Ảnh minh họa
Nghề luật là một khái niệm mang tính tương đối, được sử dụng để chỉ nghề nghiệp của những người có kiến thức pháp luật nhất định, đang thực hiện các công việc liên quan đến các mặt khác nhau của đời sống pháp lý tại toà án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan công chúng và một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Một số nghề nghiệp trong ngành luật
Thẩm phán.
Thẩm phán làm việc tại tòa án, được quyền nhân danh Nhà nước để xét xử các vụ án, quyết định những hình thức xử lý thích hợp với các hành vi vi phạm pháp luật. Khi thẩm phán đã ra phán quyết, những người có liên quan phải thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ có cơ quan nhà nước cưỡng chế thi hành.
Kiểm soát viên
Kiểm sát viên làm việc tại Viện Kiểm sát, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng. Vai trò của kiểm sát viên thể hiện rõ nét nhất trong lĩnh vực tội phạm hình sự. Kiểm sát viên có quyền đưa một vụ phạm pháp ra xem xét để xử lý, ra lệnh bắt giữ, tham gia điều tra vụ án, truy tố tội phạm. Tại phiên tòa xét xử án hình sự, kiểm sát viên làm rõ các hành vi phạm tội (buộc tội) và đề xuất hình phạt thích hợp. Còn trong phiên tòa xét xử các loại án khác, kiểm sát viên có chức năng kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của mọi người, kể cả thẩm phán.
Luật sư
Khác với thẩm phán và kiểm sát viên, luật sư hành nghề tự do, không thuộc biên chế của cơ quan Nhà nước. Luật sư không được Nhà nước trả lương mà có thu nhập từ các khoản thù lao do khách hàng trả. Để hành nghề, luật sư có thể thành lập các văn phòng luật sư hoặc công ty luật hợp danh.
Luật sư có hai mảng công việc chính:
- Bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại toà án trong các vụ án hình sự, dân sự và hành chính.
- Tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác theo yêu cầu của khách hàng.
Vai trò của luật sư trong xã hội ta ngày càng được coi trọng. Trong xu thế kinh doanh hiện đại, các doanh nhân đi đàm phán và ký kết hợp đồng cũng luôn cần luật sư đi cùng để tư vấn, đảm bảo ký kết được các hợp đồng có lợi về kinh tế và chặt chẽ về pháp lý.
Công chứng viên
Công chứng viên làm việc tại các phòng công chứng nhà nước. Nhiệm vụ chủ yếu của họ là xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch trong xã hội, xác nhận chữ ký của cá nhân, công chứng các bản sao từ nguyên gốc (bản chính), các bản dịch từ tiếng nước ngoài v.v…
Chấp hành viên
Chấp hành viên làm việc tại các cơ quan thi hành án dân sự. Khi toà án đã ra phán quyết mà một hoặc nhiều bên liên quan không chịu chấp hành, chấp hành viên (bằng các hình thức mà Nhà nước cho phép) buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ của mình.
Ngoài ra còn có một số nghề khác trong lĩnh vực pháp luật như:
- Chuyên viên pháp lý: là những người có bằng cử nhân luật, tham gia các công việc liên quan đến luật pháp tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức v.v...
- Cố vấn pháp lý: là người cố vấn cho ban lãnh đạo cơ quan về các vấn đề chính sách, pháp luật.
- Giáo viên, giảng viên luật: giỏi chuyên môn luật và có khả năng về sư phạm, bạn có thể trở thành giảng viên luật tại các trường đại học, cao đẳng hoặc giáo viên môn giáo dục công dân tại các trường phổ thông trung học.
- Cán bộ nghiên cứu pháp luật: nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến luật pháp, giúp những người xây dựng pháp luật có thể viết được các đạo luật hay, phù hợp; giúp những người thi hành pháp luật áp dụng các quy định pháp luật một cách linh hoạt.
- Điều tra viên: công tác trong cơ quan công an, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để khám phá ra những tình tiết của các vụ án hình sự.
- Thư kí toà án: là người giúp thẩm phán những công việc cần thiết trong việc xét xử các vụ án.
- Thẩm tra viên: làm việc tại các toà án nhân dân tối cao, chuyên nghiên cứu hồ sơ các vụ án đã được xét xử, đề xuất với lãnh đạo xem xét lại các bản án của toà án cấp dưới.
Kiến thức
- Kiến thức chuyên môn
- Am hiểu luật pháp trong nước và quốc tế
- Kiến thức ngoại ngữ, tin học
Kỹ năng
- Kỹ năng tranh tụng của luật sư
- Kỹ năng tiếp xúc và làm việc với khách hàng
- Kỹ năng nói, tốc độ nói, giọng nói, phong thái, tư thế đi lại tại phiên toà
Khả năng
Có bản lĩnh vững vàng
Nghề luật là một nghề vất vả. Có thể bạn sẽ thường xuyên phải tiếp xúc với mặt trái của xã hội. Nhiều khi bạn bị kẻ xấu đe dọa. Nếu không có bản lĩnh vững vàng và cả sự dũng cảm nữa, bạn dễ chán nản và đi đến thất bại. Bản lĩnh vững vàng còn giúp bạn chiến thắng những cám dỗ vật chất, giữ lòng mình thật công tâm.
Có khả năng diễn đạt tốt
Đây là tố chất không thể thiếu của người làm nghề luật. Bạn cũng phải biết cách trình bày vấn đề một cách rành mạch, rõ ràng với những lập luận chặt chẽ để thuyết phục người nghe.
Để có kỹ năng ăn nói, trình bày vấn đề thì ngay từ bây giờ bạn phải luyện tập. Tập thuyết trình về vấn đề nào đó mọi người cùng quan tâm trong các buổi họp lớp, chăm chỉ phát biểu ý kiến xây dựng bài. Và nếu bạn có mắc những tật như nói lắp hay ngọng thì hãy sửa ngay đi nhé! Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên quan tâm đến những vấn đề thời sự để bổ sung nhiều kiến thức xã hội.
Trong cuộc sống hàng ngày, dù ở nhà hay ở trường, nếu bạn luôn được những người xung quanh tin cậy, hỏi ý kiến về các vấn đề khác nhau thì bạn đã có một số tố chất của người làm nghề luật rồi đó. Tuy nhiên, đừng vội nản lòng khi mình chưa có ngay các tố chất cần thiết, bởi vì “Tài năng chỉ có 1% là thiên bẩm còn 99% là sự khổ luyện”
Thái độ
Công bằng, khách quan và trung thực
Muốn làm người bảo vệ công lý thì trước tiên, bạn phải yêu lẽ phải, tôn trọng sự thật và chuộng lẽ công bằng. Đây là tố chất rất quan trọng đối với người hành nghề luật. Làm sao bạn có thể mang lại sự công bằng cho người khác khi bản thân mình thiếu công bằng?
Tính trung thực cần với mọi nghề nhưng với nghề luật thì lại càng quan trọng. Pháp luật là lĩnh vực rộng lớn và phức tạp mà không phải người dân nào cũng hiểu được. Nếu người làm nghề luật không trung thực, không có lương tâm nghề nghiệp sẽ dễ lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để thu lợi cho cá nhân mình.
Có sự mẫn cảm nghề nghiệp, khả năng phân tích, tổng hợp cao
Sự mẫn cảm nghề nghiệp là tố chất quan trọng của thững người làm nghề luật. Khi giải quyết một vụ việc liên quan đến luất pháp, trước hết cần linh cảm được sự thật nằm ở đâu, ai đúng, ai sai. Nhiều người làm nghề luật xuất phát từ niềm tin nội tâm là bị can, bị cáo không có tội đã quyết tâm tìm các chứng cứ gỡ tội và minh oan được cho người vô tội.
Tuy nhiên, nếu chỉ có niềm tin nội tâm thì không đủ. Từ linh cảm ban đầu, những người làm nghề luật phải tìm các chứng cứ, phân tích các sự kiện, đánh giá sự liên hệ giữa những tình tiết, sự kiện và căn cứ vào các quy định của pháp luật để lập luận, thuyết phục người khác.
Một nhà hiền triết đã từng nói “Người bảo vệ công lý phải có một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và một bàn tay sạch".
Trái tim nóng để hiểu về con người, đồng cảm với con người, có những dự cảm đúng về con người. Cái đầu lạnh để phân tích, suy luận các sự kiện một cách khách quan, phán đoán các diễn biến liên quan đến vụ việc một cách tài tình. Còn bàn tay sạch là không tham lam, vụ lợi, giữ lương tâm nghề nghiệp trong sáng. Thật đáng sợ nếu những người làm nghề luật mà có một trái tim lạnh (vô cảm trước nỗi đau của người khác), một cái đầu sạch (không có kiến thức) và một bàn tay nóng. (bẻ bong sự thật để trục lợi, lấy của người làm của mình).
Một số địa chỉ đào tạo
Đào tạo pháp luật cơ bản: Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Khoa Luật Kinh tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), Khoa Luật (Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế), Trường Đại học Cần Thơ v.v...
Tốt nghiệp, bạn có thể trở thành chuyên gia pháp lý, làm việc ở tất cả những nơi có thu cầu. Để được Nhà nước bổ nhiệm vào một số chức danh đặc thù như thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, bạn còn phải trải qua khoá đào tạo nghề tại Học viện Tư pháp với thời gian quy định khác nhau cho từng chức danh.
Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp
Công việc trong ngành luật, đặc biệt là với thẩm phán, luật sư, kiểm sát viên, thư ký tòa án v.v... thường áp lực lớn với khối lượng hồ sơ, tài liệu khổng lồ và những tình huống bất ngờ luôn có khả năng xảy ra. Tùy vào nghề nghiệp cụ thể mà những người trong ngành này có điều kiện làm việc khác nhau.
Theo một báo cáo mới đây, mọi lĩnh vực đều thiếu cán bộ pháp luật. Tính tới năm 2010, ngành tòa án cần thêm khoảng 4.000 thẩm phán, ngành kiểm sát cần thêm khoảng 2.500 kiểm sát viên, nhu cầu xã hội cần thêm hàng chục ngàn luật sư, chưa kể nhiều lĩnh vực hoạt động của ngành công an cần cán bộ có trình độ cử nhân luật. Đây là cơ hội lớn cho những bạn trẻ muốn được tham gia vào ngành này.
Mức thu nhập trung bình
- Nhân viên ngành luật làm việc tại các tòa án, được hưởng lương theo quy đính:
Luật sư mức lương do văn phòng luật sư trả tùy vào việc đóng góp của luật sư. Nhưng không thấp hơn mức lương tổi thiểu do Nhà nước quy định.
Kiểm sát viên có mức lương như đối với công chức hành chính, sự nghiệp, chia làm 3 loại:
. Kiểm sát viên sơ cấp: lương khởi điểm: hệ số 2,34 x 650.000 + phụ cấp 30%
. Kiểm sát viên trung cấp: lương khởi điểm: hệ số 4,4 x 650.000 + 25% phục cấp
. Kiểm sát viên cao cấp: lương khởi điểm: hệ số nhân lương tối thiểu và phụ cấp 20%.
- Mức lương trung bình của luật sư tại các văn phòng luật sư, hoặc luật sư kinh tế tại các công ty tư nhân.
Mới ra trường: 4-6 triệu VND / tháng
. Trên 3 năm kinh nghiệm: Lương trên 10 triệu VND/ tháng
. Trên 5 năm kinh nghiệm: Lương trên 15 triệu VND/ tháng
Thu Thủy - HuongNghiep24h
Tổng Hợp