PGS.TS Bahr Weiss, ĐH Vanderbilt (Mỹ), hiện là chủ nhiệm dự án “Phát triển nghiên cứu và đào tạo tâm lý học lâm sàng ở Việt Nam”, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng cho chương trình Thạc sĩ tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên ở trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Một chuyên gia hỗ trợ tâm lý hay chăm sóc sức khỏe tâm thần khác với một người bạn hay một người thân. Một người bạn với bạn là mối quan hệ cá nhân. Nhưng nhà tâm lý là một chuyên gia được đào tạo theo một cách nào đó để hỗ trợ người khác trải qua những vấn đề khác nhau trong cuộc sống của họ một cách có hiệu quả”.
Dịch vụ tâm lý ở Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây phát triển nhanh chóng và trở nên muôn hình vạn trạng, từ hình thức cung cấp, người làm tâm lý, chi phí cho đến địa điểm hành nghề. Hình thức cung cấp có thể là đến tận nhà làm việc với trẻ như một số sinh viên tâm lý đã và đang làm, thường là các trẻ có vấn đề về hành vi, chậm phát triển, tự kỷ. Tuy nhiên hình thức phổ biến nhất vẫn là tư vấn thông qua các tổng đài điện thoại.
Tư vấn hay trị liệu trực tiếp thì ít phổ biến hơn, chủ yếu ở các chuyên khoa bệnh viện, phần vì nhu cầu ít hơn, nhưng chủ yếu là rất ít người tự tin về đào tạo, trình độ chuyên môn hay kinh nghiệm để dám “đương đầu” trực tiếp với thân chủ.
Một hình thức của hỗ trợ tâm lý khác đang phát triển rất nhanh và nhu cầu cực lớn là tư vấn tâm lý trong trường học, hay tham vấn học đường. Từ một số trường đầu tiên có phòng tham vấn học đường như Đinh Tiên Hoàng (ra đời năm 2005), Nguyễn Tất Thành (thành lập năm 2009) và khảo sát của trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho thấy 63,7% trường mong muốn có phòng tư vấn tâm lý học đường tại trường mình và nhiều trường đang tiến hành triển khai.
Nhìn chung, bức tranh chung của dịch vụ tâm lý hiện nay ở nước ta cho thấy một sự nhanh nhạy, năng động.
Tuy nhiên, người thực hiện phần lớn các dịch vụ tâm lý này có nền tảng đào tạo là từ rất nhiều ngành khác nhau như luật, báo chí, văn học, lịch sử, sư phạm….; tức là tay ngang chứ không phải là được đào tạo, có chuyên môn sâu. Thậm chí, tư vấn tâm lý còn được coi như một nghề tay trái của một số “chuyên gia”, ngày là giáo viên kỹ năng sống, tối là “chuyên viên tư vấn” bằng cách thuê giờ của 1 nhánh trên tổng đài.
Nghề tâm lý không đơn giản chút nào!
Nguy cơ tiềm ẩn
Về lý thuyết, ngay cả chuyện học tâm lý giáo dục mà ra làm trị liệu hay tư vấn tâm lý cũng đã bị coi là “phạm quy”. Vậy nhưng thực tế cho thấy ngành tâm lý trị liệu hiện nay có nền tảng đào tạo của cán bộ tư vấn đa dạng nhất, từ luật, báo chí, văn học, lịch sử, sư phạm… cho đến những ngành gần như xã hội học, giáo dục đặc biệt, công tác xã hội, tâm lý giáo dục và tâm lý học.
Một chuyên gia tư vấn giấu tên của 1 tổng đài tư vấn tâm lý chia sẻ: “Trong số gần chục cán bộ tư vấn tại tổng đài tại nơi tôi làm việc, chỉ có duy nhất người giám sát là giám đốc chuyên môn nhưng cũng không phải học chuyên ngành tâm lý ra mà chỉ là có kinh nghiệm tư vấn nhiều trước đó. Bản thân tôi thấy không tự tin, run, không biết phải trả lời thế nào, bị động, hỏi lung tung, đi theo vấn đề của khách hàng… còn các đồng nghiệp của tôi thì ít được tập huấn, chia sẻ chuyên môn, người sau nhìn người trước học kinh nghiệm… trong khi khách hàng phải trả 1 số tiền không nhỏ cho mỗi phút”.
Chưa kể, ngay cả những người được đào tạo chính quy ngành tâm lý học, mới ra trường thì trình độ cũng vẫn còn rất hạn chế. Theo nhận định của NCS Trần Văn Công, ĐH Vanderbilt, Hoa Kỳ, “Không có nhiều người làm tâm lý ở Việt Nam được đào tạo một cách phù hợp và bài bản để có thể thực hành tư vấn hay trị liệu tâm lý tốt, khi họ đi làm thì cũng ít có cơ hội tập huấn chuyên môn sâu hơn, hoặc được giám sát một cách phù hợp, vì cũng không có người giám sát, kể cả được tập huấn chuyên môn thì rời rạc,đơn lẻ, không mang tính kết nối hay hệ thống”.
Khi người làm không chuyên, không được đào tạo tốt về chuyên môn và đạo đức, họ dễ phạm phải những sai lầm gây tổn thương, thậm chí gây hại cho khách hàng.
Một “chuyên gia” tâm lý được đào tạo chính quy thừa nhận: “Khi gặp thân chủ, nhiều khi không nhận định được rõ ràng là thân chủ của mình đang mắc phải rối loạn gì. Tôi thường có xu hướng cho lời khuyên, cố đi vào giải quyết vấn đề cho thân chủ… và rơi vào bế tắc. Kết quả là không xác định là cần bao nhiêu buổi trị liệu, làm vô định…”.
Rõ ràng, với tình trạng các chuyên gia tư vấn, trung tâm tư vấn nhiều, mang tính tự phát như “nấm mọc sau mưa” và không được sự kiểm soát về chất lượng bởi bất cứ một tổ chức nghề nghiệp hay cơ quan nhà nước nào, dịch vụ trị liệu tâm lý đang đứng trước một nguy cơ lớn: đó là nguy cơ gây mất niềm tin ở người dân đối với dịch vụ này!
Theo Dân Trí