Phi công - Ngành học bao người mơ ước, ra trường nhận lương trăm triệu/tháng

Thứ 7, 09/12/2023 | 08:36 GMT+7

Phi công đang trở thành công việc đặc biệt hấp dẫn đối với nhiều bạn trẻ bởi có thể học nghề ngay tại Việt Nam, ra trường dễ dàng tìm việc làm và có mức thu nhập hấp dẫn.

Muốn làm phi công cần có điều kiện gì?

Phi công hiện đang là một trong những những ngành nghề hot nhất tại Việt Nam và cả ở thế giới. Vậy muốn trở thành phi công cần có điều kiện gì?

Phi công được chia làm 2 loại là phi công dân sự) và Phi công quân sự. Phi công dân sự là đối tượng mà người lái máy bay làm công cho các hãng vận tải và các hãng hàng không. Ở Việt Nam ta, phi công của các hãng hàng không chủ chốt như Vietnam Airlines, Vietjet...

Phi công quân sự là đối tượng phi công phục vụ trong lực lượng quốc phòng tại quốc gia đó. Nhiệm vụ của phi công quân sự có thể là cả chiến đấu hoặc hỗ trợ, vận chuyển nên phi công quân sự sẽ được đào tạo đặc biệt dưới sự chỉ huy của Bộ Quốc phòng.

>>> Xem thêm: Ngành hàng không

phi cong 1

Học viên tại Học viện Hàng không Việt Nam. Ảnh: VAA

Muốn trở thành phi công, trước hết bạn phải vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào với hàng loạt bài kiểm tra về sức khoẻ, kiến thức và ngoại ngữ. Sau đó bạn phải tham gia nhiều buổi học với hàng trăm giờ bay thử trước khi lấy được bằng lái máy bay. Phi công không chỉ đòi hỏi phải có sức khỏe tốt, thị lực tốt mà còn phải có khả năng phối hợp và giao tiếp tốt, óc tổ chức, lên kế hoạch, kỹ năng định hướng, dẫn đường, khả năng tập trung cao độ trong một thời gian dài. Ngoài ra, phi công cũng đòi hỏi có tinh thần trách nhiệm cao.

Tại Viện Y học Phòng không-Không quân, Quân chủng Phòng không-Không quân, tiêu chuẩn tuyển sinh vào đào tạo sĩ quan lái máy bay quân sự năm học 2024-2025 với yêu cầu như sau: Nam thanh niên từ 17 đến 21 tuổi (tính đến năm 2024); Nam quân nhân tại ngũ hoặc xuất ngũ và công dân hoàn thành nghĩa vụ Công an nhân dân từ 18 đến 23 tuổi (tính đến năm 2024); Chiều cao 1,65m, cân nặng 52kg trở lên, có sức khỏe tốt; Tại thời điểm đang là học sinh lớp 12, hoặc đã tốt nghiệp THPT Lý lịch chính trị rõ ràng, là Đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh; Tự nguyện học tập trở thành sĩ quan lái máy bay của Quân chủng Phòng không-Không quân.

Với phi công dân sự, học viên sẽ theo học nghề phi công ở một số trường thuộc các hãng bay đào tạo. Khi được tuyển vào trường này, người học sẽ được Huấn luyện cơ bản, huấn luyện lý thuyết nâng cao, huấn luyện kỹ năng bay sử dụng thiết bị, huấn luyện kỹ năng bay nâng cao, sử dụng thiết bị.

Chia sẻ của Trường đào tạo phi công Bay Việt, học viên phải trải qua phần Thi tuyển đầu vào, Huấn luyện lý thuyết ATP, Huấn luyện bay, Huấn luyện MCC/JET FAM. Ngoài ra còn có Huấn luyện quân sự (Yêu cầu riêng của Vietnam Airlines) và Huấn luyện sau cơ bản (tại Hãng), trong đó bao gồm Huấn luyện chuyển loại và Huấn luyện Base & Line.

Sau chương trình phi công cơ bản, học viên sẽ phải tham gia huấn luyện chuyển loại để thành lái phụ rồi phải cần thêm hàng nghìn giờ bay và nhiều năm tích lũy kinh nghiệm mới có thể trở thành lái chính. Đến khi đã trở thành phi công chính thức, để giữ được bằng lái, mỗi năm các phi công phải trải qua từ 1 đến 2 đợt khám sức khỏe và 6 kỳ thi chuyên môn.

Còn tại Học viện Hàng không Vietjet (VJAA), học viên sẽ trải qua 1 khóa học lý thuyết và 3 giai đoạn của chương trình thực hành bay trong khoảng thời gian 20 tháng huấn luyện. Người tham gia phải trong độ tuổi từ 18 - 35; tốt nghiệp THPT trở lên có trình độ tiếng Anh tương đương IELTS 5.0 trở lên. Chiều cao, cân nặng với nam là từ 1m65/54kg, nữ là từ 1m60/48kg trở lên. Tiêu chuẩn sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn sức khỏe loại 1 đối với phi công dân dụng của Cục Hàng không Việt Nam.

phi cong 2

Nhiều bạn trẻ hiện thực hóa ước mơ trở thành phi công. Ảnh: ENZ

>>> Xem thêm: Tiêu chuẩn để trở thành một phi công

Không chỉ ở trong nước, bạn trẻ yêu thích nghề phi công có thể tìm cơ hội du học ở các nước như Mỹ, Australia, New Zealand, Tây Ban Nha... Từ năm 2015, New Zealand là một trong những điểm đến được ưa chuộng nhiều nhất về đào tạo phi công với 4 trường đào tạo phi công được kiểm định và chấp thuận bởi Cục Hàng không Việt Nam (Civil Aviation Authority of Vietnam - CAAV) và các hãng hàng không Việt Nam. Cuối tháng 11 vừa qua, chuỗi sự kiện nhằm tái kết nối các cơ sở đào tạo phi công hàng đầu của New Zealand với các đơn vị liên quan tại Hà Nội và TP.HCM đã mang đến cơ hội tìm hiểu về chương trình đào tạo phi công tại New Zealand cho học viên Việt Nam.

Học phí cao nhưng thu nhập hấp dẫn

Được biết, để huấn luyện đào tạo ra một phi công sẽ tiêu tốn khoảng từ 1,8 – 2,5 tỷ đồng. Thời gian đào tạo phi công cơ bản ở tại Việt Nam từ 22-24 tháng, trong đó nếu làm phi công của Vietnam Airlines bắt buộc phải học 3 tháng quân sự. Sau đó phi công sẽ phải mất thêm 5 tháng để học chuyển loại.

Tuyển phi công lái máy bay là một trong những nhu cầu luôn cần trong nền công nghiệp quốc phòng lẫn dân dụng với mức lương thuộc top đầu nghề cả Việt Nam.

>>> Tiếp viên hàng không: Nghề "hot" cho người trẻ

Trong thông báo tuyển phi công để phục vụ kế hoạch phát triển các đường bay mới năm 2022, mức thu nhập tối đa mà hãng hàng không ở Việt Nam đưa ra lên đến 13.300 USD/tháng (khoảng 300 triệu đồng) cho cơ trưởng dòng máy bay thân rộng Boeing 787, cơ phó là 8.000 USD/tháng (khoảng 180 triệu đồng); thu nhập tối đa cho cơ trưởng và cơ phó ở dòng máy bay thân hẹp Airbus và Embraer 190 lần lượt khoảng 10.450 USD/tháng (khoảng 236 triệu đồng) và hơn 6.300 USD/tháng (khoảng 142 triệu đồng).

"Nghề phi công học khó, với những yêu cầu khắt khe, nếu không kiên trì mọi thứ dễ đổ bể giữa chừng. Vậy nên, yếu tố quan trọng để theo đuổi nghề chính là sự hiểu biết nhất định về nghề nghiệp để chuẩn bị tâm lý; có năng lực, trình độ và đam mê. Ban đầu, có thể bạn đến với nghề vì những lý do khác nhau như vì sự hào nhoáng hay thu nhập, nhưng nếu đã trụ được với nghề thì sẽ ở lại vì yêu thích. Những lúc đi bay 4 chặng mệt mỏi hay thời tiết xấu thì nghề phi công không còn hào nhoáng gì cả.

Đặc thù riêng biệt của ngành nghề là đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt đúng, đầy đủ quy trình làm việc của hãng hàng không nhằm đảm bảo các chuyến bay được thực hiện an toàn và hiệu quả tốt nhất", chị Nguyễn Ly Hương, nữ Cơ trưởng Việt Nam - một trong hai nữ phi công đầu tiên trong lịch sử hàng không Việt Nam, chia sẻ.

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp

Định hướng nghề nghiệp


TOP VIEW