Kỹ sư phần mềm – nghề có giá nhất.

Thứ 6, 14/03/2014 | 08:16 GMT+7

Muốn có công việc tốt, hãy học ngôn ngữ lập trình và tránh xa những lưỡi cưa! Đây là lời khuyên đúc kết từ bảng xếp hạng 200 công việc tốt nhất năm 2012 do trang CareerCast thực hiện.

software engineer

Sử dụng số liệu từ Cục Thống kê lao động, Cục Điều tra dân số, Hiệp hội Nghiên cứu thương mại và nhiều cơ quan khác của Mỹ. CareerCast thực hiện bảng xếp hạng theo năm tiêu chí gồm: thu nhập, áp lực công việc, môi trường làm việc, yêu cầu thể chất và triển vọng nghề nghiệp. Những công việc được đánh giá cao nhất lần lượt là Kỹ sư phần mềm, Chuyên viên thống kê, Quản trị nhân lực, Nha khoa, Hoạch định tài chính …

Theo đó, Kỹ sư phần mềm được xác định là nghề có giá nhất hiện nay. Bởi “Chúng ta đang trong giai đoạn cách mạng kĩ thuật, nên luôn có sức nóng về nhu cầu Kỹ sư phần mềm”, quản lý trang CareerCast.com, ông Tony Lee nhận định.

Tại sao nên trở thành kỹ sư phần mềm?

 Trong những năm gần đây, "độ nóng" của ngành Công nghệ thông tin (CNTT) không còn như trước, nhưng không có nghĩa là ngành CNTT không còn sức hấp dẫn nữa. Lập trình phần mềm còn được đánh giá là một trong số ít nghề có khả năng “miễn dịch” với khủng hoảng kinh tế hiện nay. Theo hãng tin CNBC đánh giá: “Bất kể suy thoái kinh tế có xảy ra hay không, nhìn chung những lập trình viên máy tính chịu rất ít tác động.

Chỉ cần máy tính là tâm điểm trong đời sống công việc và sinh hoạt của mọi người thì đất dụng võ của Kỹ sư phần mềm vẫn còn, bất chấp tình hình kinh tế”. Tại Việt Nam, mức lương mà các kỹ sư phần mềm nhận được cũng khá cao so với các ngành nghề khác là từ 1.000 - 1.500 USD/tháng. Với những người ở vị trí giám sát, mức lương từ 3.000 USD hay 4.000 USD/tháng. Ngoài ra, những kỹ sư viết chương trình phần mềm đơn giản có thu nhập mỗi tháng khoảng từ 800 - 900 USD hay 1.200 USD.

Kỹ sư phần mềm - công việc được coi là sáng tạo và khó khăn bậc nhất - cũng là những “con át chủ bài” của các hãng công nghệ lớn trên thế giới trong việc khẳng định tên tuổi của mình. Do đó, dễ hiểu, đây là một trong những vị trí được ưu ái hàng đầu tại thung lũng Silicon. Hãng tin tài chính Bloomberg vừa công bố xếp hạng 10 hãng công nghệ có mức chi trả lương kỹ sư phần mềm cao nhất. Đứng đầu trong danh sách này là Juniper Networks, hãng công nghệ có mức lương trung bình cho kỹ sư phần mềm là 159.999 USD/năm (tương đương).

Tiếp đến là Linkedin, một trang mạng xã hội nghề nghiệp, với 136.427 USD/năm. Các “ông lớn” công nghệ như Yahoo, Google, Twitter, Apple cũng sẵn sàng chi trả mức lương “khủng” cùng nhiều đãi ngộ hấp dẫn và môi trường làm việc thuận lợi nhằm giữ chân nhân viên.

Phân biệt Kỹ sư phần mềm với Lập trình viên:

Nếu như một Lập trình viên chỉ đơn thuần làm công việc viết mã (code) thì một Kỹ sư phần mềm có thể làm những việc liên quan nhiều hơn tới quá trình phát triển phần mềm, như:

- Tham gia xác định sản phẩm phần mềm, phân tích các yêu cầu cũng như mong muốn của khách hàng đối với sản phẩm;

- Chi tiết hóa, phát triển và chọn lọc những nguyên mẫu, mô phỏng để tái xác định yêu cầu;

- Tinh giản hóa và phân tích lợi nhuận, lựa chọn kiến trúc và bản thiết kế (framework) cho ứng dụng, điều chỉnh kinh phí và lên kế hoạch cho dự án;

- Thiết kế;

- Gia công (cài đặt, cấu hình, lập trình/chế tạo, hợp nhất, di trú dữ liệu);

- Viết tài liệu cho người dùng và các đối tác;

- Kiểm thử: xác định, hỗ trợ và tập hợp các phản hồi từ những Tester trước khi phát hành;

- Tham gia vào hoạt động phát hành và tiền phát hành sản phẩm phần mềm, bao gồm quảng bá công nghệ (thuyết minh tính năng hay các mẫu sản phẩm) và phân tích tính cạnh tranh cho phiên bản sản phẩm sau;

- Bảo trì.

 Kỹ sư phần mềm ngoài kĩ năng lập trình giống một Lập trình viên còn cần kĩ năng vận hành, nghiên cứu, phát triển, thiết kế phần mềm và hệ thống sử dụng phần mềm. Theo Anh Nguyễn Công Danh, Trưởng nhóm Phân tích nghiệp vụ, Công ty FPT Software: “Một Kỹ sư phần mềm nói chung, tùy theo khả năng của mình, có thể lựa chọn cho mình nhưng công việc thú vị khác như Project Manager (quản trị dự án), Technical leader (chịu trách nhiệm kĩ thuật cho dự án), Bridge Software engineer (kĩ sư cầu nối)… Lúc mới ra trường thì Kỹ sư phần mềm có thể khởi nghiệp ở vị trí Developer (Phát triển phần mềm), Tester (Kiểm thử phần mềm), QA (Đảm bảo chất lượng phần mềm)... để bắt đầu làm quen với môi trường làm việc và tích lũy kinh nghiệm. Đây là những vị trí hết sức phổ biến trong các công ty sản xuất phần mềm trong và ngoài nước.”

Phát triển nghề nghiệp vững chắc:

 Việt Nam được đánh giá là một thị trường lao động trẻ, đặc biệt số người tham gia đào tạo các ngành liên quan đến CNTT hiện nay chiếm tỷ lệ khá cao, báo hiệu một thị trường lao động dồi dào về lĩnh vực này. Nhưng, tuyển dụng nhân sự trong ngành CNTT, đặc biệt là ngành phần mềm, thường rơi vào tình trạng nhiều ứng viên nhưng ít người trở thành nhân viên của các công ty.

Nguyên nhân chính vẫn là vấn đề chất lượng lao động, xuất phát từ chất lượng đào tạo. Theo tính toán, số lượng sinh viên ra trường thuộc khối ngành CNTT tại Việt Nam hiện nay chỉ có 8% đạt yêu cầu của các doanh nghiệp. Tại sao? vì 92% sinh viên còn lại mắc một lỗ hổng quan trọng là cọ xát thực tế. Trong khi đó “Bạn chỉ có thể nhớ 10% những gì bạn học, nhưng sẽ nhớ đến 80% những gì bạn làm”.

Để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần có một kiến thức nền tảng và chuyên môn tốt. Đặc biệt đối với nghề kỹ sư phần mềm thì người học cần phải trang bị những kiến thức cơ sở và chuyên ngành từ phân tích, thiết kế, lập trình, kiểm thử đến quản lý các dự án phần mềm. Song song đó là trình độ ngoại ngữ vững vàng để có thể đọc các tài liệu tham khảo cũng như cọ xát với môi trường học thuật và làm việc quốc tế.

 

Hải Yến

Nguồn: Dân Trí

Chia sẻ

Tư vấn nghề nghiệp

Tư vấn nghề nghiệp


TOP VIEW