Tuyển sinh năm 2024, ngành vi mạch bán dẫn 'lên ngôi'

Thứ 7, 04/05/2024 | 08:42 GMT+7

Hàng loạt trường đại học mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn trong mùa tuyển sinh 2024. Nhiều cơ sở đào tạo cũng đẩy mạnh tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo trong thời gian tới. Điều này cho thấy, nhu cầu thị trường lao động của ngành này ngày càng cao.

>>> Ngành Công nghiệp bán dẫn là gì? Cơ hội việc làm và mức lương

Vi Mach

Nhiều trường đại học tuyển sinh ngành Công nghệ bán dẫn. Ảnh: dainam.edu

Mở rộng đào tạo ngành vi mạch bán dẫn

Năm 2024, các trường đại học đồng loạt mở mới và tuyển sinh ngành thiết kế vi mạch - bán dẫn hoặc các ngành đào tạo có liên quan đến lĩnh vực như Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH - Trường Đại học Việt Pháp), Trường Đại học Phenikaa; các trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng...

Còn tại các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo lĩnh vực này, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đang được chú trọng.

Đơn cử như Đại học Bách khoa Hà Nội, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn, năm 2023, trường mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và ngành Kỹ thuật vi điện tử, Công nghệ nano. Các chương trình này sẽ tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.

>>> Nhu cầu tuyển dụng ngành bán dẫn tăng cao, kĩ sư thiết kế chip thu nhập 1,3 tỉ

Lộ trình đào tạo các cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

Bên cạnh đó, nhà trường còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng chất lượng của nguồn nhân lực chip bán dẫn như tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ngành gần, phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án.

Băn khoăn lựa chọn

Cơ hội việc làm, mức lương khởi điểm hấp dẫn - hàng loạt các thông tin liên quan đến lĩnh vực Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn được các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng đưa ra, nhằm thu hút sự quan tâm của thí sinh.

"Con trai tôi có thiên hướng theo học các ngành liên quan đến kỹ thuật. Gia đình đang định hướng con học lĩnh vực bán dẫn vì nghe nói nhu cầu nhân lực ngành này đang rất lớn. Song, tôi cũng lo sợ việc sau 4, 5 năm con học ra trường, với lượng sinh viên đông như vậy, liệu khi ra trường, con có thể cạnh tranh tìm kiếm công việc ổn định với mức thu nhập hấp dẫn? Công việc cụ thể sau khi ra trường của con là gì?" - chị Lê Mai Anh (phụ huynh tại Hà Nam) bày tỏ lo lắng.

TS Lê Đình Nam - Phó Trưởng ban Tuyển sinh - hướng nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng, nếu muốn làm việc trong lĩnh vực chip bán dẫn, thí sinh có thể đăng ký dự tuyển vào nhiều ngành như điện tử viễn thông hay vật liệu tùy thuộc vào việc học sinh đó muốn trở thành kỹ sư trong thiết kế, sản xuất, đóng gói hay ứng dụng...

>>> Những ngành học cơ hội việc làm cao, phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn

Còn về phía Bộ GDĐT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - cho biết, chip bán dẫn là chương trình nằm trong các ngành lớn của nhiều cơ sở đào tạo chứ không phải bây giờ các trường mới mở ra sau khi chip bán dẫn trở nên "hot".

Ở Việt Nam đã có nhiều kỹ sư ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, có thể phụ huynh và học sinh không biết vì nhầm tưởng chip bán dẫn là một ngành đào tạo. Có một số cơ sở cũng quảng cáo đào tạo ngành chip bán dẫn để thu hút người học, khiến nhiều người nghĩ đây là ngành mới nổi.

Nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh khuyến khích thí sinh tìm hiểu về ngành công nghệ bán dẫn bởi ngành này có nhu cầu nhân lực khá cao, cơ hội việc làm tốt. Song, họ đều khuyến cáo thí sinh không nên vì ngành hot, trường hot mà đổ xô vào học. Việc lựa chọn ngành học, trường học cần được xác định dựa trên năng lực học tập, năng lực tài chính và đam mê của mỗi thí sinh.

 

Theo Lao Động

Chia sẻ

Tin tức - Sự kiện


TOP VIEW