Việc lựa chọn giữa hai học vị bằng cử nhân hay bằng kỹ sư phụ thuộc vào mục tiêu nghề nghiệp và sự đam mê trong từng ngành học. Để giúp mọi người hiểu hơn về hai loại bằng này, chúng ta hãy cùng so sánh những điểm khác nhau giữa bằng cử nhân và bằng kỹ sư.
>>> Những chứng chỉ sinh viên đại học nhất định phải có
Bằng kỹ sư và cử nhân có gì khác nhau. (Ảnh minh họa)
Chương trình đào tạo
Nếu chương trình đào tạo của bằng cử nhân thường tập trung vào nghiên cứu và hiểu sâu về lý thuyết thì chương trình đào tạo bằng kỹ sư lại chú trọng đến vấn đề kỹ thuật cũng như hoạt động thực hành.
Sinh viên khi theo học chương trình cử nhân sẽ được giảng dạy các kiến thức cơ bản và chuyên sâu, hướng đến khảo sát, phân tích, giải quyết vấn đề lý thuyết. Còn sinh viên chương trình kỹ sư được đào tạo sâu về kỹ năng thực hành, ứng dụng kiến thức vào thực tế và tham gia dự án thực tiễn.
Đặc biệt, chương trình đào tạo kỹ sư sẽ yêu cầu sinh viên hoàn thành số lượng tín chỉ nhiều hơn so với chương trình đào tạo cử nhân.
Thời gian đào tạo
Thông thường, chương trình đào tạo bằng kỹ sư sẽ kéo dài lâu hơn so với bằng cử nhân. Hiện do có sự không thống nhất giữa các trường đào tạo nên cùng một ngành nhưng có trường lại cấp bằng kỹ sư, có trường cấp bằng cử nhân. Thường cử nhân sẽ đào tạo trong 4 năm và kỹ sư đào tạo trong 5 năm.
Tuy nhiên, mỗi bằng đều có một giá trị riêng biệt và hoàn toàn không có cở sở nào để đánh giá mức độ giá trị của ngành nào cao hơn ngành nào.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tìm được việc làm hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, khả năng và nguyện vọng của bản thân, không đơn giản là dựa vào bằng cấp.
Cơ hội việc làm
Sinh viên có bằng kỹ sư thường có trình độ chuyên môn cao hơn so với sinh viên sở hữu bằng cử nhân kỹ thuật. Nếu có bằng kỹ sư, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm trong các công ty, tổ chức và ngành công nghiệp liên quan đến chuyên ngành kỹ thuật.
Trong khi đó, bằng cử nhân kỹ thuật vẫn có giá trị và cơ hội việc làm, nhưng có thể hạn chế hơn so với bằng kỹ sư. Việc lựa chọn học loại bằng nào phụ thuộc vào mục tiêu nghề nghiệp và sự đam mê trong từng ngành học của thí sinh.
Mức lương
Bậc lương của bằng cử nhân và kỹ sư có sự khác biệt dựa trên mức lương vùng tối thiểu cũng như hệ thống tính lương của nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý không có một quy chuẩn chung nào quy định mức lương cụ thể cho từng loại bằng, do sự đa dạng trong hình thức tuyển dụng và điều kiện kinh tế của doanh nghiệp.
Dưới đây là mức lương vùng tối thiểu của bằng cử nhân và kỹ sư dựa trên hệ thống tính lương của nhà nước, bạn có thể tham khảo thêm.
Mức lương cử nhân
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng |
I | 4.680.000 đồng/tháng |
II | 4.160.000 đồng/tháng |
III | 3.640.000 đồng/tháng |
IV | 3.250.000 đồng/tháng |
Mức lương kỹ sư
Trình độ Đại học | Trình độ Thạc sĩ | Trình độ Tiến sĩ |
Kỹ sư hạng III | Kỹ sư hạng III | Kỹ sư hạng III |
Bậc 1 | Bậc 2 | Bậc 3 |
Hệ số lương 2.34 | Hệ số lương 2.67 | Hệ số lương 3.00 |
Mức lương: 3.486.600 đồng/tháng | Mức lương: 3.978.300 đồng/tháng | Mức lương: 4.470.000 đồng/tháng |
(Tổng hợp)