Viết đơn xin thôi việc để khởi nghiệp

Thứ 2, 25/01/2016 | 23:01 GMT+7

Xin nghỉ việc khi bạn có mức lương và cuộc sống tạm ổn không phải ai cũng dám quyết định. Thế nhưng có một cô gái đã dám ký vào đơn xin nghỉ việc để bắt đầu khởi nghiệp theo ước mơ...

Rất nhiều người xây dựng ước mơ bằng mọi cách nhưng cũng không ít tạm "nhắm mắt" chấp nhận số phận. Bạn có dám theo đuổi ước mơ? Dám xin nghĩ việc với mức lương hiện tại đủ trang trải dư cho cuộc sống thành thị. Bạn có dấm mở 1 công ty và nhìn nhận sâu rộng về thị trường việc làm... từ đó đưa ra những ý tưởng táo bạo hợp lý để cung cấp cho thị trường những sản phẩm do chính tay bạn làm ra...

Xem thêm:

>> Khởi nghiệp từ 4 triệu đồng thành 300 triệu đồng

 

Cùng tham khảo câu chuyện khởi nghiệp dưới đây để chúng ta thảo luận, rút ra bài học sự nghiệp cho bản thân mình bạn nhé!

 

Viết đơn xin thôi việc để khởi nghiệp

10 Bài học khởi nghiệp từ một cô gái trẻ:

Một cô gái người Thụy Điển Anna Lundberg tự kí vào đơn xin thôi việc và rồi nhận ra rằng mình còn không xác định được hướng đi tiếp theo của mình. Thế là cô bắt đầu dọn đồ lại về nhà bố mẹ, và suy nghĩ về những gì mình muốn làm.

Anna dần dà nhận ra rằng mình muốn có một cuộc sống độc lập và linh hoạt hơn. Cô muốn tiếp tục công việc mà mình yêu thích là làm tiếp thị kỹ thuật số, và cũng muốn theo đuổi sự nghiệp sáng tạo thông qua việc viết lách. Anna cũng muốn dành ra nhiều thời gian khám phá thế giới, cũng như ở bên cạnh gia đình và bạn bè nhiều hơn.

Tới đầu năm 2014, Anna đã thành lập nên công ty tư vấn của riêng mình là Crocus Communications. Với tài năng và quyết tâm của mình, Anna đã có một danh sách khách hàng khá đáng nể chỉ sau 2 năm lập công ty: Burberry, Vertu, IBM... Bên cạnh những chuyến nghỉ ngơi cuối tuần ở Châu Âu, Anna còn thực hiện những chuyến đi dài ngày đến New Zealand, Australia, Malaysia và Singapore.

Theo chia sẻ kinh nghiệm từ Anna, "việc quyết định có nghỉ việc để khởi nghiệp hay không là quyết định của bản thân mỗi người. Đừng để tác nhân nào từ bên ngoài định đoạt chuyện bạn nghỉ việc khi nào. Chính bạn phải là người đưa ra quyết định cho cuộc đời mình, dựa trên nhận thức về khả năng và mục tiêu của bản thân, vị trí hiện tại và mục tiêu muốn hướng đến".

Dưới đây là 10 bài học mà Anna Lundberg đã rút ra sau khi từ bỏ công việc của mình.

1. Cuộc sống khởi nghiệp không đáng sợ như bạn nghĩ

Anna cho biết sau khi từ bỏ công việc, thế giới của cô dường như trở nên rộng mở hơn, nhưng đằng sau đó cũng là hàng loạt mối lo – cảm giác mất cân bằng, lo âu về mức độ an toàn khi thất nghiệp và lương bổng thì trở về con số không. Tuy vậy, những nỗi sợ đó dần dà rồi cũng biến mất.

Khi đã tự tin nắm cuộc đời mình trong tay, đầu óc Anna bị kích thích làm mọi việc bằng hết khả năng của mình. Cô cũng tự trang bị thông tin cho mình bằng cách đọc sách chuyên môn, trò chuyện với những vị chủ doanh nghiệp, đến dự những sự kiện dành cho những người cùng chí hướng.

Anna cũng nhận ra rằng sự an toàn trong công việc trước đây chỉ là ảo ảnh: sớm muộn rồi thì ai cũng phải đối mặt với nguy cơ sa thải, các phòng ban được cơ cấu lại và cũng sẽ có công ty bị phá sản. Do đó, đừng để những nỗi sợ hãi không tên buộc bạn phải níu giữ lấy công việc không hề vui vẻ gì.

2. Kiên trì với lựa chọn của bản thân

Anna chia sẻ rằng ngay cả khi đã đưa ra quyết định, thì vẫn không thiếu thứ quyến rũ cô trở lại với môi trường cũ: những cú gọi điện mời mọc từ các nhà tuyển dụng, nỗi lo của bố mẹ về tương lai của con gái, các khách hàng cũ gọi đến để yêu cầu hỗ trợ...

Mỗi một lần như vậy, Anna lại phải kiên tâm hơn để duy trì cuộc sống mới. Cô dần dần hiểu rõ rằng chính cô là người duy nhất biết được điều gì là tốt cho mình. Anna khuyên: "Bạn phải nhớ rằng khi đã đưa ra một quyết định, hãy theo đuổi nó đến cùng, tự tin vào bản năng của mình và đừng quay đầu nhìn lại".

3. Cuộc sống có nhiều sự lựa chọn hơn bạn nghĩ

Vây quanh Anna trong công việc trước đó luôn là những người có cùng nền tảng học vấn và tham vọng thăng tiến y hệt như cô. Vậy nên mọi thứ trở nên khá đơn giản, ai ai cũng thấy an toàn trong thế giới đó và không nghĩ gì đến những lựa chọn bên ngoài.

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi khi Anna từ bỏ công ty của mình. Cô gặp gỡ nhiều người có tham vọng lớn hơn rất nhiều, với các hướng đi hoàn toàn khác lạ. Đặc biệt là khi đi du lịch, Anna có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người có khả năng truyền cảm hứng mới.

Cô đưa ra lời khuyên: "Nâng cao tầm nhìn và mở rộng trái tim của bạn ra, tìm những ý tưởng mới có thể đưa bạn ra khỏi những khuôn khổ lỗi thời và bạn sẽ ngạc nhiên với những lựa chọn mới mở ra cho bạn".

4. Bạn có thể sống cần kiệm hơn bạn nghĩ

Trước đó, với mức lương kha khá nhận được mỗi tháng, Anna tiêu xài thoải mái mua quần áo dù cho nó không cần thiết, cô bắt taxi khi phải đi đâu đó và không hề nghĩ gì đến tương lai. Đến khi thất nghiệp, cô học được cách tiêu tiền thận trọng hơn. Anna cho biết cô ít uống Starbucks hơn, đi bộ nhiều hơn thay vì bắt taxi, và cũng ngưng dùng gói dịch vụ nghe nhạc Spotify Premium luôn.

Anna nhận xét: "Thật khó khăn để cắt giảm những thứ xa xỉ từng chút một nhưng sự tiết kiệm đó giúp bạn có khả năng tài chính an toàn và tự tin hơn để theo đuổi kế hoạch của mình".

Cô cũng cảnh báo: "Sự nguy hiểm thật sự là khi tiền bắt đầu “chảy” vào túi bạn lần nữa, bạn thậm chí dễ rơi vào tình trạng nâng cấp thói quen chi tiêu của mình lên mức cao hơn. Vì vậy, thay vì mua những thứ vật chất có thể làm xáo trộn cuộc sống, bạn chỉ nên tập trung vào những nhu cầu cần thiết, và hãy chi tiền cho những việc có ra giá trị kinh nghiệm, chẳng hạn như đi du lịch. Cuộc sống sẽ tốt hơn nếu bạn chịu suy nghĩ đến việc tiết kiệm và đầu tư".

5. Những cơ hội mới luôn xuất hiện một cách đầy bất ngờ

Anna Lundberg cứ từ bỏ công việc theo cách như thế mà không biết chính xác mình phải làm gì tiếp theo. Đầu tiên cô nghĩ đến việc đi du lịch dài hơi, hoặc đi làm tư vấn viên, hoặc ngồi nhà 1 năm để viết lách, hoặc đi làm cho một tổ chức phi lợi nhuận...

Chỉ trong vòng 1 năm sau khi nghỉ việc, Anna đã tham gia làm cố vấn cho 2 dự án vườn ươm khởi nghiệp, tổ chức hội thảo cho các công ty lớn, triển khai những dự án thú vị với các thương hiệu tên tuổi, và viết bài cho nhiều trang blog và website. Tất cả những điều này đều là những việc Anna chưa hề từng nghĩ tới trước đây.

Cô cũng cảm thấy quý trọng hơn sức mạnh từ mạng lưới xã hội của mình, vì vậy Anna khuyên: "Hãy luôn tích cực nói chuyện với bạn bè và cả những người không quen biết, tham dự các buổi networking, và trên hết là cởi mở đón nhận các cơ hội bất ngờ mới".

6. Không có gì là hoàn hảo ngay từ ngày đầu

Anna cho biết cô luôn tìm kiếm cho mình một công việc 100% lý tưởng, nhưng vị trí ao ước đó dường như không tồn tại. Cô từng chuyển đến Geneva để làm việc cho Liên Hiệp Quốc, nhưng cuối cùng lại chuyển sang ngành tiếp thị hàng tiêu dùng, và hóa ra đó lại là cơ hội tuyệt vời cho cô phát triển các kỹ năng và kiến ​​thức có giá trị.

Trong khi đó, nhiều ý tưởng mà Anna bắt đầu "gieo hạt" từ một năm trước đây, thì đang bắt đầu đem lại những quả ngọt đầu tiên.

Anna nhận xét: "Tôi không kỳ vọng trở thành chuyên gia số một thế giới trong vòng 1 tuần tới, nhưng rõ ràng là qua từng dự án và từng bài viết thì tôi đang định hình cuộc sống mới của chính mình. Miễn là bạn đang dẫn dắt cuộc đời bạn đi đúng hướng, và những gì sắp làm sẽ giúp bạn tiến một hoặc hai bước gần hơn đến nơi bạn muốn, thì hãy cứ tiến thẳng bước".

7. Không có gì là tồn tại mãi mãi

Đầu tiên, chuyện thôi việc có vẻ là một quyết định đầy khó khăn trong cuộc đời của Anna Lundberg, nhưng dần dà thì cô nhận ra rằng nó cũng không phải chuyện gì quá ghê gớm. Dù sao đi nữa thì điều tồi tệ nhất cũng chỉ là phải quay lại môi trường làm việc cũ, nếu chuyện khởi nghiệp không thành công.

Với cuộc sống mới của mình, Anna nhận ra rằng nếu công ty của cô không thành công thì cô có thể đóng cửa nó bất cứ lúc nào. Nếu không thích đất nước đang ở, cô có thể di cư đến vùng đất khác. Anna nhận xét: "Không có gì là vĩnh viễn, tất cả mọi thứ đều có thể thay đổi, nếu không ngay ngày mai thì cũng là vài năm sau. Chính vì thế, hãy  thử những cơ hội mới và chờ xem nó diễn ra như thế nào".

8. Bạn không bao giờ cô đơn

Khi đưa ra quyết định nghỉ việc, thật dễ dàng để cảm thấy rằng bạn là người duy nhất đối mặt với những rắc rối mà bạn đang gặp phải, nhưng sự thực là không phải như vậy. Anna chia sẻ rằng cô đã gặp không ít những người bỏ việc để theo đuổi đam mê riêng của mình, và ai cũng gặp phải những nỗi sợ và thách thức riêng. Có điều đáng chú ý là một vài người đã quyết định trở về với môi trường cũ, nhưng không ai trong số họ cảm thấy hối tiếc quyết định của mình.

Anna khuyên: "Bạn không cô đơn khi bước đi để tìm con đường cho riêng mình, vì cũng có hàng triệu người ngoài kia đang có cuộc hành trình tự khám phá như vậy".

9. Bạn sẽ không bao giờ biết hết tất cả mọi thứ

Trên cương vị là chủ doanh nghiệp của mình, Anna đã phải học hỏi thêm rất nhiều thứ từ luật thành lập công ty, tHuế doanh nghiệp, thuế VAT cho đến việc thảo các đề xuất, hợp đồng, hoá đơn…

Anna khuyên: "Đừng chờ đợi cái ngày mà bạn có trong tay một bản kế hoạch hoàn hảo và không còn gì để thắc mắc, bởi lẽ bạn sẽ không bao giờ đạt được sự chắc chắn 100% cả. Cuộc sống luôn đầy những rủi ro và hãy đón nhận nó một cách bình thường".

10. Sống là để khám phá

Anna nhận xét: "Cuộc sống đâu chỉ gói gọn về chuyện đi tìm việc, gặp gỡ ai đó, kết hôn rồi có con. Bạn có thể lo lắng khi thấy bạn bè đang dần ổn định cuộc sống của họ, nhưng chắng có gì là sai trái nếu bạn muốn tiếp tục tìm đến những công việc khác, gặp gỡ những con người mới, hoặc là đi du lịch vòng quanh thế giới..."

"Cuộc sống thực sự không có điểm dừng nào, ngoại trừ cái chết, vậy tại sao chúng ta không xem nó như một chuyến hành trình bất tận dành cho việc khám phá và học hỏi không ngừng nghỉ?

Tổng hợp

Chia sẻ