Không muốn cho con học khối C vì sợ nghèo

Thứ 2, 28/08/2023 | 16:57 GMT+7

Chị họ tôi lo lắng khi đứa con trai sắp lên lớp 11 bày tỏ nguyện vọng muốn chọn ôn luyện các ngành học thuộc khối C.

"Cháu đang học lớp ban A nhưng không hiểu sao rẽ ngang khối C, cô giúp chị với".

Ảnh minh họa.

Theo tôi tìm hiểu, sự lo lắng đến từ hai vấn đề:

Thứ nhất, chị sợ mang tiếng khi có con học khối C, không dám khoe vì bao năm nay rất nhiều người có thành kiến "không học nổi khối A mới học khối C", "chỉ cần học thuộc lòng là làm được bài khối C, còn khối A không biết làm thì bỏ giấy trắng".

Thứ hai, chị quá ám ảnh quá trình kiếm việc của khối C rất khó khăn, hầu như chỉ thích hợp cho các em học sinh nữ, muốn làm cô giáo. Ngành nghề và công việc khối C ít có sự lựa chọn, tiền kiếm được không nhiều.

Với một người mẹ lo lắng cho tương lai của con, tâm lý này xuất hiện cũng đúng thôi. Ngay cả thời đi học, tôi luôn ngưỡng mộ những bạn học giỏi khối A và cố gắng học tốt những môn này. Kỳ thi năm đó, tôi thi hai khối A, C với sáu môn khác nhau. Ai biết cũng nói tôi "điên".

Ngày nhận kết quả, tôi đậu cả hai khối, nhưng quyết định học trường khối C vì mong muốn trước giờ của tôi vẫn là đi sâu, tìm hiểu con người. Tôi chọn ngành Khoa học Xã hội - Nhân văn là vì thế.

Khi trưởng thành, tôi nhận ra học khối A hay khối C cũng để mục đích kiếm được việc làm và hơn hết có thể theo đuổi ngành nghề mà mình yêu thích. Các bạn bè đại học của tôi có những công việc viết bài quảng cáo cho các nhãn hàng và kiếm được rất nhiều tiền.

Những người bạn khác khoa đại học của tôi ở ngành Tâm lý học, đang hái ra tiền khi tư vấn tâm lý cho khách hàng với giá thấp nhất cả triệu đồng một giờ. Đây là một ngành rất tiềm năng khi nhiều người bị stress, cần có nhu cầu chia sẻ.

Đó là chưa kể những việc freelancer như viết bài PR cho các công ty quảng cáo, cho đến viết kịch bản, viết sách... mà dân khối C có thể làm tốt. Đâu phải cứ học khối A, B thì mới đạt được thành công và giàu có.

Chúng ta không nên đánh giá thấp những ngành học thuộc khoa học xã hội. Mỗi ngành đều mang lại những giá trị và cơ hội riêng, và mọi lựa chọn đều có thể dẫn đến thành công nếu ta có sự đam mê và nỗ lực. Với tinh thần này, chúng ta cần thay đổi quan niệm và đối xử công bằng với tất cả các ngành học. Mỗi ngành đều có vai trò quan trọng trong xã hội, góp phần vào sự phát triển riêng của mỗi người.

 

Chia sẻ

Tư vấn hướng nghiệp online


TOP VIEW