Việt Nam học - Tận tường văn hóa và ngôn ngữ Việt

Thứ 3, 12/11/2013 | 08:05 GMT+7

Ngành Việt Nam học nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức đại cương về khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt các kiến thức cơ bản, hệ thống, hiện đại và thiết thực về Việt Nam (và cả tiếng Việt trong trường hợp sinh viên là người nước ngoài).

Ảnh minh họa

Ngành Việt nam học là gì?

GS. Phan Huy Lê đưa ra định nghĩa Việt Nam học (Vietnamology/ Vietnamologie) hay Nghiên cứu Việt Nam (Vietnamese Studies/Etudes Vietnamiennes) như sau: Đây là một ngành khoa học nghiên cứu về Việt Nam theo từng chuyên ngành như lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn học, văn hoá, kinh tế, xã hội, môi trường sinh thái… hay theo tính liên ngành của khu vực học).

Học Việt Nam học sẽ làm được những gì?

Sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng đi sâu nghiên cứu và giảng dạy về Việt Nam học; hoặc trở thành hướng dẫn viên cho ngành du lịch; hoặc làm việc trong các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện, văn phòng thương mại, các tổ chức chính phủ và phi chính phủ ở trong và ngoài nước Việt Nam.

Về mục đích đào tạo, Việt Nam học hướng tới người nước ngoài có nhu cầu tiếp cận để tạo cơ hội làm ăn. Với đối tượng trong nước, Việt Nam học nhằm giúp sinh viên tìm hiểu các kiến thức xã hội về Việt Nam. Đó là những vấn đề về lịch sử văn minh và phát triển văn hoá, những vấn đề xã hội, dân tộc, những vấn đề đổi mới kinh tế, về ngôn ngữ… Trong giai đoạn này, nhu cầu người nước ngoài tìm hiểu về Việt Nam rất nhiều qua con đường du lịch.

Theo GS.TS Phạm Đức Dương, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Phương Đông: “Nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học trước hết là để cho người Việt Nam hiểu về đất nước, con người Việt Nam, biết cách gìn giữ, khai thác và phát huy những giá trị và di sản truyền thống của dân tộc. Sau đó là làm cho hình ảnh của Việt Nam được khẳng định trong con mắt của bạn bè quốc tế”.

PGS.T. Lê Quang Hưng, Chủ nhiệm khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Đào tạo cử nhân Việt Nam học nhằm mục tiêu cung cấp những kiến thức cơ bản, có tính hệ thống, hiện đại và thiết thực về đất nước, con người Việt Nam, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có khả năng đi sâu nghiên cứu, giảng dạy về Việt Nam học, có thể công tác trong các ngành văn hóa, du lịch, làm việc trong các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội… ở trong và ngoài nước”.

Học Việt Nam học, tôi cần tố chất gì?

Tinh thần tự học cao vì hầu hết các học giả đều biết tiếng Việt, nhiều người sử dụng thành thạo tiếng Việt và một số biết cả chữ Hán, chữ Nôm.

Ham đọc sách: Đọc có suy ngẫm, đối sánh và luôn có tư duy phản biện trước mỗi vấn đề mới gặp; tập viết về những vấn đề mình đã tìm hiểu, nghiên cứu; trao đổi với giáo viên bộ môn một cách tích cực, chủ động…

Yếu tố kiên nhẫn là hàng đầu vì việc nghiên cứu chuyên sâu cần rất nhiều thời gian để tìm tòi, khám phá ra những nguồn tư liệu quý giá của lịch sử. Muốn hiểu biết thì phải tiếp cận và so sánh, giúp ta hiểu tốt hơn, rõ hơn vì sao hiện tượng như vậy xuất hiện. Điều này rất có lợi cho tiến trình hội nhập văn hoá của Việt Nam.

Có tấm lòng yêu nước: Trong số các nhà Việt Nam học nước ngoài, có một số học giả gốc Việt. Họ nghiên cứu Việt Nam không chỉ như một đối tượng khoa học mà còn mang trong mình những tình cảm dân tộc sâu xa.

Học ngành Việt Nam học ở đâu?

Hiện nay, hệ thống đào tạo và nghiên cứu Việt Nam học trong nước đã có những phát triển đáng kể và tương đối đồng bộ. Chúng ta có thể học ngành Việt Nam học ở các trường đại học trong nước như: ĐH Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH KHXH&NV TP.HCM, v.v…

Ngoài ra, Việt Nam học hiện đại đang lan rộng và phát triển khá nhanh ở nhiều nước. Tổ chức nghiên cứu và đào tạo về Việt Nam học cũng đã ra đời hoặc đang hình thành trong một số trường đại học của Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hà Lan, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển, Italia,…

Cả ở những nước láng giềng như Lào, Campuchia, Indonesia, Philippines,… ngành Việt Nam học cũng đang được gầy dựng.

 

 

Thu Thủy - HuongNghiep24h

Chia sẻ

Tư vấn nghề nghiệp

Tư vấn nghề nghiệp


TOP VIEW