Trả lời phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết, hiện học sinh còn một năm rưỡi nữa là phủ hết chương trình giáo dục phổ thông mới.
Do vậy, đề thi năm 2025 sẽ có thay đổi về hình thức, cấu trúc, định dạng để phù hợp với định hướng đánh giá năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông mới đang hướng tới.
Cũng theo ông Hà, không phải trước đây đề thi tốt nghiệp THPT không có đánh giá năng lực nhưng theo chương trình mới, tỷ lệ này sẽ tăng lên để phù hợp hơn.
Về định dạng, ông Hà cho biết đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có thêm hai định dạng trắc nghiệm mới.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Ảnh: Bộ GD&ĐT).
"Hiện các câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi tốt nghiệp THPT của chúng ta đang ở định dạng nhiều lựa chọn, trong đó chủ yếu 4 lựa chọn và lấy một phương án đúng.
Thế nhưng ở đề thi tốt nghiệp THPT sắp tới sẽ có thêm hai định dạng trắc nghiệm mới và các em sẽ thấy trong đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT sắp sửa công bố tới đây", ông Hà cho hay.
Lý giải vì sao Bộ GD&ĐT đưa ra các định dạng trắc nghiệm mới, ông Hà cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung vào các năng lực quan trọng, phù hợp với định hướng nghề nghiệp giai đoạn THPT như giải quyết vấn đề và sáng tạo, tính toán, năng lực ngôn ngữ.
Do vậy, định dạng đề thi được nghiên cứu xây dựng theo hướng kế thừa những ưu điểm của đề thi trước, đồng thời đổi mới để phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực.
Hiện, trừ ngữ văn, đề thi các môn còn lại được ra dưới dạng trắc nghiệm, chọn một trong bốn phương án.
Do đó, Bộ GD&ĐT nghiên cứu thêm một số dạng thức trắc nghiệm mới, các câu hỏi mở yêu cầu câu trả lời ngắn, nhằm đánh giá thêm được một số năng lực khác của thí sinh.
Ông cũng nhận định mỗi dạng thức đề thi đều có ưu nhược điểm, cần tính toán kỹ lưỡng về tính khả thi.
Ngoài ra, Bộ này dự kiến xây dựng định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trong khoảng tháng 10-11, sau đó thử nghiệm ở một số địa phương.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2023 (Ảnh: Hải Long).
Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc có tranh cãi về đề thi vài năm qua, ông Hà cho rằng, một kỳ thi với hàng triệu thí sinh, với nhiều môn, đòi hỏi sự chuẩn bị quy trình rất kỹ lưỡng.
Vì thế, Bộ GD&ĐT luôn rút kinh nghiệm sau mỗi kỳ thi, cố gắng hạn chế tối đa những sai sót có thể xảy ra.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức với 6 bài thi, gồm toán, văn, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) hoặc khoa học xã hội (sử, địa, giáo dục công dân).
Trước đó, dự thảo phương án thi năm 2025 đã được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến xã hội từ ngày 17/3 đến ngày 17/5.
Sau khi tổng hợp đến hết tháng 5/2023, trên hòm thư góp ý về dự thảo phương án thi có tổng số 25 email góp ý với một số quan điểm, nội dung đề cập đến môn thi, nội dung, hình thức thi.
(Theo Dân Trí)