Những nghề không ưu ái phụ nữ

Thứ 2, 21/10/2013 | 16:33 GMT+7

Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ có thể tự tin lựa chọn bất cứ nghề nghiệp nào dựa trên tài năng và mơ ước của bản thân. Nhưng thực tế đã chứng minh, có không ít những nghề không hề ưu tiên phụ nữ...

Những công việc thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin đã hơn hai năm nay, Mai (Tân Phú - TP Hồ Chí Minh) vẫn đang lận đận tìm hướng đi cho sự nghiệp của mình. Trải qua rất nhiều công việc: lập trình viên, Seo, làm Code web, làm IT riêng cho công ty thương mại... cô nhận ra rằng: những công việc bên IT dành rất ít cơ hội cho phái nữ.

Khi còn làm lập trình viên, Mai cảm thấy sức khỏe của mình không thể đảm bảo cho công việc và chắc chắn không cạnh tranh được với các đồng nghiệp nam. Làm việc thường xuyên 14 đến 15 tiếng một ngày bên máy tính cộng với những lúc làm qua đêm là chuyện cơm bữa khiến Mai sụt cân khủng khiếp. Sức khỏe đi xuống, nhan sắc tàn phai, mặt nổi mụn, da dẻ xanh xao khiến cô không dám bám trụ tiếp với công việc.

(Ảnh minh họa)

Một vấn đề nữa không ai nói ra nhưng khi liên quan đến mảng IT thì nam giới thường được đánh giá cao hơn phụ nữ. Để làm công việc này, các nữ IT thường phải cố gắng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với các đồng nghiệp nam.

Hồi trước trong công ty cũ của Mai có rất ít nhân viên nữ. Làm việc giữa rất nhiều các đồng nghiệp nam mà công việc liên quan chủ yếu đến thế giới mạng, không ít lần cô bị quấy rối. Nhẹ thì là những lời đùa cợt thô thiển, nặng hơn nữa là những hành đồng sàm sỡ "giả vờ vô tình"... Còn chuyện thường xuyên được mời xem ảnh, xem phim nhạy cảm là chuyện thường. Tuy đã biết cách "xù lông nhím" tự bảo vệ khiến cho các nam đồng nghiệp hết dám trêu đùa nhưng Mai sợ tình trạng này kéo dài khiến cô "vô cảm" luôn với đàn ông.

Bây giờ Mai mới thấm thía lời khuyên của mẹ cô khi cô hớn hở khoe giấy báo đỗ đại học ngành công nghệ thông tin: "Là con gái thì nên chọn ngành nghề nhẹ nhàng nữ tính một chút sau này dễ sống con à".

Khối ngành kỹ thuật

Khi còn là sinh viên xây dựng, Hằng ôm bao mơ ước về tương lai cộng thêm những lời khen kiểu như "Con gái kỹ thuật rất cá tính, học rất siêu" khiến cô luôn tự hào bay bổng để vượt qua 5 năm đại học gian khổ. Nhưng khi ra trường thực tế phũ phàng khiến cô bị sốc.

Đầu tiên, cô hăm hở lao ra công trường thi công với chức danh kỹ sư trong ban chỉ huy công trình. Nắng gió bụi bặm công trường khiến nhan sắc xuống cấp thảm hại. Rồi những đêm trực đổ bê tông, những trưa nắng rát không có chỗ nghỉ ngơi khiến sức khỏe thanh niên cũng phải đi xuống. Thậm chí chỗ "giải quyết nỗi buồn" ở công trường cũng không có. Đồng nghiệp nam thì dễ rồi, tiện đâu đứng đó, chỉ riêng Hằng là khổ sở. Lắm lúc tủi thân phát khóc.

Con người ở công trường xây dựng hồn hậu, thật thà nhưng đôi khi Hằng cũng không tránh khỏi những lời trêu ghẹo quá đà do quá ít "bóng hồng" ở đây. Cuối cùng suy đi tính lại, không trụ nổi ngoài công trường, Hằng xin về làm việc tại văn phòng công ty.

Nhưng sau một thời gian làm việc, Hằng nhận ra để thăng tiến trong một môi trường toàn nam giới thật sự rất khó khăn. Mà xét ra, so với các đồng nghiệp nam cô cũng luôn thua kém về nhiều thứ: sức khỏe, khả năng đi công tác, thời gian làm thêm... Bây giờ, cô bằng lòng với vị trí nhân viên quèn của phòng kế hoạch để có nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Nhiều bạn bè của Hằng tốt nghiệp các trường kỹ thuật như Bách Khoa, Thủy Lợi, Kiến trúc... đều gặp phải những vấn đề tương tự. Cũng có một số thành công trong công việc nhưng khá ít ỏi và phải chịu nhiều áp lực.

 

Hoàng Cường/Theo TTVN

Chia sẻ

Lao động - Việc làm


TOP VIEW