Nghề diễn viên điện ảnh

Thứ 2, 11/01/2016 | 00:46 GMT+7

Diễn viên điện ảnh là con người của công chúng nên vầng hào quang vây quanh họ . Đây là nghề mà không ít những bạn trẻ mơ ước. Thế nhưng, vẫn còn mơ hồ, con đường nào tốt nhất để đến với nghiệp diễn? Diễn viên không cần phải học ở trường lớp như những ngành nghề khác mà chỉ cần năng khiếu (?!). Hay vẫn còn có những con đường khác nữa?

Lĩnh vực này là không nhất thiết đòi hỏi bạn phải có bằng cấp chuyên môn để bắt đầu với nghề. Bạn có thể đến với điện ảnh từ rất nhiều con đường khác nhau, từ những công việc khác nhau.

Ảnh minh họa

 

Diễn viên là gì:

Diễn viên là thể hiện nhân vật trong các bộ phim, kịch sân khấu và các chương trình nghệ thuật khác cho nhà hát, xưởng phim, đài phát thanh - truyền hình và các phương tiện truyền thông khác. Bằng ngôn ngữ cơ thể, cử chỉ, giọng điệu, gương mặt..., họ biến những nhân vật tưởng tượng trong kịch bản thành con người thật, đầy sống động trong tác phẩm kịch, điện ảnh, truyền thanh...

Công việc chính của diễn viên là tham gia thử vai trong tác phẩm; nghiên cứu kịch bản để hiểu vai diễn, học thuộc lời thoại, cử chỉ, động tác dưới sự hướng dẫn của đạo diễn; hóa trang phù hợp và thể hiện vai diễn trong tác phẩm điện ảnh.

Diễn viên thường xuyên rèn luyện cơ thể, giọng nói, tập biểu hiện xúc cảm... để biểu diễn tốt hơn. Đôi khi, do yêu cầu của vai diễn, họ có thể phải tập vũ đạo, tập võ v.v…

Khác với những nghề nghiệp “công sở”, công việc của diễn viên không mang tính chất ổn định và lặp lại, cũng không có giờ làm cố định. Nghề diễn viên khi công việc dồn dập, khi lại “ngồi chơi xơi nước”. Không ít khi họ phải làm việc ngoài trời dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Những phẩm chất cần thiết cho người diễn viên là ý chí quyết tâm, khả năng tưởng tượng và biểu hiện xúc cảm tốt, chủ động, sáng tạo, ứng biến linh hoạt, có khát vọng thể hiện bản thân, có trí nhớ tốt, khả năng làm việc dưới áp lực lớn, công việc vất vả. Sự chăm chỉ, tận tụy cũng là một yếu tố không thể thiếu để thành công trong nghề này.

Xem thêm:

>> Các con đường trở thành diễn viên điện ảnh / Có nên chọn nghề diễn viên điện ảnh?

Các cách phân loại diễn viên:

Tùy theo tiêu chí mà có nhiều cách phân loại diễn viên. Chẳng hạn, dựa vào tính chất chính hay phụ của nghề nghiệp này trong sự nghiệp của người diễn viên, bạn có thể phân ra thành diễn viên chuyên nghiệp, diễn viên nghiệp dư. Dựa vào chức năng, có thể chia diễn viên điện ảnh thành các nhóm: diễn viên, diễn viên đóng thế, diễn viên lồng tiếng. (Sự phân loại trên chỉ mang tính tương đối và trong cuốn cẩm nang nhỏ này, chúng tôi chủ yếu muốn giới thiệu tới bạn công việc của nhóm thứ nhất và cũng là nhóm quan trọng nhất: diễn viên).

Diễn viên

Diễn viên là người đảm nhận một hoặc một số vai diễn trong bộ phim. Họ là người sẽ tìm hiểu kịch bản, chuẩn bị, luyện tập và diễn xuất. 

Vấn đề lớn nhất của người diễn viên là diễn xuất. Khi diễn xuất, họ không thể hiện con người, tính cách, hành động của bản thân mình. Điều họ biểu hiện chính là con người, tính cách, hành động của nhân vật trong mỗi bộ phim.

Các nhà phê bình điện ảnh thường nói đến vai trò chủ thể bộ phim của đạo diễn hay nhà sản xuất. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đối với công chúng, diễn viên mới là chủ thể, trung tâm của mỗi bộ phim. Lý do đầu tiên kéo họ đến rạp là bộ phim có diễn viên họ yêu thích, kế đến là đề tài của phim và đạo diễn chỉ là lý do thứ ba.

Diễn viên đóng thế (Cascadeur)

Dù tài năng đến đâu, không phải lúc nào người diễn viên cũng có thể tự tin một mình hoàn thành vai diễn. Chẳng hạn như khi nhân vật phải thể hiện một màn trình diễn võ thuật cực kỳ đẹp mắt, một vũ điệu hoàn hảo, một cảnh lướt ván... hay trong những pha mạo hiểm.

Đây là lúc cần tới những diễn viên đóng thế. Yêu cầu đầu tiên đối với diễn viên đóng thế là phải có hình dáng tương tự nhân vật anh/cô ta đóng thế. Thứ hai là họ phải có khả năng diễn xuất. Họ phải nhập tâm vào nhân vật và giữ đúng tâm lý, hành động của nhân vật gốc. Các cảnh cần đến diễn viên đóng thế thường là các pha nguy hiểm nên diễn viên đóng thế hầu hết là vận động viên thể thao hay võ thuật. Ở nước ta, dù thể loại phim hành động chưa mấy phát triển, đời sống của diễn viên đóng thế thường bấp bênh, nhưng vẫn có những con người xả thân vì nghệ thuật như nữ võ sư Thu Vân, võ sư Lữ Đức Long v.v...

Diễn viên lồng tiếng

Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, người ta thường sử dụng kỹ thuật thu âm đồng bộ để đảm bảo tính chính xác và độ chân thật. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, phim truyện vẫn phải sử dụng kỹ thuật lồng tiếng. Ngoài ra, một số phim tiếng nước ngoài và phim hoạt hình cũng cần tới lồng tiếng. Diễn viên lồng tiếng là người tái hiện lời thoại của nhân vật. Đây là công việc thuộc phần hậu kỳ của mỗi bộ phim, song đóng vai trò không nhỏ tới sự thành công hay Thất bại của phim.

Công việc của diễn viên lồng tiếng phải đáp ứng hai yêu cầu: Tiếng phải khớp với khẩu hình và truyền cảm. Để làm được điều này, ngoài giọng nói truyền cảm, người diễn viên lồng tiếng cũng phải có quá trình nhập tâm nghiên cứu các sắc thái tâm lý của nhân vật. Diễn viên lồng tiếng phải giữ đúng cung bậc, mức độ tình cảm, ngay cả khi diễn viên lồng tiếng cho chính mình. Công việc lồng tiếng cũng là giai đoạn để sửa chữa những lỗi sai về thoại của diễn viên trên trường quay.

Ngay cả những siêu sao cũng sẵn sàng trở thành diễn viên lồng tiếng. Trong loạt phim hoạt hình Shrek được yêu thích trên toàn thế giới, Cameron Diaz lồng tiếng công chúa Fiona, Eddie Murphy lồng tiếng chú lừa còn Julie Andrews lồng tiếng hoàng hậu...

Kiến thức

Làm phim về một vùng đất là phải hiểu cả phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, tâm lí, luật pháp, lịch sử, tâm tính... của vùng đất và con người của vùng đất đó. Mỗi chi tiết nhỏ trong phim đều đòi hỏi người diễn viên phải hiểu biết tường tận, để chi tiết đưa vào được “đắt” mà không bị “non”. Chẳng hạn, để làm một bộ phim, diễn viên phải thông hiểu không chỉ những vấn đề tâm lý, quan niệm mà phải biết rõ cả về luật hôn nhân gia đình áp dụng cho họ, về nếp sinh hoạt của người dân đồng bào dân tộc...

Khả năng

- Sức khỏe tốt, có thể làm việc với cường độ cao và áp lực lớn

- Năng lực sáng tạo, thể hiện cảm xúc tốt

- Khả năng giao tiếp tốt, linh hoạt, chủ động

Kỹ năng

- Tư duy nghệ thuật

- Khả năng diễn xuất

- Óc tưởng tượng phong phú

Thái độ

- Luôn học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân

- Niềm đam mê nghề diễn viên điện ảnh

 Một số địa chỉ đào tạo

Nếu bạn muốn học chuyên về điện ảnh và các lĩnh vực nghề nghiệp của nó, bạn có thể theo học tại: Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh Tp.Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tp. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đăk Lăk, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Nha Trang v.v...

Thông thường để vào học khoa diễn viên kịch điện ảnh của các trường, thí sinh phải dự thi qua ba vòng. Vòng 1, thí sinh sẽ thi môn hình thể (nhảy, múa, đi đứng hoặc những động tác theo yêu cầu của giám khảo). Vào được vòng hai, thí sinh thi kỹ thuật diễn xuất (diễn tiểu phẩm). Vòng thứ ba, các thí sinh thi văn hóa bao gồm môn Văn, Sử và Phân tích phim.

Mỗi năm có hàng ngàn hồ sơ dự thi vào các trường nhưng trong số lượng không nhỏ đó các trường chỉ chọn lọc lại rất ít người để đào tạo. Trong quá trình đào tạo, con số này sẽ được sàng lọc thêm nhiều lần nữa, đến ngày tốt nghiệp thì giảm đi….. phân nửa. Sau thời gian đào tạo khi ra trường số người sống được với nghề là rất ít.

“Có nhiều con đường đến La Mã”. Cái chính là người đi phải kiên trì. Con đường trở thành diễn viên không lót thảm cho bất kỳ ai. Người đi chỉ có thể đến nơi bằng chính năng lực và sự đam mê của mình.

Mức thu nhập trung bình

Mức lương giao động từ 10 đến 15 triệu, tùy thuộc vào catssê

 

Thu Thủy - HuongNghiep24h

Tổng Hợp

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp11111111


TOP VIEW