Ngành Sư Phạm

Thứ 3, 01/10/2013 | 10:54 GMT+7

Theo âm Hán Việt, sư có nghĩa là thầy, phạm là khuôn thước, mẫu mực. Như vậy, theo cách hiểu giản dị nhất, sư phạm có nghĩa là người thầy mẫu mực, khuôn phép, là tấm gương sáng cho học trò noi theo

Ảnh minh họa.

Làm việc trong ngành sư phạm là bạn tham gia vào sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành nghề, lĩnh vực của xã hội.

Ngành Sư Phạm bao gồm các nghề nghiệp như sau:

1. Giảng viên đại học, cao đẳng, trung cấp

Yêu cầu trình độ: Tốt nghiệp Đại học trở lên.

Đặc điểm công việc: Dựa trên lĩnh vực chuyên môn, giảng viên được tổ chức thành các khoa và bộ môn. Chức năng của giảng viên là giảng dạy và chỉ dẫn cho sinh viên bộ môn mình đảm trách, hướng dẫn cho sinh viên làm nghiên cứu khoa học, khóa luận tốt nghiệp v.v... Ngoài ra, tuỳ thuộc vào trình độ, bằng cấp chuyên môn, họ còn tham gia đào tạo cao học, hướng dẫn học viên cao học nghiên cứu khoa học, làm đề tài luận văn, hướng dẫn nghiên cứu sinh v.v...

Giảng viên các trường Đại học, cao đẳng v.v... cũng chiếm một phần quan trọng trong đội ngũ nghiên cứu của một quốc gia, tham gia hoặc chủ trì các đề tài nghiên cứu cấp trường, cấp bộ ngành, cấp quốc gia hoặc khu vực, quốc tế v.v...

2. Giáo viên hướng dẫn tại Trường nghề

Yêu cầu trình độ: Tốt nghiệp các trường dạy nghề, nghệ nhân, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao.

Đặc điểm công việc: Hướng dẫn thực hành tại các trường dạy nghề

3. Giáo viên Trung học cơ sở, Trung học phổ thông

Yêu cầu trình độ :       -     Giáo viên trung học cơ sở: tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên.

                                 -     Giáo viên trung học phổ thông: tốt nghiệp Đại học sư phạm

Đặc điểm công việc: Giáo viên của hai cấp học này được đào tạo chuyên biệt về từng môn học.

Ngoài việc dạy kiến thức, họ còn có nhiệm vụ tìm hiểu, định hướng tương lai nghề nghiệp cho học sinh.

4. Giáo viên tiểu học

Là những người dạy học sinh từ 6 đến 10 tuổi.

Yêu cầu trình độ: Tốt nghiệp các trường trung học sư phạm hay tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm (Khoa Giáo dục tiểu học).

Đặc điểm công việc: Được đào tạo tổng hợp nhiều lĩnh vực như: văn, toán, sử, địa, thể dục, nhạc, hoạ v.v... bởi ở bậc tiểu học không có sự phân biệt chuyên môn. Giáo viên có thể đảm trách công việc giảng dạy nhiều môn học khác nhau.

5. Giáo viên mầm non

Là những người dạy học sinh từ 1 đến 5 tuổi ở các lớp mẫu giáo.

Yêu cầu trình độ: Tốt nghiệp các trường trung học, cao đẳng, Đại học sư phạm mẫu giáo.

Đặc điểm công việc: Không chỉ làm tròn trách nhiệm giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho trẻ nhỏ, giáo viên mẫu giáo còn như người mẹ thứ hai của trẻ. Họ được đào tạo tổng hợp về các kiến thức, kỹ năng khác nhau như: dinh dưỡng, kỹ năng chăm sóc trẻ nhỏ, làm đồ chơi v.v...

Kiến thức

Nghiệp vụ sư phạm sẽ trang bị thêm hệ thống kiến thức về khoa học sư phạm (Tâm lí học, Giáo dục học, Phương pháp nghiên cứu khoa học, Phương pháp giảng dạy bộ môn, Quản lí hành chính nhà nước và quản lí ngành giáo dục - đào tạo) để bạn có đủ kiến thức của nghề sư phạm trước khi được đứng trên bục giảng hoặc tham gia các cấp quản lí trong ngành giáo dục.

Kỹ năng

- Biết nghĩ như... học trò

Để thành công trong nghề sư phạm, người thầy còn phải có khả năng và thói quen đặt mình vào vị trí của học trò, biết nhìn công việc học tập bằng con mắt của học trò.

Về mặt nào đó, nghề dạy học cũng giống với phép cầm quân, muốn thắng lợi thì vừa phải “biết mình”, lại vừa phải “biết người”. Không hiểu học sinh, không thể có sự đồng cảm thầy - trò, cái trạng thái “cộng hưởng” trí tuệ và cảm xúc kỳ diệu bậc nhất mà phải là người trong nghề mới thật thấm thía.

Đạt tới sự đồng cảm đó không dễ dàng gì, nhất là trong một xã hội biến đổi rất nhanh như ở thời hiện tại, và khi bạn cứ ngày một rời xa cái tuổi ngày ngày cắp sách đến trường. Chính vì vậy, người thầy chân chính thường lấy chính học trò làm chuẩn mực cho sự dạy của mình, thay vì coi mình là chuẩn mực cho sự học của trò.

- Biết cách truyền đạt

Trong nghề sư phạm, bạn còn phải quan tâm tới cả vấn đề “thanh sắc” nữa. Vì cũng có một đôi chút giống nhau nào đó giữa một người thầy giáo và một diễn viên: cả hai, đều phải chinh phục đám đông bằng toàn bộ con người mình, từ giọng nói, ánh mắt đến cử chỉ, điệu bộ...

Trên một phương diện khác, bạn lại cần những phẩm chất của một nhà hùng biện. Bạn biết cách lập tức lôi cuốn những cái đầu đang “bay bổng” ở đâu đó vào một chủ đề. Thậm chí, bạn phải là một nhà hùng biện có tài, vì trước mắt bạn không phải là “công chúng” bình thường, mà là những cái đầu còn rất trẻ và phóng khoáng, đôi khi bướng bỉnh nữa. Thu hút sự chú ý thật sự của họ không dễ.

- Biết tạo không khí thoải mãi dễ chịu

Ngay cả những bài giảng đáng lẽ rất hay mà diễn ra trong không khí quá trang nghiêm và mô phạm cũng không còn nhiều giá trị nữa.

Chúng ta thường thích những thầy giáo hài hước và vui tính, biết làm cho những “mớ lý thuyết khô khan” trở nên sinh động và dễ hiểu. Nhưng để làm được điều đó là cả một nghệ thuật.

Một tiết học, nếu bạn không cẩn thận, sẽ trở nên căng thẳng và nhạt tẻ, và điều đó cũng có nghĩa là mọi cố gắng bạn chuẩn bị ở nhà đều trở nên mất công và vô nghĩa. Bài học của bạn sẽ trôi vuột đi bên tai học trò như nước đổ lá khoai.

Khả năng

- Thích giúp người khác hiểu biết

Thầy giáo chân chính phải là người thích dạy, thích giúp người khác hiểu biết, thích giáo dục lớp người trẻ tuổi hơn. Niềm say mê cần thiết trong bất cứ nghề nghiệp nào, lại càng cần trong sư phạm.

Cổ nhân từng ca ngợi những người thầy “dạy không biết chán” (cùng với những học trò “học không biết mỏi”). Một giờ dạy thành công là, và có lẽ chỉ là, giờ dạy mà người thầy thật lòng cảm thấy tha thiết muốn trao gửi cho học trò những điều mà mình biết là cần và bổ ích lắm cho cuộc sống trước mắt hoặc sau này của các em.

Sức chinh phục đích thực của người thầy được làm nên chủ yếu từ tấm lòng chân thành, tha thiết đó, từ tâm huyết của người thầy, chứ tuyệt nhiên chẳng phải từ các xảo thuật bề ngoài giả tạo.

- Giàu lòng bao dung, độ lượng

Lòng bao dung là điều quan trọng hơn hết ở người thầy. Bạn có thể tràn đầy nhiệt huyết, say mê tri thức nhưng thiếu một trái tim nhân từ và độ lượng, biết vì mọi người, biết tha thứ cho những lỗi lầm nông nổi của học trò, bạn sẽ chẳng bao giờ là một người thầy tốt.

Đây chính là một phần trong “cái tâm” của người thầy, là cái gốc tạo nên tình thầy trò quấn quít. Chính lòng bao dung ấy, hơn bất cứ lời lẽ hoa mĩ nào, sẽ dạy các em học sinh biết nhân ái hơn, tin tưởng hơn cuộc sống và tình người.

Mối quan hệ thầy trò đích thực chỉ có thể được xây dựng trên nền tảng của sự chân thành và lòng nhân ái.

Thái độ

- Giàu tình yêu thương, đặc biệt là yêu lớp người trẻ tuổi

Nghề sư phạm sẽ rất bạc bẽo với ai chỉ biết thích bạc tiền và danh vọng, những ai sống vị kỷ và ham tỏ rõ quyền uy (cho dù đó chỉ là quyền uy trước bầy trẻ nhỏ).

Bởi hơn bất cứ một công việc nào khác, với nghề sư phạm, phải giàu tình yêu thương con người thì mới có thể yêu nghề. Điều này càng quan trọng hơn khi đối tượng bạn hướng tới chủ yếu là lớp người trẻ tuổi, cách bạn đôi khi một vài thế hệ với một lối quan niệm khác và suy nghĩ khác.

Thành đạt trong nghề làm thầy giáo, vì thế, chỉ đến với những người muốn hòa vui giữa đám học trò tươi tắn, trong sáng, trẻ trung, muốn được chúng tin cậy, coi là người bạn lớn, trông thấy chúng trưởng thành và đến một lúc nào đó sung sướng nhận ra chúng đã vượt hơn mình.

- Ham học hỏi

Ngoài lĩnh vực chuyên sâu, nghề giáo còn đòi hỏi một kiến thức tổng hợp, vốn văn hóa sâu rộng và nhất là sự học hỏi không ngừng nghỉ, bởi bạn là người được xã hội giao trọng trách truyền đạt tri thức, đào tạo con người.

Với sự phát triển liên tục và mạnh mẽ của các ngành khoa học hiện nay, tri thức của nhân loại luôn được “làm mới” từng giây, từng phút. Ngừng đào sâu, tìm hiểu và cập nhật tri thức mới, nghĩa là bạn đang tụt hậu trong nghề nghiệp.

Một số địa chỉ đào tạo

Nếu bạn chọn học ngành sư phạm, bạn sẽ dễ dàng tìm được cơ sở đào tạo bởi số lượng trường Đại học, cao đẳng sư phạm nước ta hiện nay khá lớn và có mặt ở cả ba vùng Bắc, Trung, Nam. Tuy nhiên, điểm thi vào trường sư phạm thường cao hơn các trường khác.

Điều kiện làm việc và cơ hội nghề nghiệp

Trong ngành sư phạm, bạn có thể làm việc tại:

+  Hệ thống các trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, cao đẳng, Đại học trong cả nước.

+  Các cơ quan quản lý giáo dục từ Trung ương đến địa phương như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở, Phòng, Ban Giáo dục tại các địa phương trong cả nước.

+  Các tổ chức, trung tâm trong và ngoài nước về giáo dục...

Đây là nghề thường đòi hỏi bạn phải được đào tạo chính quy trong trường sư phạm hoặc có chứng chỉ sư phạm. Với phái nữ, đây là một trong những sự lựa chọn được ưu ái nhất bởi có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, ít va chạm với những bon chen của xã hội.

Cùng chính sách xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, số trường lớp ở nước ta không ngừng tăng trong tháng năm qua dẫn đến nhu cầu tuyển dụng giáo viên lớn. Hiện nay, bậc lương của nhà giáo là một trong những thang, bậc lương cao nhất trong hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, do số lượng người theo học ngành này thường đông nên cạnh tranh tuyển dụng khá gay gắt.

Mức thu nhập trung bình

Giảng viên, cao đẳng , trung cấp: Mức lương trung bình từ 5-8 triệu VND/ tháng

Giáo viên trường nghề: Mức lương trung bình từ 4-6 triệu VND/ tháng

Giáo viên THCS, THPT: Mức lương trung bình từ  2.5 – 5 triệu VND/ tháng

Giáo viên tiều học:  Giai đoạn 2013-2020, mức lương tối thiểu dành cho giáo viên tiểu học trong cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức chính trị xã hội sẽ có ba phương án là 2.000.000 đồng/tháng, 1.680.000 đồng/tháng và 3.150.000 đồng/tháng.

Giáo viên mầm non: Mức lương trung bình từ 2-4 triệu VND/ tháng.

 

Thu Thủy - HuongNghiep24h

Tổng Hợp

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp


TOP VIEW