5 lưu ý giúp học và làm tốt bài thi Lịch sử tốt nghiệp THPT

Thứ 7, 06/04/2024 | 08:18 GMT+7

Thầy Phạm Văn Giềng, giáo viên Phenikaa School lưu ý thí sinh trong việc học, ôn tập, làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử.

phenikaa 2345

Thầy Phạm Văn Giềng trong giờ dạy Lịch sử.

>>> 6 lưu ý không thể bỏ qua để học tốt môn Lịch sử thi tốt nghiệp THPT

Nhận định đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử năm 2024 bám sát chương trình phổ thông, thầy Phạm Văn Giềng cho biết: Kiến thức trọng tâm của đề rơi vào Lịch sử lớp 12 (90%), lớp 11 (10%); lịch sử thế giới chiếm 30%, lịch sử Việt Nam chiếm 70%. Đa phần các câu hỏi có mức độ vận dụng cao rơi vào phần nội dung kiến thức lịch sử Việt Nam.

Đề thi có mức độ phân hóa tốt. Nhiều câu hỏi chỉ cần kiến thức địa lí để loại trừ các phương án gây nhiễu và đưa ra đáp án đúng. Các câu hỏi so sánh chiếm phần lớn trong hệ thống câu hỏi mức độ vận dụng. Một số câu hỏi, thí sinh cần phân tích bối cảnh thế giới để xem xét, đánh giá mối liên hệ với các sự kiện lịch sử Việt Nam.

Để có thể làm tốt bài thi, thầy Phạm Văn Giềng đưa ra 5 lưu ý với thí sinh như sau:

Thứ nhất, thí sinh cần hiểu rõ cấu trúc đề thi, xác định các nội dung kiến thức trọng tâm để phân phối thời gian ôn tập phù hợp, bám sát với yêu cầu cần đạt trong phân phối chương trình học và sách giáo khoa. Việc nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa sẽ tạo nền tảng để thí sinh tư duy giải quyết các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao.

Thứ hai, thí sinh rèn kỹ năng đọc, phân tích các câu hỏi lịch sử để nhận định các từ khóa quan trọng để truy tìm phương án đúng. Nhiều phương án có thể dễ dàng loại trừ bởi gắn với các từ khóa quan trọng như lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, quân sự, ngoại giao hoặc địa lí, thời gian.

Thứ ba, lưu tâm đến những cụm từ quan trọng như: Tất cả, chỉ, chủ yếu, chiến lược, sách lược, quyết định, chính, quan trọng, chủ quan, khách quan... để ra quyết định lựa chọn phương án. Các cụm từ trên có thể dẫn đến cách nhìn nhận rộng hoặc hẹp trong tư duy lịch sử.

Thứ tư, sơ đồ hóa các sự kiện lịch sử Việt Nam trong mối liên hệ với sự kiện thế giới để phân tích, đánh giá sự kiện lịch sử trong mối quan hệ tác động qua lại. Lưu ý các câu hỏi mang tính so sánh như các kế hoạch chiến tranh, chiến lược chiến tranh, chiến dịch lớn, hội nghị quan trọng, hiệp định Geneva và Paris.

Thứ năm, rèn luyện các đề thi lịch sử các năm trước để đánh giá kiến thức, bổ sung kiến thức còn thiếu. Trong quá trình làm bài, cần tránh tư tưởng đáp án dài hơn là đáp án đúng (thực tế đề sẽ cân đối độ dài các đáp án). Thí sinh cần xem xét các đáp án có độ phủ lớn, độ chính xác cao, không có các từ khóa lặp về tần suất để ra quyết định phù hợp.

 

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại

Chia sẻ

Góc học sinh - Sinh Viên


TOP VIEW