Từ 2025, Bộ GD&ĐT dự kiến siết xét tuyển bằng học bạ

Thứ 2, 25/11/2024 | 08:02 GMT+7

Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025 yêu cầu các đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12.

>>> Năm 2025, dự kiến bỏ cộng điểm nghề khi xét tốt nghiệp THPT

Trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non sửa đổi, Bộ GD&ĐT dự kiến bổ sung điều kiện xét tuyển bằng học bạ.

Bộ yêu cầu việc xét học bạ phải bằng tổ hợp gồm ít nhất ba môn, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với trọng số ít nhất một phần ba tổng điểm. Một ngành, chương trình đào tạo có thể sử dụng đồng thời một số tổ hợp môn. Khi đó, số môn chung của các tổ hợp phải có trọng số đánh giá chiếm ít nhất 50% tổng điểm.

Các trường có thể sử dụng không giới hạn tổ hợp xét tuyển, thay vì chỉ được dùng 4 tổ hợp như hiện nay, nhưng bị ràng buộc về trọng số điểm của các môn.

nhung van de can luu y 2 8924

Bộ GD&ĐT dự kiến siết xét tuyển học bạ từ 2025. (Ảnh minh hoạ)

Bộ cũng yêu cầu các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay. Nếu điều này thành hiện thực, đại học không thể xét tuyển bằng học bạ và công bố điểm chuẩn từ tháng 3 như hiện nay.

Dự thảo tiếp tục cho phép các trường tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Nhưng, dự thảo quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm của các trường không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung.

Các trường tổ chức xét tuyển cho những thí sinh đã hoàn thành thủ tục dự tuyển, công bố công khai danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển. Đồng thời, số lượng thí sinh được thông báo trúng tuyển không vượt chỉ tiêu xét tuyển sớm đã công bố của mỗi ngành, nhóm ngành đào tạo.

Bộ cũng lưu ý các trường không được yêu cầu thí sinh cam kết, xác nhận nhập học sớm hơn lịch trình theo kế hoạch chung theo bất cứ hình thức nào.

Dự thảo cũng bổ sung thêm trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong công tác xét tuyển. Cụ thể, cơ sở đào tạo phải cung cấp đầy đủ thông tin, tư vấn và hướng dẫn thí sinh, không để thí sinh đăng ký dự tuyển vào một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo mà không đủ điều kiện; chịu trách nhiệm và chủ động giải quyết việc thí sinh được chuyển đến hoặc chuyển đi do sai sót trong tuyển sinh.

Dự thảo điều chỉnh ngưỡng đầu vào với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cho các phương thức tuyển sinh đào tạo.

Theo đó, các thí sinh có kết quả học tập trong cả 3 cấp THPT xếp mức tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8 trở lên. Riêng với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng thì tiêu chuẩn đầu vào có thể từ học lực khá trở lên và điểm tốt nghiệp từ 6,5.

Trước đó, lý giải việc cấp thiết điều chỉnh quy chế tuyển sinh đại học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, việc có quá nhiều phương thức xét tuyển và các quy định liên quan tới phương thức xét tuyển sớm như hiện nay chưa đảm bảo tính công bằng trong tuyển sinh. Ví dụ ngành A của trường X có 3 phương thức xét tuyển, mỗi phương thức có một tỷ lệ chỉ tiêu riêng. Khi nhìn vào sự phân chia tỷ lệ đó sẽ tự đặt câu hỏi: căn cứ vào đâu mà trường X quy định phương thức này hay phương thức kia của ngành A có từng ấy chỉ tiêu...

Cùng đó, trong kỳ thi tốt nghiệp THTP 2025 sẽ có một số môn mới, các trường đại học có thể bổ sung các môn đó vào các tổ hợp của mình. Cho nên hoạt động tuyển sinh mấy năm nay, và kể cả từ 2025, về cơ bản vẫn sẽ được giữ ổn định.

 

T.H

Chia sẻ

Tin tức - Sự kiện


TOP VIEW