Gen Z nghĩ gì về thông tin "chạy" cả trăm triệu đồng để vào biên chế?

Thứ 2, 25/03/2024 | 08:38 GMT+7

Nhiều gen Z cho rằng, môi trường biên chế nhà nước gò bó nên sẽ chọn làm ngoài cho thoải mái. Tuy nhiên, không hiếm gen Z chấp nhận "chạy" một suất biên chế để sớm có môi trường làm việc ổn định.

Gen Z (thuật ngữ chỉ thế hệ những người được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới năm 2012) nghĩ gì về biên chế? Phóng viên Dân trí đã thực hiện cuộc phỏng vấn ngắn đối với một số bạn trẻ hiện sinh sống, học tập tại thành phố Vinh (Nghệ An).

Gen Z đã có những chia sẻ thẳng thắn về biên chế trong các cơ quan nhà nước, môi trường làm việc và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Vào biên chế gò bó?

Tâm Anh (tên nhân vật đã được thay đổi, 20 tuổi, quê huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) hiện đang học chuyên ngành về nghệ thuật tại thành phố Vinh (Nghệ An). Khi được hỏi về việc có mong muốn vào biên chế các cơ quan nhà nước, cô bạn lắc đầu "không, gò bó lắm". Mặc dù Tâm Anh còn 2 năm nữa mới ra trường nhưng trong kế hoạch việc làm của cô bạn không có hai từ "biên chế".

"Tôi thích làm công việc bên ngoài, công việc đó tôi có thể quyết định và chủ động được về mặt thời gian hơn là ngày làm việc 8 tiếng hành chính. Tôi không thích sự gò bó, nó sẽ giảm sự hứng khởi khi làm việc", cô nói.

gen z

Nhiều bạn trẻ dự định tìm kiếm công việc ở môi trường ngoài biên chế vì không thích sự gò bó, khuôn khổ (Ảnh minh họa: Hoàng Lam).

Trong tương lai gần, Tâm Anh mong muốn sẽ có một công việc mà "làm cật lực 3 tháng và dành 9 tháng còn lại để thực hiện các dự định khác, bao gồm cả việc học để nâng cao trình độ chuyên môn". Cô nghĩ mình sẽ phù hợp với công việc sáng tạo nội dung hoặc biên kịch phim.

Trong khi đó, Quốc Quân (18 tuổi, trú thành phố Vinh) đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn con đường phát triển của mình. Tuy nhiên, chàng trai này thẳng tay loại 2 từ "biên chế" ra khỏi kế hoạch của mình.

Mẹ Quân công tác tại một cơ quan cấp sở, bố làm việc tại một doanh nghiệp quốc doanh. Ngay từ nhỏ, Quân đã quen với cảnh bố mẹ sáng đi làm, tối về nhà, thỉnh thoảng đi công tác. Cuộc sống cứ lặp lại năm này qua năm khác, trong khi anh em Quân phải tự lập, tự đi học vì bố mẹ khó sắp xếp thời gian đưa đón.

"Bố mẹ cũng định hướng cho tôi sau này vào biên chế nhà nước nhưng tôi không thích "sự ổn định đó". Tôi nghĩ, tuổi trẻ phải thử thách, thậm chí là mạo hiểm, không thể cứ giữ sự ổn định đều đều ngày làm 8 tiếng, một tháng đủ 26 ngày như thế, chưa kể mức lương trong các cơ quan nhà nước cũng không cao", chàng trai 18 tuổi nói.

Trong tương lai, Quân nghĩ mình sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh. Việc đầu tiên trong lộ trình tương lại, cậu sẽ thi vào trường Đại học kinh tế Hà Nội. "Việc học là quan trọng, dù có làm việc trong biên chế hay ngoài biên chế thì bạn cũng phải có nền tảng kiến thức", Quân nói.

Sẵn sàng chi trăm triệu đồng để chạy việc mong sớm ổn định

Trong khi nhiều bạn trẻ mong muốn làm công việc tại các công ty, doanh nghiệp ngoài nhà nước hoặc tự mình khởi nghiệp làm chủ thì Tuấn Anh (huyện Diễn Châu, Nghệ An) lại có suy nghĩ ngược lại. Anh muốn làm việc trong cơ quan nhà nước để sớm ổn định.

"Khi ổn định sớm, tôi có thời gian nhiều hơn để thực hiện các bước tiếp theo trong kế hoạch về cuộc sống của mình. Tôi nghĩ biên chế nhà nước là điều kiện tốt để mình phát triển hơn", Tuấn Anh cho hay.

Tuấn Anh hiện là sinh viên năm thứ 2 ngành sư phạm toán. Bố mẹ làm nông nghiệp nên từ nhỏ cậu đã ý thức việc học để thoát ly đồng ruộng. Với niềm đam mê đối với bục giảng và yêu thích đặc biệt với môn toán, Tuấn Anh đang nỗ lực để trở thành thầy giáo dạy toán.

bien che

Dù làm việc trong hay ngoài nhà nước thì vẫn phải đáp ứng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu công việc (Ảnh minh họa: Q. Lương).

Ước mơ của cậu là sau khi ra trường sẽ được vào công tác tại một trường học gần nhà. Bởi vậy, theo chàng trai này, việc có một chân trong biên chế ngành giáo dục là điều rất quan trọng.

Tuấn Anh cũng có nghe nói về việc "chạy" hàng trăm triệu đồng để có một suất trong biên chế nhà nước. Nam sinh viên sư phạm này cho rằng "chạy biên chế" là điều có thể chấp nhận được dù nó không công bằng với những người khác.

"Tôi nghĩ nó giúp mình ổn định sớm thì vẫn tốt hơn là ra trường cứ mãi trong tình cảnh giáo viên hợp đồng hoặc không tìm được việc làm đúng ngành. Mình phải lo cho mình trước hơn là nghĩ tới sự công bằng với các "đối thủ", nam sinh viên thẳng thắn.

Cùng quan điểm "chi tiền chạy biên chế", nhưng Trọng Thắng lại cho rằng, phải cân nhắc số tiền bỏ ra có tương xứng với mức thu nhập hay không. "Nếu bỏ 400-500 triệu đồng để chạy biên chế nhà nước với mức lương trên dưới 5 triệu thì tôi nghĩ mình cần phải cân nhắc", Trọng Thắng cho hay.

Chi phí "chạy" biên chế mà Thắng nghĩ có thể chấp nhận được rơi vào mức 200 triệu đồng.

Thắng 21 tuổi, quê Hà Tĩnh, hiện học chuyên ngành quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở Nghệ An. Anh trai của Thắng làm việc trong một cơ quan nhà nước, tương lai, Thắng cũng mong muốn sớm ổn định như anh của mình.

"Với chuyên ngành đang học, tôi mong muốn có chỗ đứng trong ngành tài chính - ngân hàng. Tôi nghĩ môi trường biên chế cũng tốt, ổn định, ít cạnh tranh và cơ hội thăng tiến cao hơn.

Dù ở môi trường nào thì bạn cũng cần có nền tảng kiến thức vững vàng cũng như các kỹ năng mềm để đáp ứng yêu cầu công việc, nếu không biên chế rồi vẫn có thể bị đào thải", chàng trai này tâm sự.

 

Theo Dân Trí

Chia sẻ

Lao động - Việc làm

Lao động - Việc làm


TOP VIEW