Học ngành “hot”… ra làm “quèn”

Thứ 4, 27/11/2013 | 17:11 GMT+7

Nhóm ngành “ưa chuộng” của giới trẻ như Kinh tế – Tài Chính – Ngân hàng, Y tế, vận tải…đang dần “bão hòa”. Cùng với đó, sức ép cạnh tranh từ lao động các nước trong khu vực trong công cuộc hội nhập, nếu không nắm bắt thông tin, định hướng nghề nghiệp hợp lí, lao động Việt Nam tốt nghiệp đại học bằng khá, giỏi vẫn có nguy cơ thất nghiệp rất cao.

 

Ảnh minh họa

Thống kê tình hình sinh viên tốt nghiệp có việc làm trong năm học 2011-2012 và 2012-2013 của nhiều trường ĐH lớn trên địa bàn TP.HCM cho thấy, tỉ lệ sinh viên theo học ngành “hot” ra trường thất nghiệp, hoặc làm việc trái ngành rất cao.

Đơn cử, Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐHQG TP.HCM), năm học 2011-2012, có 203 sinh viên tốt nghiệp ngành Tài chính ngân hàng, sau một năm làm việc chỉ có 54 sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên ngành, 56 sinh viên làm không đúng chuyên ngành, số sinh viên còn lại chưa có việc làm hoặc rất khó khăn để tìm việc đúng chuyên ngành, việc có mức lương như mong muốn.

Đến năm học 2012-2013, con số này còn thấp hơn hẳn. Cụ thể: trong 224 sinh viên tốt nghiệp chỉ có 25 sinh viên tìm được việc đúng chuyên ngành, 17 sinh viên có việc làm không đúng chuyên ngành, 182 sinh viên còn lại chưa có việc làm.

Tương tự, được đánh là ngành học “hot” nhất của Ban xã hội, thu hút một lượng lớn thí sinh dự thi, ngành Báo chí và Truyền thông của trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM trong hai năm học qua sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm đúng chuyên ngành sau một năm ra trường đạt tỉ lệ chưa tới 10% tổng số sinh viên tốt nghiệp. Cụ thể, năm học 2011-2012, trong 127 sinh viên tốt nghiệp ngành này, chỉ có 12 sinh viên tìm được việc làm đúng chuyên ngành. Sang năm học 2012-2013, con số này vẫn không được cải thiện khi chỉ có 11 sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm đúng chuyên ngành trong tổng số 127 sinh viên tốt nghiệp cùng khóa.

Bà Hoàng Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Phát triển nguồn nhân lực trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM, nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Tuy nhiên vấn đề chọn ngành học là một điều tự bản thân người học phải ý thức xác định được. Nếu người học chỉ chọn theo sở thích, không dựa vào nhu cầu thực tế, ảo mộng chạy theo phong trào, nặng hình thức thì ra trường thất nghiệp là điều khó tránh khỏi.

Công tác hướng nghiệp ở bậc THPT hiện nay chưa có định hướng cho khả năng của đầu ra, đa phần là chọn trường như một cái “mốt” với những ngành nghề đang nổi. Đây là một tư tưởng tiêu cực ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế xã hội và gây ra sự mất cân bằng cán cân về nguồn lực lao động. Hơn nữa tâm lý tốt nghiệp THPT là phải thi vào ĐH bằng được khiến tình trạng không có nghề, không kiếm được việc làm gia tăng. Các em chưa hiểu ĐH không phải là con đường duy nhất để lập nghiệp. Chính người học phải xem xét lựa chọn ngành học sao cho phù hợp với nhu cầu xã hội, khả năng bản thân và kinh tế gia đình.

 

Hoàng Cường - HuongNghiep24h

Tổng Hợp

 

Chia sẻ

Lao động - Việc làm

Lao động - Việc làm


TOP VIEW