Phương án thi 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp giảm áp lực

Thứ 6, 03/11/2023 | 08:26 GMT+7

Số môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đang là chủ đề được giáo viên, học sinh và chuyên gia trên cả nước tranh luận sôi nổi bởi mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm riêng. Hiện nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ phương án 2+2 - tức thí sinh thi 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn.

Nhiều học sinh ủng hộ phương án 2+2 trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: Hà Phương

Gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vẫn chưa chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Song nhiều giáo viên, học sinh ủng hộ phương án thi 2+2.

Em Thanh Huyền - học sinh lớp 11 Trường THPT Mỹ Đình (Hà Nội) - mong muốn số môn thi tốt nghiệp ít nhất có thể. Nữ sinh cho rằng, việc thi 4 môn (2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn) sẽ giúp giảm áp lực thi cử và có thêm thời gian học các môn phục vụ cho ngành nghề lựa chọn trong tương lai.

Chờ đợi thời gian công bố phương án thi tốt nghiệp THPT 2025, Thanh Huyền chia sẻ: “Vì chưa chốt phương án nên kế hoạch học tập của em cũng không được rõ ràng. Em cảm thấy lo lắng vì thời gian ôn tập đang dần rút ngắn, vì vậy phương án 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn sẽ hợp lý nhất, giảm tải áp lực cho chúng em".

Cô Trần Triệu Hà Linh - giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn - cũng ủng hộ phương án thi 2+2. Bởi việc thi 4 môn không gây mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh.

Theo cô Linh, phương án này phù hợp với định hướng nghề nghiệp của thí sinh, tạo điều kiện cho các em dành thời gian ôn tập các môn lựa chọn liên quan đến ngành học trong phương thức tuyển sinh. Đồng thời giúp học sinh phát huy tốt năng lực sở trường, thuận lợi cho việc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào các trường đại học.

Môn thi bắt buộc chỉ cần Toán và Ngữ văn

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 ủng hộ phương án 2+2. Ông cho rằng, phương án này phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GDĐT nêu lên, nhất là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội: “Gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh”.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam - cũng ủng hộ phương án 2+2 với 2 môn Toán, Ngữ văn là môn thi bắt buộc.

“Quan điểm của tôi không phải học gì thi nấy mà phải để cho học sinh lựa chọn. Với môn Lịch sử, không phải thi thì các em mới yêu đất nước, hiểu lịch sử, mà cần trau dồi trong quá trình học. Còn môn Ngoại ngữ, trước đây chúng ta đề cao môn này để hội nhập nhưng thực tế cho thấy kết quả chưa thực sự khả quan. Nhiều em học chỉ để đối phó và phục vụ cho việc thi chứ không phải học để rèn luyện phát triển 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết” - TS Tùng Lâm nhận định.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, phương án 2+2 là phương án tốt nhất ở thời điểm hiện tại và không lo ngại về việc không thi học sinh sẽ không học. Bởi lẽ, ngay từ khi vào THPT, các em đã được lựa chọn các môn yêu thích, phù hợp với năng lực sở trường và đáp ứng ngành nghề mà các em chọn ở trường đại học.

TS Tùng Lâm cũng nhấn mạnh, việc chọn môn thi cần gắn với định hướng nghề nghiệp của các em. Bộ GDĐT và các trường đại học cần thống nhất về mã ngành nghề tuyển sinh trong khuôn khổ nhất định chứ không nên rải các tổ hợp theo kiểu mỗi khoa, mỗi trường như hiện nay để học sinh THPT phải chạy theo, làm khó cho các em lựa chọn môn học phù hợp khi vào lớp 10.

 

 

Theo Thanh Hằng (Lao Động)

Chia sẻ

Tin tức - Sự kiện


TOP VIEW