước, tới năm 2010, cả nước sẽ có khoảng 50 vạn doanh nghiệp. Nhu cầu về những quản trị viên giỏi, nhạy bén bởi vậy rất lớn.

Đặc biệt, với kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh bài bản được đào tạo, bạn hoàn toàn có thể lập và quản trị công việc kinh doanh của chính mình hoặc doanh nghiệp của gia đình.

Mức thu nhập trung bình

Lương trung bình của các nhà quản trị kinh doanh giao động từ: 25 - 35 triệu VND/ tháng

 

Thu Thủy - HuongNghiep24h

Tổng Hợp

 

 

 

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp11111111


TOP VIEW