Bộ GD&ĐT giữ quan điểm dạy tích hợp môn Sử

Thứ 5, 19/11/2015 | 11:33 GMT+7

Đại diện ban soạn thảo chương trình Giáo dục phổ thông tích hợp (GDPT TT), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: Nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử và logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.

 Trong buổi trao đổi với các cơ quan báo chí ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã nói về về cách bố trí giảng dạy môn Sử như trong dự thảo chương trình GDPT TT.

Đưa ra 5 vấn đề khiến dư luận chưa đồng tình với việc dạy tích hợp môn Lịch sử trong Chương trình GDPT TT chủ yếu xoay quanh việc: Để môn Lịch sử vào chương trình dạy tích hợp là Ban Xây dựng chương trình không coi trọng giáo dục Lịch sử, xếp Lịch sử vào môn học tự chọn thì sẽ rất ít học sinh chọn học Sử.


Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển


Thêm nữa, việc tích hợp sẽ không đảm bảo được khối lượng kiến thức, môn Sử rất có thể sẽ bị xé lẻ, như thế chẳng khác gì xóa sổ môn Lịch sử trong giáo dục cấp THPT…

Trước những ý kiến chưa đồng tình này, Ban Xây dựng chương trình cho rằng cách dạy tích hợp không phải học sinh thích thì chọn, không thích thì thôi.

Trái lại trong Dự thảo chương trình, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục Lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc hoặc môn Lịch sử và môn Khoa học xã hội.

Ngoài ra học sinh cũng được Học lịch sử trong các môn học khác cùng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Như vậy, trong chương trình GDPT mới thời lượng học Lịch sử cũng nhiều hơn.

Theo ban soạn thảo thì thiết kế như vậy sẽ tạo thuận lợi cho mỗi môn học có thêm những chuyên đề tích hợp sâu. Hiệu trưởng các trường sẽ căn cứ năng lực thực tế của từng giáo viên để phân công giảng dạy chuyên đề cụ thể.

Giải thích thắc mắc kiến thức Lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo khi tích hợp, Ban soạn thảo khẳng định, học sinh sẽ học kiến thức Lịch sử trong ít nhất 2 môn học, kiến thức Lịch sử sẽ được sắp xếp theo logic mới chứ không phải xé lẻ.

Theo ông Hiển: Việc xây dựng chương trình GDPT TT phải dựa trên sự đổi mới đồng bộ. Bao gồm nhiều yếu tố, từ xác định mục tiêu, lựa chọn và tổ chức nội dung giáo dục, đa dạng hoá và đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục, cách thức đánh giá học sinh. Nên khi bàn về việc môn Lịch sử đứng độc lập hay tích hợp phải xét trong mối quan hệ với các yếu tố đó, đồng thời đối chiếu trong tổng thể chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với vấn đề đang được tranh luận gay gắt nhất là để môn Lịch sử là môn độc lập và bắt buộc, ông Hiển cho rằng: Nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được các yêu cầu đổi mới.

Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng thừa nhận thiếu sót là: Ban Xây dựng chương trình đã trình bày chưa rõ ràng trong văn bản dự thảo, gây hiểu nhầm dẫn đến xôn xao dư luận.

Ông cho biết: Thời gian tới Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, văn bản chương trình sẽ được điều chỉnh, bổ sung rõ vấn đề này.

 

Theo Petrostimes

Chia sẻ

Tin tức hướng nghiệp


TOP VIEW