Bỏ nghề tiếp viên hàng không, 8X liều chở nước biển về Hà Nội… nuôi cua lột

Thứ 5, 19/10/2023 | 08:29 GMT+7

Từng học Đại học Thủy lợi, sau đó làm tiếp viên hàng không, nhưng rồi niềm đam mê với khởi nghiệp nông nghiệp đã thôi thúc Nguyễn Quang Thuấn tiếp cận mô hình nuôi cua biển lột ngay giữa thủ đô Hà Nội.

Xây "bể bơi bốn mùa" để nuôi cua biển lột

Nuôi cua biển trong hộp nhựa - mô hình không mới, tuy nhiên, việc nuôi cua biển lột tại Hà Nội lại là mô hình khởi nghiệp khá mới mẻ với nhiều người.

Sinh ra và lớn lên tại Hưng Yên, anh Nguyễn Quang Thuấn (sinh năm 1984) theo học tại Trường Đại học Thủy lợi. Ra trường, anh cũng trải qua nhiều công việc, nhiều vị trí, từ làm nhân viên chi cục quản lý đê điều phòng chống lụt bão, nhân viên công ty thiết kế công trình, đến làm tiếp viên hàng không… Tuy nhiên, Thuấn gây bất ngờ cho nhiều người khi chọn cho mình ngã rẽ khác là khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Anh Nguyễn Quang Thuấn kiểm tra sức khỏe của cua nuôi trong hộp. Ảnh: N.H

Thuấn chia sẻ, sau khi tìm hiểu mô hình trên mạng internet, tìm kiếm và học hỏi của những người đi trước, anh đi tìm thuê địa điểm.

Tự tin có thể cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu, anh Nguyễn Quang Thuấn cho biết, hiện nay cơ sở của anh mới nuôi 1/3 công suất, sắp tới, khi điều chỉnh được kỹ thuật nuôi, cùng với việc tìm được nguồn giống tốt, cơ sở sẽ nuôi hết công suất/ "Trong chính khó khăn thì cơ hội đem lại cũng sẽ lớn hơn gấp nhiều lần" – anh Thuấn nói.

Điểm dừng chân của anh là thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (TP.Hà Nội). Sau khi thuê được nhà xưởng, máy móc họ đã dỡ đi hết, chỉ còn 4 bể chứa nước, tuy nhiên các bể này được xây chưa đúng kỹ thuật, do đó anh và đồng nghiệp lại bắt tay vào cải tạo bể. Bước tiếp theo là đầu tư máy móc, thiết bị, nhà giàn nuôi cua, nước biển được anh mua trực tiếp đổ vào bể với giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng/m3.

Chuẩn bị xong khâu nhà xưởng, máy móc thiết bị, khâu tiếp theo là tìm mua con giống. "Cua giống được chúng tôi mua ở Cà Mau. Mới đầu, do chưa quen, thiệt hại ở khâu này là khá lớn: Chúng tôi chuyển tiền nhưng phía cung cấp không chuyển hàng, hoặc có chuyển thì là những con giống chất lượng kém, vận chuyển ra đến nơi thì chết phân nửa…" - Thuấn cho biết.

Xử lý xong khâu con giống thì việc nuôi cua trong bể cũng khiến Thuấn đau đầu. Thời gian đầu, cua nuôi bị chết đến 60% do anh và đồng nghiệp chưa biết cách cho khoáng chất, xử lý nước hay vấn đề oxy...

"Nuôi cua lột khó khăn nhất là vấn đề con giống và xử lý nước. Nếu một vài chỉ số nước không đạt chuẩn thì con cua sẽ bị chết, không lột hoặc lâu lột. Mỗi ngày, tôi phải xét nghiệm chỉ số nước PH, canxi ít nhất 1 lần, nếu độ PH giảm thì phải xem ngay để điều chỉnh cho phù hợp; hay canxi tụt thì phải bổ sung ngay khoáng. Bên cạnh việc "canh" về môi trường nước, tôi còn phải canh đúng thời điểm cua lột để "thu hoạch". Bởi nếu không để ý, cua lột xong vẫn ở trong môi trường nước biển khoảng 4 tiếng thì mai cua sẽ cứng lại" - Thuấn chia sẻ.

Thông thường, mỗi con cua sẽ có chu kỳ lột khoảng 5 - 6 lần. Trước khi cua lột sẽ có giai đoạn đó là cua cốm. Ngày nào anh cũng phải đi soi các hộp nuôi để canh. Việc này cũng phải có phương pháp và phải dự đoán được thời điểm cua sắp lột.

Về kỹ thuật nuôi, anh Thuấn cho biết, hệ thống nuôi gồm 2 phần chính là hệ thống hộp nuôi cua được xếp chồng lên nhau; hệ thống tuần hoàn xử lý nước thải và tái sử dụng nước. Hệ thống hộp nuôi cua được đặt trên một giá đỡ bằng khung thép (kích thước 0,8x1,2m) để tạo cao trình cho hộp nuôi. Hệ thống xử lý nước thải được bố trí trong các bể chứa và được kết nối tuần hoàn với nhau.

Hệ thống bể được xây thành 4 ô riêng biệt. Nước biển được mua về, đổ vào bể ngầm và được diệt khuẩn để phòng lây lan dịch bệnh, sau đó được bơm vào các hộp nuôi. Sau đó, một phần nước sẽ được lưu trữ trong hộp nuôi, một phần sẽ chảy qua lỗ xả tràn và quay về hệ thống lọc.

Hệ thống lọc này sẽ giữ lại các hạt to, chất thải và thức ăn còn thừa. Còn lại phần nước trong sẽ được chảy vào các bể chứa, tại đây nước được lọc lại một lần nữa qua hệ thống lọc nano. Qua giai đoạn này, nước lại được chảy sang bể có nuôi vi sinh và xử lý hết các phần thức ăn cũng như chất thải của con cua còn sót lại. Sau đó, nước sẽ chảy ngược lại bể bơm ban đầu.

Ngoài ra, hệ thống còn được gắn thêm đèn UV để diệt khuẩn trong quá trình nuôi, thiết bị khử khí CO2 trong nước, thiết bị bổ sung và kiểm soát oxy...

Tự tin cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu

Con cua vừa lột được bắt lên để giữ cho mai mềm trong 1,5 ngày. Ảnh: N.H

"Lăn lộn" với cua, vật vã để điều chỉnh kỹ thuật nuôi, đến nay tỷ lệ cua chết trong trại của Thuấn chỉ còn khoảng 10% và anh đã có sản phẩm bán ra thị trường. Do sản lượng ít, trên thị trường cũng rất hiếm, không có hàng bán buôn mà chỉ có hàng đặt nên hiện giá bán lẻ cua biển lột trên thị trường khoảng 850.000 - 900.000 đồng/kg; giá bán sỉ khoảng 630.000 - 650.000 đồng/kg.

"Như chúng tôi nếu nuôi 1.000 hộp, con giống tốt thì trung bình mỗi ngày chỉ thu được khoảng 10kg cua lột. Nhưng cua sẽ không lột cùng một thời điểm, sáng được 2 - 3kg, chiều 2 - 3kg, tối được vài kg" – anh Thuấn cho hay.

Công việc bán hàng mới đang ở giai đoạn bắt đầu, công tác xúc tiến quảng bá chưa được nhiều. Thuấn cho biết, còn nhiều việc cần phải giải quyết, như rút ngắn thời gian nuôi để làm sao cua lột nhanh hơn. Bên cạnh đó, anh đang hướng tới nuôi cua lột size to khoảng 4 lạng đến gần 5 lạng/con. Cùng với cua biển lột cấp đông, anh Thuấn đang nghĩ cách để có thể bán cua lột sống. Đây là sản phẩm độc đáo, hiếm và chưa có ở Hà Nội.

"Sau khi cua lột sẽ vớt ra khỏi nước biển, nếu để trong môi trường nước biển thì chỉ sau 4 tiếng là cua sẽ cứng vỏ dần. Khi vớt ra khỏi môi trường nước biển thì cua lột chỉ có thể duy trì sự sống được mấy tiếng, sau đó sẽ bị chết. Do đó, những người nuôi thường đưa cua lột vào xử lý đông lạnh. Tuy nhiên, cua đông lạnh giá bán sẽ không cao, hiện chúng tôi đang hướng tới bán cua lột sống cho khách hàng. Với phương pháp "ngủ đông" chúng tôi có thể kéo dài thời gian sống của cua tới 1,5 ngày" - Nguyễn Quang Thuấn cho hay.

Cũng theo anh Nguyễn Quang Thuấn, khi bắt tay khởi nghiệp, lúc đầu anh nghĩ sản phẩm này rất hiếm và rất chất lượng thì đầu ra sẽ rất tốt. Tuy nhiên, thực tế lại khác hẳn. Có thể nguyên nhân là do anh chưa làm cho khách hàng hiểu được giá trị của con cua lột này: "Cua lột rất giàu canxi và nhiều khoáng chất khác. Con cua lột vô cùng bổ dưỡng, nhất là với phụ nữ mang bầu hoặc sau sinh là những người rất cần canxi, người già, trẻ em, người mới ốm dậy…".

Nguyễn Quang Thuấn cho biết, hiện nay tại Hà Nội có khoảng 4 - 5 cơ sở nuôi cua biển lột, số lượng cua biển lột cấp đông cung cấp cho cả thị trường Hà Nội nếu so với các thực phẩm khác thì quá nhỏ bé. Như cơ sở của anh, nếu nuôi tốt và hết công suất thì cũng chỉ thu về sản lượng khoảng 3 - 3,5 tạ/tháng, cộng thêm một trại nữa mà anh Thuấn đang liên kết đạt khoảng 6 - 7 tạ/tháng thì tổng lượng cung cấp ra thị trường chỉ khoảng 10 tạ/tháng.

Ngoài cua lột biển được cung cấp từ các cơ sở nuôi tại Hà Nội thì hiện trên thị trường có cua lột biển của Myanmar, giá bán chỉ 380.000 – 400.000 đồng/kg. Nếu cua lột của Việt Nam chất lượng ngon hơn, trọng lượng khoảng 3 – 4 lạng/con, thì cua biển của Myanmar trọng lượng chỉ hơn 1 lạng/con, chất lượng và chất dinh dưỡng không bằng với của lột của Việt Nam.

 

 

Theo Dân Việt

Chia sẻ

Khởi nghiệp


TOP VIEW