>>> Xem thêm: Việt Nam chưa cấp phép cho lao động sang Hàn Quốc ngành nhà hàng, khách sạn
Lao động Việt Nam sang Hàn Quốc. (Ảnh: Minh họa)
Visa khi đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc
Hiện nay, Hàn Quốc đang tiếp nhận lao động Việt Nam và cấp thị thực (visa) làm việc theo một số loại hình:
- Visa E-9: Dành cho lao động phổ thông theo chương trình EPS. Cơ quan phái cử là Trung tâm lao động ngoài nước – Đơn vị trực thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
- Visa E-8: Lao động thời vụ thực hiện theo thỏa thuận hợp tác giữa các địa phương của hai nước. Đơn vị đưa đi/phái cử do UBND tỉnh, thành phố các địa phương ký thỏa thuận chỉ định.
Hiện có 17 địa phương gồm: Đà Nẵng, Đồng Tháp, Thái Bình, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Quảng Bình, Hậu Giang, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Nam Định, Đắc Lắc, Yên Bái, Lâm Đồng, Bạc Liêu và Phú Yên đã ký thỏa thuận với địa phương của Hàn Quốc để đưa lao động thời vụ đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E-8.
Người lao động muốn đi làm việc theo hình thức lao động thời vụ cần liên hệ trực tiếp tới Sở Lao động Thương binh và Xã hội địa phương nơi cư trú để tìm hiểu thông tin cụ thể.
- Visa E-7: Lao động kỹ thuật, ngành nghề đóng tàu và ngành sản xuất chế tạo tại Hàn Quốc do doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có hợp đồng cung ứng lao động được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chấp thuận triển khai.
- Visa E-10: Thuyền viên tàu đánh cá gần bờ do doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và có hợp đồng cung ứng lao động được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chấp thuận triển khai.
Tùy vào mục đích và hình thức đưa đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động cần liên hệ trực tiếp với đơn vị sợ nghiệp (Trung tâm Lao động ngoài nước – Chương trình EPS) và các doanh nghiệp phái cử có chức năng để tránh bị lừa đảo. Riêng với Visa E-10 và E-7 qua các doanh nghiệp dịch vụ, người lao động cần kiểm tra kỹ thông tin về giấy phép dịch vụ của doanh nghiệp và hợp đồng đã được Cục Quản lý Lao động ngoài nước – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chấp thuận. Thông tin được đăng tải trên trang web: www.dolab.gov.vn.
Chi phí khi đi lao động tại Hàn Quốc
Đối với người lao động đi theo chương trình Cấp phép việc làm (EPS) do Trung tâm lao động ngoài nước – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện, sau khi vượt qua kỳ kiểm tra năng lực tiếng Hàn (Mỗi trình độ tiếng Hàn sẽ có yêu cầu khác nhau về từ vựng tiếng Hàn, ngữ pháp và các nội dung thi theo quy định) và tay nghề, được người sử dụng lao động lựa chọn và ký hợp đồng lao động, người lao động nộp 630 đô la Mỹ (theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội). Số tiền này để chi trả lệ phí xin cấp Visa, tiền mua vé máy bay lượt đi sang Hàn Quốc, chi phí tuyển chọn, xử lý hồ sơ và chia phí đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết.
Ngoài ra, người lao động phải ký quỹ 100.000.000 đồng tại chi nhánh hoặc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa bàn cư trú hợp pháp. Người lao động sẽ được nhận lại số tiền ký quỹ và lãi phát sinh sau khi về nước đúng hạn khi kết thúc hợp đồng.
Đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc qua doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, các chi phí người lao động phải trả gồm: Tiền dịch vụ, đào tạo tay nghề và Học tiếng Hàn, cấp hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, vé máy bay….
Mức lương tối thiểu của Hàn Quốc áp dụng đối với người lao động khoảng 36 triệu đồng Việt Nam.