Tân sinh viên học gì?

Thứ 3, 20/10/2015 | 10:47 GMT+7

Không ít các sinh viên cho rằng thi đỗ ĐH là một sự kiện lớn, mình có quyền xả hơi thoải mái, dẫn đến ngay học kỳ đầu tiên đã thả nổi việc học, trượt dài trong bù khú chơi bời, bê tha rượu chè, bài bạc...

 Lần đầu tiên trong đời, tân sinh viên được làm chủ thời gian, không sợ ai nhắc nhở, hối thúc. Vì thế, nếu họ không có sự định hướng giáo dục ngay từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường, để những thói xấu hình thành thì sẽ khó thay đổi về sau. Vậy sinh viên năm thứ nhất cần được trang bị những gì trước bước ngoặt quan trọng này?

 
Tân sinh viên làm thủ tục nhập học.

Dễ nhiễm thói xấu

Trong các cuộc khảo sát, chúng tôi đưa ra một vấn đề cho sinh viên năm thứ nhất trả lời: Những khó khăn mà bạn phải đối diện khi bước chân vào giảng đường ĐH là gì? Câu trả lời mà chúng tôi nhận được nhiều nhất là quá lo lắng do không tự tổ chức được cuộc sống của mình, như: Cách phân chia thời gian ăn học, ngủ nghỉ, việc sắp xếp mọi thứ cứ rối bời. Tiếp đến là khó khăn trong việc chi tiêu và quản lý tài chính. Lúc nào họ cũng phải tính toán vì sợ hết tiền. Khó khăn xếp thứ ba là lúng túng, không biết lập kế hoạch cho bản thân.

Chưa kể, rất nhiều sinh viên sụt sùi chia sẻ rằng nhớ nhà, nhớ bố mẹ quá, chỉ muốn về. Cá biệt, có sinh viên chuyên đi học trễ, lý do là không có ai đánh thức! Thực tế này đặt ra cho các trường ĐH - đặc biệt là các tổ chức, đoàn thể - phải có kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ tân sinh viên để họ có thể bắt nhịp với môi trường sống mới.

Ở bất kỳ trường ĐH, CĐ nào, sau khi nhập học, sinh viên cũng được học tuần giáo dục công dân với những chuyên đề phù hợp. Đó là những bài học công dân dưới dạng truyền thụ lý thuyết có viện dẫn những câu chuyện từ thực tế. Sau đó, sinh viên được chia nhóm thảo luận và viết thu hoạch, có sự đánh giá từ phía nhà trường.

Tuy nhiên, chất lượng các buổi học và sự tác động của các chuyên đề của tuần học này cần được tiếp tục nối dài thông qua những buổi sinh hoạt đoàn thể, các tổ chức như Đoàn thanh niên, hội sinh viên hay các CLB trong nhà trường. Bởi lẽ, sinh viên năm đầu cần nhiều hơn những đợt học tập như thế mới có thể định vị được bản thân để ứng phó tốt với cuộc sống trong suốt thời gian học ở trường.

Các buổi sinh hoạt tiếp theo có thể là sự định hướng của những chuyên gia nhiều kinh nghiệm, do các Đoàn khoa tổ chức hay chính trong chương trình của giảng viên ở các môn học liên quan, nhằm dạy kỹ năng tổ chức cuộc sống, lập kế hoạch cho sinh viên. Tốt nhất là tổ chức cho sinh viên năm nhất gặp gỡ, trao đổi với sinh viên năm hai, ba để họ có thể chia sẻ trực tiếp với nhau, học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm quý,  những bài học hay mà không có sách vở, thầy cô nào dạy. Bản thân các sinh viên năm thứ nhất cũng có thể tham gia các diễn đàn, tìm cách tổ chức cuộc sống cá nhân như thế nào cho phù hợp với cuộc sống xa nhà.

Rèn phương pháp học ĐH

Từ cách học quen thuộc ở phổ thông, nhiều sinh viên cảm thấy sốc, thậm chí mất thăng bằng khi không bắt nhịp được với phương pháp học tập ở ĐH. Sĩ số lớp thường đông, các giờ học trên lớp đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác, chủ động cao mới có thể tiếp nhận tri thức thuận lợi.

Giảng viên ĐH không có điều kiện để kèm cặp từng người, chưa kể lối truyền thụ kiến thức mang hơi hướng của hướng dẫn nghiên cứu khoa học hơn là truyền thụ giản đơn khiến đa số sinh viên khó khăn trong tiếp cận tri thức. Nhiều học phần đòi hỏi sinh viên tìm đọc tài liệu, tự nghiên cứu, thảo luận, làm việc nhóm chiếm phần lớn tỉ lệ số tiết. Nếu thụ động ngồi chờ, sinh viên sẽ không thể lĩnh hội được gì ngoài kiến thức từ những cuốn giáo trình bắt buộc.

Do vậy, trong những tiết học đầu tiên, các giảng viên cần hướng dẫn cụ thể chi tiết yêu cầu môn học, cách thức đánh giá, hình thức kiểm tra thi cử và các tài liệu học tập tham khảo liên quan, giúp sinh viên có định hướng ngay từ đầu. Đồng thời, tạo cho họ làm quen với những phương pháp dạy học cơ bản qua từng tiết học trên lớp để từ đó quen dần với việc tự học. Dạy tự học vì thế trở thành một trong những nội dung quan trọng hàng đầu đối với sinh viên năm thứ nhất.

Không phải tự nhiên mà trong tất cả trường ĐH hiện nay, mô hình chuẩn đầu ra là 3 yếu tố chân kiềng: kiến thức - thái độ - kỹ năng. Theo TS Lê Thẩm Dương, hiện nay, xã hội yêu cầu rất cao thái độ ở người trẻ. Khi kiến thức chỉ chiếm 15% giúp người ta thành công thì thái độ và kỹ năng lại chiếm phần lớn (85%).

Thực trạng đó yêu cầu các trường ĐH cần có chiến lược giáo dục với những mục tiêu cụ thể; thông qua việc soạn thảo các nội quy, quá trình tuyên truyền của các tổ chức đoàn hội, các cán bộ phụ trách lớp, chi đoàn. Bên cạnh đó, cần phát động các phong trào sinh hoạt tập thể lành mạnh, hấp dẫn nhằm lôi cuốn sinh viên, giúp họ có điều kiện trao đổi, tương tác, học tập lẫn nhau. Thường xuyên nêu những gương học tốt, rèn luyện tốt để nhân rộng điển hình, tạo sự tác động tích cực ngay trong môi trường sinh viên.

 

Theo Người Lao Động

Chia sẻ

Góc học sinh - Sinh Viên11111111


TOP VIEW