Bạn muốn làm việc trong một bộ vest lịch lãm, sang trọng, được hàng triệu người trên thế giới chú ý? Bạn muốn làm sếp của một nhóm người mà trong đó có những triệu phú? Bạn muốn lãnh lương cao? Bạn muốn đi nhiều nơi trên khắp thế giới mà không mất tiền? Bạn muốn làm việc, và tiếp tục được làm việc ngay khi đến tuổi hưu? Ok! Hãy học lấy bằng huấn luyện viên ngay lập tức và tìm cơ hội sang Châu Âu. Đó là thiên đường cho bạn thực hiện tất cả những mong muốn nói trên!
1. Một huấn luyện viên có thể thôi không làm công việc huấn luyện vì nhiều lý do. Có thể ông ta đã lớn tuổi, đã mệt mỏi và muốn dành nhiều thời gian cho gia đình cùng những dự định còn lại của mình. Có thể ông ta chuyển sang làm một Nghề khác: kinh doanh, bình luận viên, giám đốc thể thao... Có thể ông ta chán và muốn nghỉ một thời gian để tìm lại cảm hứng làm việc. Chưa một HLV nào bị buộc phải thôi việc vì đến tuổi hưu cả.
Thật vậy! Ở tuổi 61, Harry Redknapp vẫn đang làm rất tốt công việc của mình ở Postsmouth, Sir Alex Ferguson đang phiêu lưu cùng Manchester United ở tuổi 66, HLV vĩ đại bậc nhất của bóng đá Xô Viết Valeri Lobanovski đang dẫn dắt Dynamo Kiev khi ông đột ngột qua đời ở tuổi 63. Sir Bobby Robson rời Newcastle United khi ông đã 71. Arsene Wenger sắp bước sang tuổi 60. Còn rất nhiều những HLV vẫn đang làm việc dù sắp bước sang ngưỡng "thập cổ lai hy" như Francico Chaparro của Real Betis (66 tuổi), Manolo Villanova của Real Zaragoza (65), Giovanni Trappattoni của đội tuyển Cộng Hoà Ireland (68)...
Không có một quy luật nào rõ ràng về tuổi hưu của nghề huấn luyện viên. Chính xác thì luật bóng đá ở Pháp cũng có điều lệ cấm một HLV hành nghề khi đã ngoài 65 tuổi. Nhưng có hề chi, vì khi CLB Lens tại nước này công bố họ đã ký với HLV Guy Roux 1 bản hợp đồng dẫn dắt có thời hạn 2 năm vào năm ngoái, ông ta đã hơn 68 tuổi. Khi ấy Ban tổ chức giải bóng đá nhà nghề Pháp (ligue 1) phản ứng dữ dội và thông qua cuộc bỏ phiếu, họ quyết định tước quyền huấn luyện vì Roux lố tuổi. Thậm chí Ligue 1 còn định phạt Lens vì đã làm trái Luật. Ngay lập tức Ligue 1 nhận được phản ứng dữ dội từ các CĐV lẫn chính phủ. Chính Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy lẫn Bộ trưởng Tài chính Christine Lagarde đã can thiệp và sau một thời gian ngắn, khoản 653-5 luật bóng đá Pháp quy định về tuổi hành nghề HLV đã chính thức bị huỷ bỏ!
2. Điều kiện để trở thành một HLV? Phải có bằng, thêm 1 ít kinh nghiệm là bạn sẽ có cơ hội để trở thành HLV của một đội bóng lớn. Nhiều người vẫn thường nghĩ một HLV sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn nếu họ từng trải qua một sự nghiệp cầu thủ lẫy lừng. Điều ấy đúng nhưng không phải là tuyệt đại đa số vì không ít các HLV hàng đầu thế giới hiện nay chưa từng là cầu thủ, hoặc có 1 sự nghiệp đá bóng gần như vô danh.
Arsene Wenger chỉ là một cầu thủ dự bị cho RC Strasbourg và kết thúc sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp khi đá chưa được 15 trận. HLV Juande Ramos của Tottenham hiện nay chỉ là 1 cầu thủ tầm tầm ở các CLB hạng Nhì và Ba tại TBN trước khi treo giày ở tuổi 28. Tương tự như thế là HLV Rafael Benitez của Liverpool và "Người đặc biệt" Jose Mourinho. Còn với HLV Arrigo Sacchi vĩ đại, ông ta thậm chí chưa từng là một cầu thủ nghiệp dư. Trước khi quyết định dấn thân vào nghề huấn luyện, Sacchi làm nghề đóng giày.
Có thể nói việc không có 1 sự nghiệp cầu thủ lẫy lừng cũng có cái nhìn bao quát hơn về việc đào tạo tuyến trẻ, tuyển mộ cầu thủ và hoạch định những kế hoạch chiến lược cho CLB. Wenger và Ferguson thuộc dạng này, họ chính là những bộ não bóng đá thật sự. Còn theo Mourinho, việc không làm cầu thủ chuyên nghiệp mà làm HLV sẽ giúp cho HLV có cái nhìn hợp thời hơn, tránh sa vào những giá trị cũ kỹ và lỗi thời.
3. Lương bổng của HLV là 1 câu chuyện thu hút nhiều sự chú ý. Thống kê cho thấy lương trung bình của 1 HLV hạng khá tại Châu Âu tăng hơn 10 lần so với thập niên 1990. Kỷ lục về lương bổng liên tục bị phá vỡ, không phải theo năm, mà theo tháng.
Chỉ vài tháng sau khi Juande Ramos rời Sevilla để đến dẫn dắt Tottenham với mức lương kỷ lục thế giới xấp xỉ 6 triệu euro/năm. Liên đoàn bóng đá Anh FA đã nhanh chóng phá kỷ lục khi trả cho tân HLV Febio Capello đến 8 triệu euro/ năm. Hiện nay Mourinho đang thất nghiệp nhưng nếu quyết định trở lại với bóng đá, nhiều khả năng "người đặc biệt" sẽ vượt qua con số mà FA phải trả cho Capello. Ai cũng biết mục tiêu của Mourinho: dẫn dắt 1 CLB lớn tại TBN hoặc Italia và chỉ chấp nhận lương 10 triệu euro/năm.
Cứ sau mỗi mùa bóng, các HLV lại đứng trước cơ hội được tăng lương 1 lần. Sau nhiều lần gia hạn hợp đồng, lương của HLV Wenger hiện nay đã là 6 triệu euro/ năm, tương tự như con số mà Alex Ferguson nhận ở Manchester United. Schuster nhận hàng năm 4 triệu euro, nhiều hơn đồng nghiệp ở Barcelona là Fank Rijkaard 1 triệu.
Tuy nhiên, lương bổng không góp tiếng nói quyết định trong việc thuê HLV. Có thể bạn đề nghị 1 mức lương ngất trời nhưng chỉ nhận về những cái lắc đầu nguầy nguậy. Chẳng hạn như trong quá trình tìm kiếm người thay Mourinho, Chelsea đã đề nghị cựu HLV đội tuyển Đức Jurgen Klinsmann ký một hợp đồng trị giá 9 triệu euro/ năm nhưng ông này vẫn cự tuyệt. Sau đó, Klinsmann đã quyết định đến làm việc cho Bayern Munich với mức lương chỉ bằng 1/3. Một ví dụ khác, cách đây nửa năm, CLB Olympique Marseille đã đề nghị chiến lược gia người Thuỵ Điển Sven Goran Eriksson ký một hợp đồng với mức lương xấp xỉ 6 triệu euro/năm, tức tương đương với mức mà FA trả cho Eriksoon khi ông còn đương chức HLV đội tuyển Anh. Thế nhưng Eriksson chỉ muốn làm việc tại Anh và ông đã nhận lời dẫn dắt Manchester City với mức lương chỉ bằng phân nửa. Còn rất nhiều những trường hợp như thế. Lương bổng quan trọng nhưng nó chưa phải là tất cả trong thế giới bóng đá luôn biến đổi từng ngày.
4. Thế nhưng cũng không thể phủ nhận một điều, lương của các HLV đã biến họ trở thành một tầng lớp khác trong xã hội. Hiện nay, lương của HLV đã ngày càng nhích lại gần hơn với lương của các cầu thủ triệu phú.
Một vài so sánh cho sinh động: HLV người Pháp Alian Perrin của Olympique Lyon hiện nay nhận 2 triệu euro/ năm tức hàng tháng Perrin sẽ bỏ túi trên 166.000 euro. Lương của Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy chỉ bằng con số lẻ của Perrin (ông nhận 6.600 euro/tháng). Lương của Tổng Thống Nga sắp mãn nhiệm Vladimir Putin chỉ nhận được bằng... 1/33 lương của Hiddink (4.860 euro/tháng). Nhà nước Đức trả cho Thủ tướng Angela Merkel hàng tháng 21.800 euro trong khi HLV Ottmar Hitzfeld của đội Bayern Munich nhận được đến 166.000.
Thủ tướng Italia Romano Prodi nhận lương Thủ tướng, lương nghị sĩ và lương Bộ trưởng 1 lúc được có 18.800 euro/tháng. Có nghĩa là ông Prodi có lao tâm khổ tứ, cực nhọc bao nhiêu thì đến 2 năm sau, ông mới kiếm đủ số tiền mà HLV Roberto Mancini của đội Inter Milan nhận trong... 1 tháng. Vị nguyên thủ quốc gia được trả lương cao nhất là Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore (600.000 USD/năm), nhưng nếu so với các HLV, lương của ông chưa lọt được vào top 20!
5. Nếu bạn là HLV giỏi, đừng ngại chuyện thất nghiệp hay bị sa thải. Bởi 2 vấn đề này vẫn luôn xảy ra trong bất kỳ ngành nghề nào trong cuộc sống. Trong bóng đá, khi bị sa thải, bạn có thể mất đi chút tiếng tăm nhưng số tiền đền bù sẽ không nhỏ chút nào. Khi Chelsea quyết định sa thải HLV Jose Mourinho, ông này đã nhận được tiền đền bù hợp đồng đến tận 2010 trị giá 5,2 triệu bảng Anh (gần 7 triệu euro). Với số tiền ấy, Mourinho ung dung đi khắp nơi trên thế giới và chờ 1 đề nghị phù hợp để trở lại băng ghế huấn luyện. Sevilla sau khi chia tay HLV Juande Ramos đã móc nối với Mourinho nhưng bị "dội 1 gáo nước lạnh" vì ông này khẳng định sẽ không làm việc nếu lương dưới 10 triệu euro/năm. Người cần Mourinho thì nhiều nhưng người đáp ứng được đề nghị của Mourinho thì ít. Nhưng HLV tầm cỡ như Mourinho thì không thể thất nghiệp dài dài được. Muộn nhất là cuối mùa bóng này, đầu mùa bóng mới ông ta sẽ đến 1 CLB của Italia hay Tây Ban Nha gì đấy. CLB nào chưa rõ, chỉ biết 1 điều chắc chắn: Mourinho sẽ là người được trả lương cao nhất trong giới HLV và cầu thủ. Những kỷ lục về tiền lương chắc chắn sẽ không thể tồn tại lâu!
Làm HLV tại Châu Âu sướng thật!
Theo xaluan.com