Cẩn trọng khi kiếm việc làm thêm gần Tết

Thứ 7, 09/12/2023 | 08:20 GMT+7

Những tháng cuối năm, nhiều SV ở các thành phố lớn ngoài việc học đã lựa chọn đi làm thời vụ kiếm thêm thu nhập cũng như trải nghiệm thực tế.

can trong khi kiem viec lam them gan tet 9923

Nhiều sinh viên lựa chọn đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm. Ảnh: PL

>>> Xem thêm: Sinh viên có nên đi làm thêm hay không?

Tuy nhiên, khi tìm việc, sinh viên cần nghiên cứu kỹ thông tin công việc, tránh sa vào cạm bẫy của những “nhà tuyển dụng ma”.

Cẩn thận không bao giờ thừa

Chỉ còn vài môn thi nữa là Võ Thị Quý, sinh viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Cao đẳng Quốc tế Hà Nội hoàn thành chương trình học kỳ I của năm thứ hai hệ cao đẳng. Vì vậy, trong thời gian này, Quý và một số bạn học của mình đang tìm kiếm việc làm thêm. Được biết công việc làm thêm mà Quý mong muốn tìm kiếm liên quan đến phiên dịch, phục vụ tiệc cưới, sự kiện hay bán hàng.

Quý chia sẻ: “Đây là năm thứ hai em làm thêm dịp trước Tết. Với một ít kinh nghiệm “bỏ túi” từ năm trước, năm nay đi xin việc em sẽ chọn những chỗ làm có thể linh động về thời gian để phù hợp với việc học. Đồng thời trước khi nộp hồ sơ, phỏng vấn, em phải tìm hiểu thông tin về công ty đó thật cẩn thận để tránh bị lừa đảo. Riêng đối với các công việc như phục vụ chạy bàn các sự kiện, tiệc cưới em sẽ đề xuất nhận lương theo ngày”.

Tương tự, Nguyễn Thị Ngọc Trinh, sinh viên năm thứ ba, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường Đại học Thủ Dầu Một trước khi về quê nghỉ Tết, nữ sinh này sẽ dành hai tháng cuối năm nhận công việc bán hàng tại các trung tâm thương mại hoặc làm lễ tân. “Với lợi thế biết ngoại ngữ nên mức thu nhập họ trả cho em những dịp sát Tết sẽ khá hơn so với ngày thường”, Trinh cho biết.

Làm thêm trước và trong Tết có thể mang lại cho người lao động cơ hội tốt về thu nhập nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ngờ, tệ nhất là gặp phải kẻ lừa đảo. Với những kinh nghiệm tuyển dụng cũng như quản lý nhân sự, bà Bùi Trần Thảo Trinh, quản lý nhân sự Công ty TNHH Đầu tư Thương mại & Dịch vụ Con Ong Xanh (TPHCM) cảnh báo:

Để tránh rơi vào tình trạng bị lừa đảo hoặc đã làm việc mà không được nhận lương, các bạn sinh viên đi làm thêm dịp Tết nên kiểm tra, xác minh rõ ràng thông tin về công ty mà mình dự định xin việc gồm địa chỉ, số điện thoại, thông tin liên hệ. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo trên trang web chính thức của công ty hay các nguồn đáng tin cậy khác về đánh giá của những người đã làm việc hoặc cộng đồng trực tuyến để biết công ty có uy tín hay không?

Đối với công việc, bạn nên chú ý đến mô tả, yêu cầu công việc của bên tuyển dụng. Nếu những yêu cầu kỳ lạ, không rõ mục tiêu cần xác minh rõ trước khi tiếp tục phỏng vấn. Bên cạnh đó trước khi làm, bạn nên gặp trực tiếp người đại diện của công ty, nếu họ từ chối gặp bạn hoặc có dấu hiệu nghi ngờ thì bạn có thoải mái thời gian cân nhắc lại quyết định của mình.

“Bản thân có bất kỳ nghi ngờ nào hãy tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè hoặc cố gắng tìm hiểu thêm thông tin trực tuyến để đảm bảo tính chất lương thiện và uy tín của công ty bạn đang xin việc”, bà Thảo Trinh nhấn mạnh.

can trong khi kiem viec lam them gan tet3 4890

Ảnh minh họa ITN.

>>> Xem thêm: Thay vì làm thêm, sinh viên cày học bổng để lấy tiền trang trải 

Cẩn trọng với việc làm thêm cận Tết

Sau khi kết thúc các bài thi kiểm tra cuối kỳ, trước khi về nghỉ Tết cùng gia đình, nhiều sinh viên thường có ý muốn tìm kiếm một công việc làm thêm thời vụ để có một khoản tiền nho nhỏ dằn túi. Tuy nhiên, sinh viên năm nhất, năm hai chưa có mấy những va chạm thực tế, kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn học hành chưa có nhiều nên thường lựa chọn các công việc phổ thông như pha chế, chạy bàn, tổ chức sự kiện, bán hàng…

Theo Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, đối tượng mà kẻ bất lương dễ nhắm đến nhất là sinh viên năm nhất, bởi các em còn thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn việc làm thêm, dẫn đến nhiều đối tượng đã chủ động tiếp cận lừa đảo, dụ dỗ sinh viên, điển hình nhất là các trung tâm gia sư “ma”, công ty đa cấp và các loại hình kinh doanh làm việc trái pháp luật.

Thông thường, các đối tượng lừa đảo thường tiếp cận sinh viên ở các hoạt động sinh hoạt đội nhóm, họ chủ động thâm nhập vào môi trường học để tư vấn, phát tờ rơi hoặc chào mời tham gia với các mức lương cao, hấp dẫn. Một kênh khá phổ biến hiện nay chính là mạng xã hội. Ban đầu, “những nhà tuyển dụng ma” chỉ tiếp cận các bạn trẻ như là hỗ trợ giải đáp các thắc mắc, sau đó là dụ dỗ làm việc, hoặc rủ rê tham gia các hoạt động không phù hợp với sinh viên.

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, để tránh những điều không đáng có xảy ra với sinh viên khi làm thêm, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã tạo các diễn đàn trao đổi thông tin, cảnh báo các hình thức lừa đảo “việc nhẹ lương cao” dịp giáp Tết để sinh viên không bị rơi vào cạm bẫy.

Lưu ý sinh viên cần cẩn trọng trong quá trình tìm việc làm thêm dịp Tết, cô Nguyễn Thị Phong Lê, giảng viên Trường ĐH Khánh Hòa cho rằng: “Sinh viên cần tìm kiếm các công ty, dịch vụ việc làm uy tín.

Đồng thời cẩn trọng trong việc đưa thông tin cá nhân lên mạng để tìm kiếm việc làm. Khi xin việc, phải có hợp đồng làm việc cụ thể rõ ràng về thời gian, tiền lương, những ràng buộc trách nhiệm... Hiểu rõ môi trường làm việc mình định đầu quân trước khi lựa chọn những công việc phù hợp với năng lực cá nhân, cũng là cách các bạn trẻ rèn luyện được những kỹ năng cần thiết cho công việc sau này”.

“Mặc dù đi làm thêm ngoài việc có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống, rèn luyện kỹ năng mềm - kinh nghiệm, song vội vàng đăng ký làm thêm dịp Tết mà sinh viên không chọn những trung tâm dịch vụ việc làm uy tín, là một sai lầm. Các bạn chủ quan, đặt niềm tin mù quáng vào các quảng cáo dán ở bờ tường hay cột điện nơi vỉa hè hoặc, các lời mời mọc từ người lạ, hay thông tin tuyển dụng không rõ ràng trên mạng xã hội thì dễ bị sa vào cạm bẫy của kẻ xấu”, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho biết.

 

(Theo Báo Giáo dục & Thời đại)

Chia sẻ

Lao động - Việc làm


TOP VIEW