Bí quyết vượt qua chán nản trong học tập

Thứ 2, 21/12/2015 | 15:18 GMT+7

Giáo sư Kristen Lee Costa chia sẻ trên The Huffington Post 5 điều cần nhớ để giúp sinh viên vượt qua cảm giác chán nản ở trường đại học.

 

Ảnh minh họa

Giáo dục là một đặc ân

Điều này khó có thể làm bạn cảm thấy dễ chịu khi chính những vấn đề trong trường học như điểm số, bài tập đang khiến bạn cảm thấy chán nản. Nhưng thực tế là không phải bất cứ ai trên thế giới cũng đều được hưởng quyền giáo dục như nhau. Chỉ có một phần nhỏ dân số thế giới có khả năng và điều kiện để học đại học. Chính giáo dục và kiến thức, chứ không phải điều gì khác, mới có thể trang bị và biến đổi bạn trở thành một người tốt hơn và mở ra những cơ hội cho tương lai sau này của bạn.

Đừng cố gắng quá mức theo đuổi những điều vô nghĩa

Một khi có động lực cao bạn sẽ luôn muốn mình được điểm số tốt bằng mọi cách. Nhưng nếu chỉ tập trung vào điểm số đôi khi lại cản trở bạn tiếp nhận những ý kiến đánh giá và khiến bạn mệt mỏi vì không có điểm dừng để nhìn lại quá trình của mình. Điều quan trọng nên làm là nhận ra mình đang ở đâu trong quá trình khám phá kiến thức và chính bản thân mình để có những kế hoạch phù hợp hơn.

Đừng tự ti, hoài nghi bản thân

Cảm giác “tôi không đủ tốt” hay “tôi không thuộc về môi trường này” xảy ra rất nhiều với sinh viên. Thật ra, đây là hiện tượng tâm lý bình thường, vì tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi, rào cản của riêng mình. Đừng cho phép điều này trở thành lý do khiến bạn cảm thấy lạc lõng, chán nản ở trường đại học. Quan trọng là hãy tìm cách chống lại cảm giác mặc cảm để tự tin nắm bắt những cơ hội trong cuộc sống.

Hãy học cách quản lý thời gian

Lãng phí thời gian là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên luôn cảm thấy căng thẳng vì không có đủ thời gian để hoàn thành các bài tập, nhiệm vụ được phân công. Lập danh sách các việc cần làm, chia thời gian cụ thể và tập trung vào từng khoảng thời gian đã được phân chia sẽ giúp bạn làm việc có tổ chức hơn.

Nên nhớ bạn không chỉ có một mình

Hầu hết tất cả chúng ta đều trải qua những áp lực từ cuộc sống sinh viên. Áp lực có thể đến từ mọi khía cạnh và cấp độ như học phí, điểm số, hoàn cảnh gia đình hay các mối quan hệ bạn bè, xã hội. Mỗi khi cảm thấy chán nản hãy chủ động tìm kiếm đến bạn bè, thầy cô, các tổ chức xã hội, chương trình hỗ trợ sinh viên để tìm được sự chia sẻ, cân bằng.

 

Theo Thanh Niên

Chia sẻ