Ảnh minh họa.
Các lĩnh vực nghề Y
Thế giới của ngành y vô cùng rộng lớn. Bạn có thể đóng góp sức mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau, tuỳ vào sở thích và năng lực của bản thân.
- Giảng viên y dược
Là người giữ vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, nhà sư phạm trong ngành y đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu cả về lý thuyết lẫn thực hành.
- Bác sĩ đa khoa
Làm việc trong các bệnh viện đa khoa, các trạm y tế tổng hợp, bác sĩ đa khoa có kiến thức rộng về các lĩnh vực của y học, đóng vai trò bác sĩ khám chung cho cơ thể của bệnh nhân.
Tuỳ vào tình trạng sức khoẻ của từng bệnh nhân mà bác sĩ đa khoa có những lời khuyên thích đáng, kê đơn thuốc, yêu cầu làm các xét nghiệm cụ thể hoặc chuyển bệnh nhân tới gặp bác sĩ chuyên khoa.
- Bác sĩ chuyên khoa
Bác sĩ chuyên khoa có chuyên môn sâu về một bộ phận nào đó trong cơ thể con người như các chuyên khoa: răng - hàm - mặt, tai - mũi - họng, mắt, chấn thương chỉnh hình, da liễu, tim mạch, tiêu hóa, nội tiết v.v... Ngoài ra, bác sĩ chuyên khoa cũng có thể chuyên về một lứa tuổi nào đấy như nhi khoa lão khoa. Họ làm việc tại các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa.
- Bác sĩ ngoại khoa
Công việc chủ yếu của bác sĩ ngoại khoa là tham gia phẫu thuật cơ thể bệnh nhân để cắt bỏ các ổ bệnh, chỉnh sửa, nối ghép các bộ phận bị thương tổn v.v… Công việc này đòi hỏi bạn phải là người có đôi bàn tay vàng, sức khoẻ tốt và một thần kinh thép với khả năng tập trung tuyệt vời. Bác sĩ ngoại khoa cũng thường chuyên về một lĩnh vực nào đấy, như bác sĩ ngoại khoa chuyên về phẫu thuật não, bác sĩ ngoại khoa chuyên về phẫu thuật tim v.v...
- Bác sĩ sản phụ khoa
Công việc của bác sĩ sản phụ khoa là khám định kỳ và không định kỳ cho các sản phụ, tiến hành các nghiệp vụ kỹ thuật như siêu âm, xét nghiệm v.v... để theo dõi sức khỏe và sự phát triển của thai nhi, sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường để có tư vấn hợp lý cho sản phụ v.v... Bác sĩ sản phụ khoa cũng là người tư vấn về chế độ dinh dưỡng và hoạt động hợp lý, phù hợp với đặc điểm cơ thể, sức khỏe, tinh thần... của sản phụ và thai nhi.
Ngoài ra, bác sĩ sản phụ khoa tham gia vào các công việc về kế hoạch hoá gia đình, giúp các sản phụ sinh nở v.v...
- Y tá
Có nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân, thực hiện những y lệnh của bác sĩ đưa ra như: tiêm, truyền, cho bệnh nhân uống thuốc. Y tá thường xuyên theo dõi tình hình của bệnh nhân và báo cho bác sĩ các trường hợp khẩn cấp, xuất hiện biến chứng v.v...
- Hộ lý
Bằng những biện pháp nghiệp vụ, người hộ lý dọn dẹp vệ sinh nói chung trong bệnh viện. Ngoài ra, hộ lý cũng có những hỗ trợ khi cần thiết cho các bác sĩ, y tá, bệnh nhân. Thông thường, cả y tá và hộ lý đều theo dõi tình hình sức khoẻ của bệnh nhân để báo cáo kịp thời cho bác sĩ. Hộ lý cũng được đào tạo các kiến thức cơ bản về y học.
- Y tế dự phòng
Đây là nơi chuyên làm nhiệm vụ cảnh báo và giúp người dân phòng tránh những loại bệnh tật có khả năng phát sinh trong tương lai gần. Công việc thường xuyên của họ là tham gia công tác tiêm chủng mở rộng trong cả nước, ở các trung tâm y tế dự phòng tại các tỉnh, huyện, hướng dẫn thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, vệ sinh dinh dưỡng v.v...
Họ làm việc tại các trạm và đội vệ sinh phòng dịch từ tuyến Trung ương đến xã phường, thị trấn, Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Sốt rét ký sinh trùng, Vụ Vệ sinh phòng dịch, Cục quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ Y tế v.v...
- Y tế cộng đồng
Không trực tiếp làm công tác khám chữa bệnh nhưng nhân viên y tế cộng đồng cũng phải hiểu biết sâu sắc về các loại bệnh và các phương thuốc cứu chữa. Công việc của họ là dự đoán mô hình bệnh tật hoặc dự phòng bệnh tật, xây dựng các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch, xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho nhân dân những kiến thức về bệnh tật để mọi người cùng chung sức phòng chống bệnh tật tốt hơn.
- Bác sĩ thú y
Là người làm công việc chẩn đoán và chữa trị bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau cho các loại động vật. Ngoài ra, họ cũng tiến hành nghiên cứu và phòng chống sự lan rộng của dịch bệnh trên động vật, bảo vệ đời sống của các loại động vật, tránh lây lan cho con người.
Bác sĩ thú y thường làm việc trong các vườn thú, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, trong các đơn vị quản lý về y tế, các đơn vị quản lý về môi trường v.v... Ngoài ra, họ cũng có thể mở phòng khám của riêng mình, chuyên nhận bệnh nhân là những con “vật cưng” của các gia đình. Hiện nay, ở Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện bệnh viện dành cho vật nuôi.
Một số công tác khác trong ngành y :
* Công tác nghiên cứu: Những căn bệnh nan y, sự xuất hiện của những bệnh dịch mới, nhu cầu chăm sóc sức khoẻ với chất lượng ngày càng cao của con người, tất cả đang chờ đợi những người làm công tác nghiên cứu tiếp tục nỗ lực để tìm ra những phương thuốc mới, cách phòng và chữa bệnh mới. Nhà nghiên cứu công tác tại: các viện nghiên cứu của ngành, các cơ sở đào tạo ngành y, các bệnh viện, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ.
* Công tác đào tạo: giữ vai trò đào tạo nguồn nhân lực cho ngành, nhà sư phạm trong ngành y đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu cả về lý thuyết lẫn thực hành.
* Công tác quản lý nhà nước về y tế: Các nhà quản lý, các chuyên viên làm việc tại Bộ y tế hay các Sở y tế của các tỉnh thành trong cả nước
Một số địa chỉ đào tạo
Đòi hỏi về tính chuyên môn cao nên thời gian học ngành y kéo dài tới 6 năm để có bằng bác sĩ (bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa). Bạn có thể theo học tại: Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Răng - Hàm - Mặt, Học viện Quân y, Trường Đại học Y tế cộng đồng, Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Y Huế, Trường Đại học Y Thái Nguyên, Trường Đại học Y Thái Bình v.v...
Trở thành cử nhân y tế cộng đồng đòi hỏi 4 năm đào tạo tại: các trường đại học y trong cả nước, Trường Đại học Y tế Công cộng.
Trường Cao Đẳng y tế Nam Định đào tạo cử nhân điều dưỡng - những y tá trưởng trong tương lai.
Bạn cũng có thể học tại các trường trung cấp y tại các địa phương trong cả nước với thời gian 3 năm để trở thành điều dưỡng viên, y tá trong các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế cơ sở v.v...
Kiến thức
- Có kiến thức khoa học cơ bản, y học cơ sở làm nền tảng cho y học lâm sàng;
- Có kiến thức cơ bản về chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh;
- Có phương pháp luận khoa học trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học;
- Nắm vững pháp luật và chính sách về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Khả năng
- Khả năng giao tiếp tốt, phong thái cởi mở, biết cách tạo sự tin cậy, cảm thông chia sẻ với bệnh nhân....
- Khả năng phán đoán tốt, nhạy bén
- Sức khoẻ tốt, đặc biệt là thần kinh vững vàng
- Sự kiên trì nhẫn nại
- Sự can đảm (không yếu bóng vía, không sợ máu, không sợ bẩn...)
- Tỉnh cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực
- Đôi bàn tay khéo léo
Kỹ năng
- Chẩn đoán và xử lý các bệnh thường gặp và các cấp cứu thông thường;
- Định hướng chẩn đoán một số bệnh chuyên khoa;
- Chỉ định và đánh giá được một số xét nghiệm và kỹ thuật thăm dò chức năng cơ bản phục vụ cho chẩn đoán các bệnh thông thường;
- Đề xuất những biện pháp xử lý thích hợp để chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cộng đồng và bảo vệ môi trường;
- Thực hiện một số xét nghiệm đơn giản tại cộng đồng;
- Phát hiện sớm các dịch bệnh và tham gia phòng chống dịch;
- Áp dụng y học cổ truyền trong công tác phòng và chữa bệnh;
- Thực hiện được công tác tư vấn, giáo dục sức khoẻ, tổ chức chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân;
- Tham gia nghiên cứu khoa học
- Sử dụng được tối thiểu một ngoại ngữ và tin học để nghiên cứu và học tập nâng cao trình độ chuyên môn.
Thái độ
- Tận tuỵ với sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; tôn trọng, cảm thông và hết lòng phục vụ người bệnh;
- Tôn trọng và chân thành hợp tác với đồng nghiệp; giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành;
- Coi trọng việc kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền.
- Tôn trọng luật pháp, thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ và những yêu cầu nghề nghiệp;
- Trung thực, khách quan, có tinh thần nghiên cứu khoa học và học tập nâng cao trình độ.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Những người làm việc trong ngành y dành phần lớn thời gian của mình tại bệnh viện, phòng khám, phòng nghiên cứu v.v... Công việc thường rất vất vả và đòi hỏi sự bền bỉ, chính xác cao độ, thường xuyên phải trực đêm, trực vào ngày nghỉ hoặc các kỳ nghỉ. Hơn thế, người làm trong ngành y thường xuyên phải tiếp xúc với bệnh tật, vi khuẩn, máu, thậm chí với cả tử thi v.v...
Ngày nay, những thành tựu của khoa học, công nghệ đang thúc đẩy sự phát triển thần kì của y học. Số lượng bác sĩ của nước ta đang còn thiếu nhiều. Ngoài các bệnh viện Trung ương, Bộ, ngành và các cấp địa phương, hiện nay ngày càng nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân được xây dựng, đòi hỏi bổ sung đội ngũ nhân lực.
Mức thu nhập trung bình:
Mức lương cho người chưa có kinh nghiệm: 5-8 triệu VND/tháng
Mức lương cho người có kinh nghiệm: trên 9 triệu VND/tháng
Thu Thủy - HuongNghiep24h
Tổng Hợp