Cử nhân chọn chạy xe ôm 15 triệu đồng hay làm văn phòng lương 5 triệu đồng?

Thứ 3, 19/12/2023 | 16:31 GMT+7

Trước tranh cãi sinh viên mới ra trường nên chạy Grab lương 15 triệu đồng hay làm đúng ngành, mức lương khởi điểm 5 triệu đồng, chuyên gia cho rằng, không cẩn trọng các em sẽ rơi vào "bẫy" thu nhập.

>> 'Kết cục' của tài xế bỏ thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng để làm văn phòng

cử   nhân

Nhiều người lao động tìm kiếm việc làm (Ảnh minh họa)

Chia sẻ tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Hà Nội tổ chức ngày 15/12, ông Nguyễn Bảo Long, Trưởng phòng Phát triển Cộng đồng và Quan hệ đối tác, Công ty TopCV Việt Nam cho rằng, thông thường sinh viên mới ra trường chọn việc làm thường nghĩ ngay các yếu tố như lương, danh tiếng công ty, cơ hội thăng tiến, chẳng hạn ngắm nghía xem làm khoảng bao nhiêu năm thì lên sếp?

Nhưng theo chuyên gia này, nếu không cẩn thận, các em sẽ rơi vào "bẫy" thu nhập.

Lý giải về điều này, ông Long đưa ra câu chuyện tranh cãi trên Tiktok mới đây về việc sinh viên mới ra trường nên đi làm xe ôm công nghệ với mức lương 15 triệu đồng hay chọn làm đúng ngành nghề với lương khởi điểm chỉ 5 triệu đồng?

Theo ông Long, khi đi làm chúng ta có những giá trị ngầm, không lượng hóa như lương, chẳng hạn là sở thích, cá tính, giá trị nghề nghiệp...

"Tất nhiên các bạn có thể chọn làm Grab để nhận tiền tươi thóc thật nhưng bạn sẽ rơi vào "bẫy" thu nhập bởi công việc ấy không có sự phát triển, bạn sẽ tụt lại mất vài ba năm và thua rất nhiều.

Đấy là ví dụ thực tế về việc sinh viên mới ra trường chọn "ăn xổi" khi chỉ nhìn thấy thứ trước mắt là lương bởi nếu đi từ gốc, giá trị nghề nghiệp của họ tăng lên rất nhiều", ông Long nói.

Chia sẻ thêm về kỹ năng tìm kiếm việc làm, ông Long cho rằng, nếu coi các ngành ngôn ngữ chỉ là công cụ, vậy sinh viên ra trường kiếm việc kiểu gì?

Để hiểu rõ hơn, chuyên gia này kể câu chuyện của vợ mình, tốt nghiệp một ngành học về ngoại ngữ, cô loay hoay làm rất nhiều thứ.

Thế nhưng sau đó, vợ ông dừng lại ở việc đi dạy, trong đó có dạy IELTS, đây thực sự là công việc phù hợp với cô ấy.

Từ câu chuyện này, ông Long cho rằng, lâu nay chúng ta đang quan niệm sai lầm khi nghĩ rằng ngôn ngữ chỉ là công cụ nên khó kiếm việc làm. Bên cạnh khả năng ngoại ngữ, nếu các em có chứng chỉ khác, việc phát triển ngành nghề rất tốt.

Các em hãy xác định việc học cả đời, không phải lấy tấm bằng cử nhân xong sẽ đi luôn. Việc học trong quá trình đi làm hiện rất nhiều người lựa chọn, nhất là học online để bổ sung chứng chỉ.

 

 

Chia sẻ

Lao động - Việc làm

Lao động - Việc làm


TOP VIEW