Các trường tuyển sinh riêng – Bộ sẽ khống chế chất lượng đầu vào

Thứ 6, 20/12/2013 | 17:16 GMT+7

Bộ yêu cầu các trường có phương án tuyển sinh riêng phải quy định ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển

Điểm mới trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 là Bộ GD-ĐT cho phép các trường được tuyển sinh riêng nhưng kết quả thi chỉ có giá trị xét tuyển vào các trường tổ chức thi tuyển theo cùng đề án, không được sử dụng kết quả của kỳ thi “3 chung” do Bộ GD-ĐT tổ chức để xét tuyển.

 

Khống chế chất lượng đầu vào với các trường tuyển sinh riêng.

Hiện nay có 17 trường ĐH, CĐ có phương án tuyển sinh riêng trình Bộ GD-ĐT đều là những trường ngoài công lập. Tại buổi công bố dự thảo phương án tuyển sinh 2014, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng: “Sở dĩ các trường công lập chưa mặn mà với tuyển sinh riêng vì họ không lo thiếu nguồn tuyển trong khi nếu tự chủ sẽ rất rủi ro về đề thi”.

Theo dự thảo tuyển sinh 2014, Bộ yêu cầu các trường có phương án tuyển sinh riêng phải quy định ngưỡng tối thiểu để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Vậy “ngưỡng tối thiểu” đó là gì?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Phương án tuyển sinh của các trường rất đa dạng, có trường thi tuyển, có trường xét tuyển, có trường vừa thi vừa xét vì vậy mỗi trường có một ngưỡng tối thiểu đảm bảo chất lượng khác nhau. Bộ không áp đặt ngưỡng tối thiểu đối với các trường tổ chức thi riêng. Ngưỡng này do các trường tự đề xuất và phải được xã hội chấp nhận. Các chuyên gia của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT cũng sẽ xem xét ngưỡng đó có đảm bảo chất lượng tuyển sinh hay không. Bộ không thể đưa ra một ngưỡng chung vì phương án của các trường đưa ra rất phong phú”.

Để các trường tuyển sinh riêng có chất lượng tốt, theo Thứ trưởng Ga, sẽ kiểm soát ngay từ khi các trường gửi đề án tuyển sinh riêng. Trong đề án tuyển sinh này các trường phải trình bày cụ thể môn thi, hình thức thi, thời gian làm bài đối với mỗi môn thi đặc biệt là các điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Các phương án tuyển sinh phải chứng minh được tính khách quan thì mới được chấp nhận. Theo đó, khi tuyển sinh riêng, các trường phải làm thế nào để lựa chọn đúng thí sinh có năng lực để học ngành nghề đặc trưng theo đúng yêu cầu.

Theo lãnh đạo Bộ, các trường đã đưa ra ngưỡng tuyển sinh của mình thì không được xét tuyển dưới ngưỡng đó, cũng không được xét từ trên xuống chỉ cốt để lấy đủ chỉ tiêu. Ví dụ, không thể chỉ có 600 người đăng ký thi mà lấy cho đủ 500 chỉ tiêu nếu chỉ có 200 người đạt ngưỡng.

Thứ trưởng Ga cho rằng, Bộ khống chế như vậy để không phát sinh hiện tượng các tổ chức, cá nhân là cán bộ giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi; Không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch; Phối hợp để tổ chức tốt công tác kiểm tra giám sát; Công bố rộng rãi phương án tuyển sinh để xã hội giám sát.

Trong số 17 trường từng có đề án tuyển sinh riêng gửi Bộ, khi Bộ đưa ra dự thảo phương án tuyển sinh nhiều trường đã lưỡng lự chưa dám tuyển để chờ thời cơ tốt.

 

Ngọc Hải - HuongNghiep24h

Tổng Hợp

 

Chia sẻ

Lao động - Việc làm

Lao động - Việc làm


TOP VIEW