Tuyển sinh 2015: ĐH top đầu phía bắc xét học bạ THPT để sơ tuyển đầu vào

Thứ 5, 16/10/2014 | 11:33 GMT+7

ĐH Ngoại thương, Ngân hàng, ĐH Bách Khoa, Y Hà Nội, Y Thái Bình... đều sử dụng điểm trung bình 3 năm học của các môn sẽ thi đầu vào để sơ tuyển thí sinh. Các trường lấy kết quả của kỳ thi quốc gia chung, nhưng chỉ ở cụm do trường ĐH tổ chức.

Ảnh minh họa.

Trường ĐH Ngoại Thương vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2015. Theo đó, trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (các cụm thi do các trường đại học chủ trì) để xét tuyển và xét tuyển theo từng khối thi.

Phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Ngoại thương năm 2015 như sau:
Sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia (các cụm thi do các trường đại học chủ trì) để xét tuyển; Xét tuyển theo từng khối thi:
Khối A: Toán Lý, Hóa
Khối  A1: Toán, Lý, Tiếng Anh
Khối D1: Văn, Toán, Tiếng Anh
Khối D2: Văn, Toán, Tiếng Nga
Khối D3: Văn, Toán, Tiếng Pháp
Khối D4: Văn,Toán, Tiếng Trung
Khối D6: Văn, Toán, Tiếng Nhật

Điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển:
Điểm trung bình chung học tập từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ 6,5 trở trên.
Hạnh kiểm từng năm học THPT (lớp 10, 11, 12) từ  loại Khá trở lên.
Tổng điểm 3 môn thi theo từng khối thi đạt mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển của trường (Nhà trường sẽ thông báo sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu).

Phương thức  xét tuyển:
Điểm trúng tuyển xác định theo từng chuyên ngành đăng ký, kết hợp với điểm sàn vào trường theo từng khối thi.
Điểm các môn thi nhân hệ số 1. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật điểm ngoại ngữ nhân hệ số 2.
Điểm trúng tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Pháp, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Nhật và các ngành học tại Cơ sở Quảng Ninh được xác định riêng.
Trong 2350 chỉ tiêu đại học của cơ sở phía Bắc, nhà trường dành 150 chỉ tiêu đào tạo (ngành Quản trị kinh doanh, Ngành Kinh doanh quốc tế) tại cơ sở Quảng Ninh.

ĐH Y Hà Nội cũng tiến hành sơ tuyển đầu vào với tiêu chí tổng điểm trung bình 5 học kỳ THPT (6 học kỳ đối với các thí sinh đã tốt nghiệp các năm trước) của mỗi môn: Toán, Hóa, Sinh phải trên 7 đối với hệ bác sĩ và trên 6 đối với hệ cử nhân. Trường sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia chung do cụm ĐH tổ chức, ở ba môn Toán, Hóa, Sinh để xét tuyển.

ĐH Y Thái Bình, theo Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo đại học, Ths. Bùi Thị Quỳnh Vân, năm 2015 nhà trường sẽ xét tuyển đầu vào dựa theo điểm ba môn: Toán, Hóa, Sinh của kỳ thi quốc gia chung. Để hạn chế hồ sơ ảo và đảm bảo chất lượng thí sinh, trường tổ chức sơ tuyển. Yêu cầu là, tổng của trung bình điểm trong 5 học kỳ của 3 môn thi phải trên 19,5 (lấy điểm trung bình cộng của mỗi môn trong 5 học kỳ rồi cộng điểm 3 môn lại). Theo Ths Vân, cách tính này sẽ giảm bớt thiệt thòi cho thí sinh khi các em có thể dùng điểm của môn này "đỡ" cho môn khác hoặc điểm của năm này "đỡ" cho năm học đuối hơn.

Học viện Ngân Hàng, theo ông Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng Đào tạo, năm 2015 Học viện sẽ xét tuyển dựa theo kết quả của kỳ thi quốc gia chung, chỉ ở cụm thi do các ĐH tổ chức. Tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi những năm trước gồm: A, A1, D1.
Học viện Ngân hàng sẽ sơ tuyển thí sinh với yêu cầu 3 môn Thi ĐH có điểm trung bình điểm mỗi môn trong cả 3 năm THPT đạt từ 6,5 điểm trở lên.

ĐH Bách Khoa Hà Nội, mùa tuyển sinh năm 2015 sẽ bổ sung tổ hợp các môn cho một số ngành, trên cơ sở môn thi truyền thống. Ví dụ, ngành Kỹ thuật Hóa học ngoài thi khối A như năm trước, sẽ thi thêm khối thi A3 (Toán, Hóa, tiếng Anh). Ngành Công nghệ thực phẩm, ngoài thi khối A sẽ thêm khối B cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn.
Cũng như những ĐH top đầu khác, trường Bách Khoa Hà Nội chỉ sử dụng kết quả của thí sinh thi tại cụm do các trường ĐH tổ chức, không nhận thí sinh thi ở cụm địa phương.
Trường tiến hành sơ tuyển với yêu cầu tổng của trung bình điểm trong 6 học kỳ của 3 môn thi (tương ứng với từng ngành) phải trên 20 điểm. Thí sinh có điểm ở kỳ thi quốc gia chung dù cao nhưng không đáp ứng được điều kiện cần trên vẫn bị loại. "Chúng tôi muốn hướng tới lứa sinh viên có phong độ ổn định, bền vững từ THPT", trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Phong Điền cho biết.

ĐH Quốc Gia Hà Nội, năm Thí sinh dự tuyển vào ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tham gia làm bài thi đánh giá năng lực được tổ chức vào 2 đợt tháng 5 và cuối tháng 7 hàng năm. Trên cơ sở kết quả điểm bài thi đánh giá năng lực, ĐHQG Hà Nội sẽ xét tuyển từ điểm cao xuống điểm thấp (đến điểm sàn xét tuyển quy định theo ngành học, loại chương trình đào tạo).
Kết quả kỳ thi chung tốt nghiệp THPT chỉ là điều kiện. Tất cả các thí sinh đã trúng tuyển theo điểm tuyển của bài thi đánh giá năng lực sẽ được vào học tại ĐHQG Hà Nội sau khi đạt điểm tốt nghiệp THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thí sinh có thể lựa chọn thi vào tháng 5 trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, lấy điểm bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Sau khi ĐHQG Hà Nội công bố các thí sinh đủ điểm trúng tuyển, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là được gọi nhập học. Với các thí sinh đã làm bài thi chung nhưng chưa làm bài thi đánh giá năng lực, ĐHQG Hà Nội sẽ tổ chức thi vào cuối tháng 7.
Đối với thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ các năm trước, các em đăng ký làm bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển vào ĐHQG Hà Nội. Riêng đối với ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), thí sinh phải làm thêm bài thi ngoại ngữ để xét tuyển. Môn thi do trường ĐH Ngoại ngữ quy định trong các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật phù hợp với yêu cầu đầu vào cho từng chương trình đào tạo. ĐH Ngoại ngữ xác định điểm sàn bài thi đánh giá năng lực theo từng ngành, sau đó lấy trúng truyển theo điểm bài thi ngoại ngữ từ trên xuống.

 

Ngọc Hân

Chia sẻ

Lao động - Việc làm

Lao động - Việc làm


TOP VIEW