Kỹ sư Điện Công Nghiệp nghiệp thực hiện thiết kế, thi công hệ thống truyền tải điện, đảm bảo hoạt động truyền tải điện ổn định trên toàn hệ thống. Kỹ sư Điện Công Nghiệp còn thực hiện đấu nối để đưa điện từ hệ thống truyền tải vào hệ thống sản xuất, vận hành các máy điện cộng nghiệp và các hệ thống sử dụng điện khác.
Đặc trưng ngành nghề:
- Phân tích hoạt động các hệ thống phát, truyền tải, đặc biệt là phân phối và tiêu thụ điện; hệ thống chiếu sáng; hệ thống chống sét; hệ thống an ninh, an toàn điện. Thiết kế, triển khai, xây dựng, vận hành và bảo trì hệ thống phân phối điện năng khu công nghiệp, khu dân cư; mạng động lực phân xưởng, xí nghiệp; hệ thống chiếu sáng dân dụng và công nghiệp; hệ thống chống sét và nối đất; hệ thống bảo vệ-an ninh, an toàn điện;
- Tính toán, thiết kế, sửa chữa, phát huy hết năng suất và đảm bảo tính năng tối ưu của thiết bị trong hệ thống và tiết kiệm năng lượng;
- Sửa chữa, vận hành và kiểm tra các loại thiết bị điện, máy điện ba pha, máy điện một pha, máy điện một chiều và máy biến áp trong công nghiệp và dân dụng.
Sự phù hợp nghề:
Ngành Điện Công Nghiệp đòi hỏi sức khỏe để đi khảo sát thực tế, tham gia đánh giá chất lượng thi công hệ thống điện. Để trở thành kỹ sư của ngành này, người học cần phải đảm bảo điều kiện để có thể: – Di chuyển khảo sát trên nhiều địa hình phức tạp khác nhau – Di chuyển thi công giữa các hệ thống điện – Tai tay khỏe để có thể thực hiện đấu nối điện.
Kiến thức:
Người học được trang bị kiến thức về nguyên tắc, nguyên lý hoạt động của hệ thống điện công nghiệp. Từ những kiến thức cơ bản đó, người học được tích lũy các kiến thức chuyên ngành để thực hiện thiết kế hệ thống điện công nghiệp, truyền tải điện, phân phối điện, đưa điện đến đơn vị sử dụng. Kiến thức để xây dựng hệ thống điện công nghiệp trong các nhà máy đảm bảo an toàn, chi phí thấp, chất lượng cao. Và để đảm bảo người kỹ sư có thể thiết kế, thi công tốt các hệ thống điện công nghiệp trong các nhà máy, kiến thức về các máy móc sử dụng điện công nghiệp không thể thiếu trong chương trình đào tạo. Dưới đây liệt kê các môn học chuyên ngành của ngành Điện công nghiệp.
Kỹ năng:
- Kỹ năng sử dụng dụng cụ đo, lắp ráp và sửa chữa các thiết bị chiếu sáng. Sửa chữa và quấn mới máy biến áp công suất nhỏ, vận hành, bảo dưỡng và quấn mới động cơ điện một pha, vận hành, bảo trì động cơ điện 3 pha
- Kỹ năng khảo sát, vẽ sơ đồ khai triển dây quấn ; đấu dây vận hành các loại máy điện một chiều và xoay chiều. Kiểm tra và xác định cực tính dây quấn máy điện quay. Kỹ năng quấn dây các loại máy điện quay : Máy điện không đồng bộ 1 pha, 3 pha, động cơ xoay chiều có vành góp.
- Kỹ năng thiết kế, lắp đặt, vận hành mô hình hệ thống cung điện của hộ tiêu thụ, đường dây – trạm biến áp, nhà máy điện và hệ thống bảo vệ relay.
- Kỹ năng đo các đại lượng không mang điện trên cơ sở phương pháp đo điện, ứng dụng trong việc thiết kế và vận hành các hệ thống đo.
- Kỹ năng sử dụng phần mềm Power World Simulator (PWS) và đặc biệt là khai thác các khả năng của công cụ Power System Blockset trong Matlab nhằm mô phỏng các hành vi của hệ thống cung cấp điện trong điều kiện vận hành cũng như sự cố.
- Kỹ năng thiết kế hệ thống điện, mạng điện phân phối, mạng cung cấp điện xí nghiệp công nghiệp, tác dụng của tụ bù dọc và tụ bù ngang, các kiến thức về tính toán kinh tế hệ thống điện.
- Kỹ năng lập trình điều khiển: lập trình vi xử lý cơ bản, PLC cơ bản, lập trình thời gian thực, lập trình giao diện người máy (HMI).
Điều kiện lao động:
- Đối với công nhân xây lắp và vận hành hệ thống điện công nghiệp: làm việc ngoài trời, đôi khi làm việc trên các địa hình phức tạp;
- Đối với kỹ sư vận hành và thiết kế: làm việc tại văn phòng, tuy nhiên cũng phải đi khảo sát thực tế, đôi khi làm việc trên các địa hình phức tạp.
Tiềm năng phát triển:
Hiện nay, hàng năm nhu cầu sử dụng điện không ngừng tăng lên, do đó nhà nước và các công ty điện tiếp tục xây dựng các nhà máy sản xuất điện, phát triển mạng lưới điện. Trong tương lai, tiếp tục phát triển mạng lưới điện, phát triển các nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là xây dựng các nhà máy điện hạt nhân.
Một số địa chỉ đào tạo:
Các bạn có thể theo học ngành Điện Công Nghiệp tại các trường: Trường Đại học Điện Lực, Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Công Nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Công Nghiệp Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh, v.v... Ngoài ra, còn có các trường cao đẳng trung học và dạy nghề Điện Công Nghiệp.
Cơ hội nghề nghiệp và vị trí lao động:
- Làm việc tại nhà máy sản xuất điện
- Làm việc tại các bộ phận quản lý, vận hành, bảo trì mạng lưới điện công nghiệp
- Làm việc cho các công ty xây lắp điện với nhiều vị trí khách nhau như: bộ phân thiết kế mạng lưới điện công nghiệp, bộ phận quản lý - sản xuất thiết bị điện công nghiệp...
- Làm việc tại các nhà máy sản xuất: vận hành và bảo trì mạng lưới điện công nghiệp trong nội bộ công ty.
Trấn Nam - HuongNghiep24h