Phương thức tuyển sinh 2014 của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội

Thứ 2, 10/02/2014 | 14:41 GMT+7

Năm 2014 Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh đại học theo phương thức 3 chung

bach-khoa

Tuy nhiên bổ sung vòng sơ tuyển dựa trên kết quả học tập THPT trước khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Vùng tuyển trong các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên - Huế trở ra ngoài Bắc.

Đối tượng sơ tuyển:

- Các thí sinh thuộc vùng tuyển đã tốt nghiệp THPT hoặc sẽ tốt nghiệp THPT Năm 2014 và đáp ứng đủ các điều kiện khác theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, muốn dự thi vào Trường ĐHBK Hà Nội phải đăng ký sơ tuyển.

- Các thí sinh thuộc diện được tuyển thẳng không phải đăng ký sơ tuyển, chỉ cần làm hồ sơ xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Thời gian và phương thức đăng ký sơ tuyển: 

Thời gian đăng ký sơ tuyển từ 24/2 đến 15/3.  Các thí sinh đăng ký trực tuyến trên trang web tuyển sinh của Trường tại địa chỉ ts.hust.edu.vn sẽ được cấp một tài khoản với mật khẩu cá nhân. Thí sinh điền phiếu trên mạng một số thông tin cá nhân và kết quả học tập THPT (như trên mẫu Phiếu đăng ký sơ tuyển trong phần Phụ lục). Những thí sinh đạt vòng sơ tuyển mới cần nộp phiếu xác nhận kết quả học tập THPT (hoặc bản sao học bạ) kèm theo hồ sơ đăng ký dự thi.

Những thí sinh ở các vùng sâu, vùng xa không có điều kiện truy cập mạng có thể gửi Phiếu đăng ký sơ tuyển (theo mẫu) tới Hội đồng tuyển sinh trường qua đường bưu điện.

Chỉ tiêu và phương thức xét sơ tuyển:

Chỉ tiêu sơ tuyển dự kiến: 12.000 cho hai khối A, A1 và 1.000 cho khối D1.

- Tiêu chí xét: tổng điểm trung bình của 3 môn thuộc khối thi ở 5 học kỳ THPT (6 học kỳ đối với thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước).

- Căn cứ chỉ tiêu dự kiến và số lượng thí sinh đăng ký, Hội đồng tuyển sinh Trường xét điểm từ cao xuống thấp để xác định điểm chuẩn sơ tuyển phù hợp nhưng không cao hơn 21 điểm. Cụ thể là:

+ Tất cả thí sinh có tổng điểm trung bình 3 môn của khối thi từ 21 điểm trở lên đều đạt vòng sơ tuyển;

+ Trường hợp còn chỉ tiêu, sẽ tiếp tục xét các thí sinh có tổng điểm 3 môn dưới 21 điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu sơ tuyển.

Điểm chuẩn sơ tuyển được công bố trước ngày 17/3 trên trang Web tuyển sinh của Trường, trên trang tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điểm chuẩn và danh sách thí sinh đạt vòng sơ tuyển cũng được gửi theo đường bưu điện tới các Trường THPT và Sở GD-ĐT. Mỗi thí sinh đạt vòng sơ tuyển được cấp một mã số thí sinh để theo dõi và ghi vào hồ sơ đăng ký dự thi phục vụ việc xử lý dữ liệu sau này.

Các quy trình tổ chức kỳ thi chính thức cho các thí sinh đạt vòng sơ tuyển được thực hiện theo quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ GD-ĐT. Trường không nhận hồ sơ của thí sinh không đạt vòng sơ tuyển, không nhận hồ sơ của thí sinh dự thi nhờ.

Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi:

Từ ngày 17/3, các thí sinh đạt vòng sơ tuyển nộp hồ sơ đăng ký dự thi, lệ phí hồ sơ và lệ phí dự thi theo quy định chung của Bộ GD-ĐT. Thí sinh cần ghi rõ mã số được cấp vào góc phía trên bên phải của Phiếu đăng ký dự thi và mặt sau của các tấm ảnh 4x6 gửi kèm hồ sơ đăng ký dự thi.

Những thí sinh đã đăng ký sơ tuyển qua mạng cần gửi kèm theo hồ sơ phiếu xác nhận kết quả học tập THPT:

- Thí sinh vào trang Web tuyển sinh của Trường ĐHBKHN để tự in phiếu và xin xác nhận của Hiệu trưởng Trường THPT.

- Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT có thể nộp bản sao học bạ THPT thay cho phiếu kết quả học tập theo mẫu.

- Trường tổ chức thi đợt 1 cho khối A, A1 (4/7-5/7) và đợt 2 cho khối D1 (9/7-10/7) cho các thí sinh đã đạt vòng sơ tuyển và nộp hồ sơ đăng ký dự thi.

- Những thí sinh có hộ khẩu thuộc cụm thi Hải Phòng và cụm thi Nghệ An được bố trí thi tại các cụm thi đó như bình thường, nhưng cũng có thể đăng ký dự thi trực tiếp tại trường.

 Phương thức xét tuyển:

- Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng điểm sàn chung toàn trường theo khối thi và điểm chuẩn cho nhóm ngành (riêng ngành Ngôn ngữ Anh theo chuyên ngành).

- Mỗi thí sinh có một nguyện vọng chính theo hồ sơ đăng ký dự thi, bên cạnh đó còn được đăng ký ít nhất 2 nguyện vọng bổ sung nhóm ngành đăng ký học. Thí sinh không đạt điểm chuẩn nguyện vọng chính được xét tuyển theo nguyện vọng bổ sung. Sau năm học thứ nhất, sinh viên sẽ được phân ngành học thuộc nhóm ngành trúng tuyển (trừ ngành Ngôn ngữ Anh đã xét tuyển theo 2 chuyên ngành).

- Những thí sinh không trúng tuyển vào trường (theo nguyện vọng chính và nguyện vọng bổ sung) được sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các trường khác theo quy định chung của Bộ GD-ĐT.

- Trường thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển sinh (ưu tiên theo đối tượng, vùng miền, ưu tiên xét tuyển thẳng và tuyển thẳng...) theo quy định chung của Bộ GD-ĐT.

Thi tuyển và xét tuyển vào các chương trình đào tạo chất lượng cao:

Các chương trình chất lượng cao tuyển chọn thí sinh đã trúng tuyển vào trường sau khi nhập học:

- Các chương trình Kỹ sư tài năng (Cơ điện tử, CNTT, Điện tử-Viễn thông, Điều khiển tự động, Hữu cơ-Hóa dầu, Toán-Tin và Vật lý kỹ thuật) và Kỹ sư chất lượng cao (Cơ khí hàng không, Hệ thống thông tin và truyền thông, Tin học công nghiệp) tổ chức thi bổ sung 2 môn Toán, Lý (trong một buổi thi).

- Các chương trình tiên tiến (Điện-Điện tử, Cơ điện tử, Kỹ thuật Vật liệu, Kỹ thuật Y sinh) và chương trình CNTT Việt-Nhật xét tuyển kết hợp điểm thi đại học và điểm kiểm tra tiếng Anh đầu vào.

Quy trình nộp hồ sơ ĐKDT và tổ chức kỳ thi chính thức thực hiện theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

Hoàng Cường - HuongNghiep24h

 

Chia sẻ

Lao động - Việc làm

Lao động - Việc làm


TOP VIEW