Còn 3 tháng nữa mới diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 nhưng hiện nhiều trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM bắt đầu nhận hồ sơ, thậm chí công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm bằng phương thức học bạ. Dù phương thức này không mới nhưng nhiều chuyên gia vẫn khuyên thí sinh cần cẩn trọng để tránh trượt oan vì chủ quan trúng tuyển sớm.
ThS Vũ Thị Vân, Phó khoa Kinh tế và Quản trị, trường Đại học Thái Bình đánh giá, xét tuyển sớm là chủ trương tốt giúp tạo tâm lý thoải mái, giảm áp lực thi cử cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời giúp các trường đại học chủ động tìm kiếm được nguồn tuyển sinh phù hợp với yêu cầu.
“Trước khi đăng ký xét tuyển sớm, thí sinh nên theo dõi, đọc và nắm kỹ thông tin tuyển sinh được công khai trên các phương tiện truyền thông hoặc website chính thức của nhà trường. Nếu còn gì thắc mắc, hãy gọi cho bộ phận tư vấn để được giải đáp", bà Vân.
Thí sinh cần cẩn trọng với các phương thức xét tuyển sớm vào đại học để tránh "trượt oan".
Theo bà Vân, từng có nhiều thí sinh chủ quan sập 'bẫy' đỗ xét tuyển sớm mà bỏ bê việc học và trượt tốt nghiệp THPT, không đủ điều kiện để xét tuyển và xác nhận nhập học. Thí sinh cần cẩn trọng khi đăng ký tham gia dự tuyển sớm bằng phương thức xét học bạ, ngay cả khi đã được công bố trúng tuyển.
Vị này cũng khuyến cáo thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm là cơ hội nhưng nếu lựa chọn không chính xác ngành học, bản thân thí sinh sẽ dễ mất phương hướng trong tương lai.
Đưa ra lời khuyên với các thí sinh chọn suất vào đại học sớm, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa lưu ý, thí sinh phải lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, đặc biệt chú ý tới ngưỡng điểm đầu vào của từng ngành, khối ngành.
“Ví dụ, ở trường Đại học Phenikaa có các ngành thuộc khối ngành Khoa học sức khỏe. Thông thường sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sức khỏe. Nếu xét tuyển sớm, các em cũng phải lưu ý ngưỡng điểm sàn này để xác định, bản thân liệu có đủ điều kiện nộp hồ sơ hay không”, PGS Khánh nói.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong công tác tư vấn tuyển sinh, PGS Nguyễn Phú Khánh cho rằng thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Khi chọn ngành, trước hết nên chọn ngành mình thấy yêu thích bởi nếu thích, dù sau này có gặp khó khăn các em vẫn có đam mê để theo đuổi đến cùng. Nhưng nếu chọn ngành mình không thích, chỉ cần một chút thử thách cũng rất dễ nản lòng.
Ngoài ra, thí sinh cũng nên chọn ngành bản thân có năng khiếu, đồng thời xem xét cơ hội phát triển của ngành đó ở thị trường hiện tại.
Theo Phó hiệu trưởng trường Đại học Phenikaa, khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, nếu nguyện vọng trúng tuyển sớm là nguyện vọng thí sinh yêu thích nhất, hãy đặt lên nguyện vọng 1, khi đó thí sinh chắc chắn sẽ trúng tuyển. Trường hợp lựa chọn xếp những nguyện vọng khác lên vị trí ưu tiên hơn thì các trường vẫn đảm bảo quyền lợi của thí sinh ở nguyện vọng xét tuyển sớm.
Thông tin về phương án tuyển sinh đại học năm 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, quy chế tuyển sinh đại học về cơ bản giữ ổn định, các phương thức xét tuyển của các trường đại học nhìn chung cũng không thay đổi nhiều so với năm trước. Nếu có, chủ yếu các trường cũng chỉ điều chỉnh thêm, bớt phương thức hoặc thay đổi cách thức xét trong một phương thức cụ thể cho phù hợp hơn.
Về việc xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, thí sinh dù trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng đó lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT, nếu không kết quả trúng tuyển sớm sẽ không có giá trị. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Khi đó, thí sinh không bắt buộc phải xác nhận nhập học bằng xét tuyển sớm nhưng vẫn đảm bảo việc trúng tuyển phương thức này, đồng thời vẫn có thể tăng thêm cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác.
Những năm gần đây, các phương thức xét tuyển sớm ngày càng được nhiều trường đại học sử dụng trong tuyển sinh. Chỉ riêng năm 2023, cả nước có 214/322 cơ sở đào tạo xét tuyển sớm, trong đó xét tuyển từ kết quả học tập cấp THPT chiếm 30,24%, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy chiếm 2,57%, các phương thức khác (bao gồm 12 phương thức) chiếm 14,1%.
Theo VTC News