Các bước chọn ngành nghề

Thứ 5, 20/08/2015 | 09:46 GMT+7

Nỗi băn khoăn khi chọn ngành vào đại học không phải là thách thức cho riêng giới trẻ Việt Nam mà còn là câu hỏi khó nuốt cho cả thanh thiếu niên trên thế giới.

các bước chọn ngành nghề

Bạn sẽ làm gì sau 20 năm nữa? Ảnh minh họa

Bạn sẽ làm gì đúng vào ngày này sau 20 năm nữa? Với những biến số khó đoán như bản thân luôn thay đổi như chong chóng, tốc độ xoay chuyển nhanh như chớp của xã hội, không ai có thể chắc rằng sẽ có thể dự đoán chính xác thế giới xung quanh trong tương lai, chưa nói đến chuyện mình sẽ đóng vai trò gì trong đó.
 
Chuyên gia tư vấn Nathan Gebhard, đồng sáng lập Tổ chức Roadtrip Nation và 2 người bạn cùng cảnh ngộ đã bắt đầu cuộc hành trình tự khám phá, gặp gỡ những người đã tìm được điều mà họ muốn làm và bằng cách nào họ đạt được điều đó. Sau 15 năm trò chuyện với nhiều dạng người, từ CEO đến chủ trại nuôi gia súc, kết quả là hầu hết mọi người đều không chắc chắn lắm khi đặt bước chân đầu tiên. Nơi họ đến không phải là kết quả trực tiếp từ ngành họ học mà là cả một quá trình khác, với không ít mệt mỏi. Sau đây là những bước giúp bạn chọn nghề cho tương lai.

Tách biệt mục tiêu của mình với kỳ vọng từ người khác

Đây không phải là điều dễ dàng. Làm sao bạn có thể dập tắt áp lực từ gia đình, bạn bè và xã hội khi chọn ngành học?

Ở Mỹ, hầu như cha mẹ nào cũng muốn con làm luật sư, nghề mà giới hoạch định chính sách liệt vào dạng “thành công” về thu nhập, dù không phải ai cũng đủ thông minh để bước vào nghề này.

Richard Linklater, đạo diễn được đề cử giải Oscar, kể trước đây mọi người xung quanh đều cho rằng nghệ thuật là con đường chẳng đi đến đâu và thúc giục ông chọn trường y hoặc trường luật. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi: “Liệu họ thật sự muốn bạn làm bác sĩ, luật sư? Không, những nghề đó có vẻ rất oách, thế thôi. Tôi không muốn sống như họ. Tôi không muốn cuộc đời của họ”. Rời khỏi ĐH Sam Houston sau năm học thứ 2, ông làm việc ở giàn khoan dầu và dành dụm tiền mua thiết bị cũng như tham gia các lớp học làm phim và đến nay ông đã theo đuổi được ước mơ của mình.

Có phải “theo đuổi đam mê” ?

Đa số các lời khuyên khi chọn ngành thường hay dùng cụm từ “theo đuổi đam mê”. Tuy nhiên, đam mê là thứ mà bạn sẽ khám phá theo thời gian, bằng cách xác định điều mình muốn và nuôi dưỡng nó.

Adam Steltzner, kỹ sư của Phòng thí nghiệm động lực học thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), vất vả lắm mới tốt nghiệp trung học, nhưng lại bị đánh rớt khỏi trường nhạc và trôi dạt từ ban nhạc này sang ban nhạc khác để mưu sinh.

“Một khuya nọ quay về nhà sau đêm nhạc, tôi bắt đầu phát giác ra vị trí của những tinh tú trên trời đã thay đổi. Tôi tự nhủ: Chà, chúng đang di chuyển. Tại sao chúng lại chuyển động?”. Thời khắc đó đã trôi qua mà không thay đổi bất cứ điều gì trong cuộc sống của chàng trai Steltzner, ngoại trừ việc anh đăng ký vào lớp thiên văn học trong trường cao đẳng cộng đồng và được yêu cầu phải hoàn tất trước lớp tiền đề về vật lý. Điều đó bắt đầu dẫn lối Steltzner đến ngã rẽ mới trong cuộc đời. Anh lần lượt lấy bằng đại học chuyên ngành cơ khí công trình, hoàn tất bậc tiến sĩ và đưa thiết bị thám hiểm Curiosity đáp xuống sao Hỏa. Lời khuyên của Steltzner là “hãy để quá trình thay vì mục tiêu chi phối bạn”.

Hãy linh hoạt

Vẫn tiếp tục tìm kiếm việc làm hoặc thất bại trong việc đầu tư kinh doanh hoặc nhận ra rằng mọi thứ chẳng diễn ra như mình mong muốn, nhưng thực tế này sẽ buộc bạn phải rẽ hướng hoặc thậm chí sắp xếp lại hoàn toàn ý tưởng ban đầu. Như trường hợp của Jad Abumrad là một ví dụ điển hình. Ông nhận ra rằng mình chẳng phù hợp với nghề mà mình đã chọn. Abumrad theo học ngành sáng tác nhạc và viết sáng tạo tại ĐH và Nhạc viện Oberlin, bang Ohio. “Điều này chẳng đi đến đâu. Tôi không thật sự giỏi về ngành này. Do vậy, đến một lúc nào đó tôi đành từ bỏ. Tôi nghĩ rằng kế hoạch của mình đã sai lầm”.

Ông sẵn sàng bắt đầu lại từ con số 0 khi cô bạn gái chỉ ra rằng không cần thiết phải từ bỏ mọi thứ đã học được và khuyên Abumrad thử sức với lĩnh vực radio. Rõ ràng đây không phải là một sự chuyển tiếp dễ dàng, và ông khởi đầu bằng cách làm việc không ăn lương. Tuy nhiên, cuối cùng Abumrad lại tạo ra một phong cách riêng, phương pháp kể chuyện với âm nhạc và âm thanh. Đến nay, ông trở thành nhà sản xuất và dẫn chương trình Radiolab nổi tiếng của Đài WNYC, đài phát thanh được đón nghe nhiều nhất tại Mỹ. Đó chính là thứ linh hoạt mà các chuyên gia muốn đề cập đến.

Chọn một ngành không phải là “bản án chung thân”, mà là khởi điểm. Bạn có thể vấp ngã và buộc phải điều chỉnh lại trên quãng đường đã qua. Nhưng nếu cuộc sống của bạn được kết nối bằng từng mối thành công, bạn sẽ mở rộng cơ hội cho chính bản thân mà bạn không thể nào tưởng tượng được.

 

Ý kiến

 
Thích và phù hợp

Tiêu chí đầu tiên để chọn nghề là phải theo sở thích để có đủ đam mê theo đuổi nó. Tuy nhiên bên cạnh thích còn cần phù hợp với khả năng bản thân và gia đình. Điều này giúp bản thân thi đỗ, theo học được và làm tốt công việc khi ra trường.


Tiến sĩ Lê Chí Thông
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM


Tự khám phá

Việc tự khám phá sở thích nghề nghiệp thực sự của bản thân rất quan trọng. Điều này có thể thông qua bài kiểm tra định hướng nghề nghiệp hoặc qua quá trình tìm hiểu kỹ càng và trải nghiệm.


Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ
Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM


Theo nhu cầu xã hội

Định hướng nghề nghiệp theo nhu cầu việc làm thực tế của xã hội sẽ giúp phần nào tránh rơi vào tình trạng thất nghiệp. Bởi từng giai đoạn khác nhau, nhu cầu nhân lực sẽ có những chuyển biến nhất định.


Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ
Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM


Biên Thùy

Nguồn: Thanh Niên

Chia sẻ