Bí mật về nghề “dễ ăn tiền” của thiên hạ

Thứ 5, 28/09/2023 | 08:47 GMT+7

Nhắc đến nghề môi giới bất động sản, nhiều người nghĩ ngay đến sự hào nhoáng với mức thu nhập lý tưởng nhưng thực tế, công việc này có rất nhiều khó khăn và thách thức.

Môi giới bất động sản được xem là nghề có mức thu nhập lý tưởng (ảnh minh họa)

Môi giới bất động sản được xếp vào danh sách những ngành nghề hot, thu hút lượng lớn bạn trẻ tham gia hiện nay. Vai trò của một nhân viên kinh doanh bất động sản rất đa dạng, là người kết nối nữa bên mua và bên bán, giúp các giao dịch mua bán diễn ra thuận lợi.

Nhắc tới “sale” bất động sản, nhiều người nghĩ ngay đến sự hào nhoáng với mức thu nhập lý tưởng công việc này có nhiều khó khăn, thách thức và cả những điều oái oăm mà chỉ người trong cuộc mới hiểu.

Lê Thị Nhung (sinh năm 1991) từng tốt nghiệp ngành Báo chí của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). “Dòng đời xô đẩy”, năm 2016 cô bén duyên với ngành bất động sản và chính thức trở thành “sale chuyên sâu” vào 3 năm sau đó.

Trong hơn 3 năm làm nghề, Nhung đã bán được hàng trăm căn nhà, mảnh đất… Năm “được mùa”, cô bán được hơn 100 tỷ đồng tiền hàng, năm “mất mùa”, số tiền đó cũng rơi vào khoảng vài chục tỷ đồng. Dẫu vậy, cô vẫn không ít lần muốn bỏ nghề vì sự gian nan, phức tạp của nghề này.

“Công việc thực tế khác hoàn toàn với những gì mình hình dung. Trước đây, mình nghĩ sale bất động sản là công việc “dễ ăn tiền” của thiên hạ, là cơ hội làm giàu và đổi đời nhưng làm rồi mới thấy, kiếm tiền đâu dễ thế”, Nhung nói.

Nhung bán được hàng trăm căn nhà trong hơn 3 năm qua.

Thời điểm mới vào nghề, Nhung gặp nhiều rắc rối. “Xuất thân” từ mảng nội dung, cô chưa từng được đào tạo chính quy về nghề sale bất động sản nên “động đâu khó đấy”. Có thời điểm, trong 2-3 tháng cô không bán được căn nhà nào, trong khi vẫn phải bỏ tiền túi ra để chạy quảng cáo tìm kiếm khách hàng. Cô stress nặng, muốn bỏ nghề.

Thế nhưng, cô luôn tin vào câu nói “nghề chọn người” nên kiên trì theo đuổi. Nhung mày mò, học hỏi về mọi thứ liên quan đến môi giới bất động sản như: thông tin dự án, chủ đầu tư, pháp lý, quy hoạch, tính toán dòng tiền…

Nghề này bao gồm nhiều đầu việc khác nhau như: tìm kiếm khách hàng, tư vấn bán hàng, hỗ trợ tính toán các phương án tài chính, hỗ trợ thủ tục cho khách, tìm kiếm đối tác… Mọi thứ đều cần đến sự nhanh nhạy, chính xác và quan trọng nhất là sự nhiệt tình, sẵn sàng hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

“Mình còn phải làm nhiều công việc ngoài phạm vi bán hàng như: mua két sắt hộ khách, tìm giúp việc hộ khách, đưa người yêu của khách đi bệnh viện… Không phải bán xong một căn nhà là đã xong, quá trình chăm sóc khách hàng còn kéo dài đến mãi sau này”, Nhung cười chia sẻ.

Nghề sale bất động sản không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ, Nhung thấy được nhiều “mặt tối” của nghề. Cô từng gặp những vị khách hàng khó chiều, phải rất tinh tế, khéo léo mới có thể khiến họ hài lòng.

“Mình từng gặp tình huống, khách làm việc với mình xong xuôi, chuẩn bị đặt cọc thì lại quay sang “check” môi giới khác. Các bạn ấy cắt tiền hoa hồng cho khách, bán rẻ hơn nên khách bỏ mình đi luôn. Nhiều vị khách bị nhầm lẫn. Tiền môi giới thực ra là tiền chủ đầu tư trả cho mình để mình tư vấn bán hàng, phục vụ, chăm sóc khách cả quá trình chứ không phải tiền mình lấy của khách. Nhưng cuộc sống mà, đồng tiền có sức mạnh khá ghê gớm.

Rồi có những lần chủ đầu tư chia sẻ sai thông tin về dự án, kiểu “nói một đường, làm một nẻo” nên mình bị khách trách móc là thiếu uy tín.

Rồi một lần khác, vị khách nọ hẹn mình đi xem nhà lúc 8 giờ tối. Mình đến và chờ khách tới 9h30, làm việc một hồi, ký giấy tờ xong xuôi, khách lại “chơi bài chuồn”. Thế là hôm đó mình trở về nhà vào lúc 11 giờ đêm với hai bàn tay trắng”, Nhung kể lại.

Cô nàng vào nghề với con số "0".

Với Nhung, chuyện éo le trong nghề sale bất động sản là vô kể. Cô cũng từng nghe chuyện nữ giới làm nghề này bị khách trêu ghẹo, “gạ tình” nhưng bản thân cô chưa từng gặp phải. Cô cho rằng, thái độ rõ ràng, cứng rắn của người làm nghề cũng quyết định phần nào các tình huống oái oăm này, Nhung nói.

Môi giới bất động sản được xem là nghề có mức thu nhập lý tưởng, tuy nhiên, Nhung lại thấy công việc này khá bấp bênh. Thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, bất động sản chững lại, cô không bán được căn nào trong suốt 6 tháng, trong khi đó vẫn phải chi từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng để chạy quảng cáo tìm kiếm khách hàng.

“Nếu ai làm sale bất động sản cũng giàu thì chắc không ai muốn bỏ nghề đâu. Nhiều khách giàu lắm, đi mua nhà mà ép người môi giới cắt hết hoa hồng. Có những bạn bán căn hộ tiền tỷ mà chỉ được 2 triệu tiền phí. Cũng có người vì lâu không bán được nhà, áp lực doanh số nên sẵn sàng tư vấn miễn phí luôn… Quan điểm làm nghề của mình bỏ qua những khách quá tham lam. Mình chỉ mong được phục vụ người tử tế và văn minh thôi.

Nghề này thực sự chữ “duyên” khá quan trọng, ai không có duyên thì khó “chốt đơn”. Tuy nhiên mình thấy, kiếm được 200 – 500 triệu đồng/năm là điều có thể”, Nhung cho hay.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, Nhung cho rằng, để làm được công việc này cần một vài tố chất như: kiên trì, thông minh, linh hoạt, chịu khó học hỏi… Nhân viên môi giới cần tự đẩy mạnh quảng cáo, biết làm marketing để tìm được tối đa nguồn khách. Ngoài ra, việc mày mò, học hỏi các kiến thức về pháp lý đất đai, dòng tiền… cũng rất quan trọng để có thể tư vấn kỹ càng cho khách hàng.

“Quan trọng nhất của một “tay sale bất động sản” là tận tâm, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Khi họ có lòng tin với mình thì họ mới sẵn sàng “chốt đơn”, chi tiền”, Nhung nói.

Chia sẻ

Học nghề

Học nghề


TOP VIEW