Năm 2030, Việt Nam thiếu hơn 200.000 nhân lực ngành Logistics

Thứ 4, 25/10/2023 | 16:43 GMT+7

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu hơn 200.000 nhân lực ngành Logistics.

Sinh viên Trường Cao đẳng Hàng hải I thực hành ngành Logistics tại doanh nghiệp. Ảnh: Lương Hạnh.

> Trường nào đào tạo tốt ngành logistics

> Ngành quản trị Logistics 

Việt Nam sẽ thiếu hơn 200.000 nhân lực

Ông Lê Tấn Dũng - Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết hiện nay, phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là một trong ba chiến lược mang tính đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế.

Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% và quy mô 40 - 42 tỉ USD/năm, Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam; được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu.

Hiện các nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hoá đang ngày càng tăng. Lĩnh vực này đang tiếp tục có những nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là để đáp ứng xu hướng số hoá.

Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỉ trọng đóng góp của dịch vụ Logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ Logistics đạt 15%-20%, chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.

Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) chia sẻ: Theo tính toán, tới năm 2030, Việt Nam sẽ thiếu hơn 200.000 nhân lực. Vì vậy, việc xây dựng năng lực lao động và gắn kết doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đặt ra rất bức thiết.

Australia hiện đang hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam để đạt những kết quả quan trọng, đặc biệt là xây dựng mô hình do doanh nghiệp dẫn dắt trong giáo dục nghề nghiệp.

Mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo

Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) nhận định, tại Việt Nam hiện vẫn đang có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề, nhất là ở những ngành nghề mới, đòi hỏi lực lượng nhân lực có kỹ năng như Logistics hay gần đây là chíp bán dẫn, khi các doanh nghiệp FDI đang có định hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, hầu như trong lĩnh vực Logistics, hay chíp bán dẫn gần như mới chỉ có vài trường có ngành đào tạo nhưng với số lượng rất ít. Việc mất cân đối trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo dẫn đến mất cân đối cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế.

“Cứ một người đi học đại học thì có khoảng 0,42 người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, tức là cơ cấu đang bị chênh lệch giữa các trình độ đào tạo, dẫn đến một số lĩnh vực, ngành, cấp trình độ đang thừa nhân lực, nhưng nhân lực có trình độ cao trong các ngành sản xuất, dịch vụ cho phát triển kinh tế lại đang thiếu trầm trọng”, ông Độ thông tin.

Riêng với ngành Logistics, ở Việt Nam hiện chỉ có một số trường đào tạo với số lượng ít.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Đức Lợi - Trưởng Ban tuyển sinh, Trường Cao đẳng Hàng hải I (Hải Phòng) đánh giá, ngành Logistics chưa được "Việt hoá" để phụ huynh, học sinh thực sự hiểu đây là ngành gì.

"Ví dụ với các ngành công nghệ ôtô, sửa chữa ôtô, điện tử... nhắc đến tên ngành, người dân đã hiểu ngay ngành này là làm gì. Nhưng ngành Logistics ở Việt Nam vẫn là mô hình mới mẻ; trong khi nhu cầu nhân lực dành cho ngành này càng ngày càng cao" - ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, Trường Cao đẳng Hàng hải I là một trong những cơ sở đầu tiên đẩy mạnh đào tạo ngành Logistics theo mô hình xây dựng kỹ năng do doanh nghiệp dẫn dắt. Mô hình đã đạt được những thành công trong việc trang bị cho sinh viên những năng lực mà thị trường yêu cầu.

"Kể từ khi tham gia vào chương trình Aus4Skills vào năm 2020, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ lớn trong việc đào tạo giảng viên và thí điểm hai mô-đun giảng dạy mới. Hầu hết các sinh viên tham gia khoá đào tạo thí điểm này đều được doanh nghiệp tiếp nhận ngay từ khi chưa tốt nghiệp. 100% sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp với thu nhập cao" - ông Lợi chia sẻ.

 

 

Theo Lao Động

Chia sẻ

Lao động - Việc làm


TOP VIEW