Đề xuất thi tốt nghiệp THPT chỉ với 2-3 môn bắt buộc

Thứ 5, 21/09/2023 | 08:44 GMT+7

GS Đỗ Đức Thái, chủ biên môn Toán của chương trình phổ thông mới, đề xuất kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ gồm 2-3 môn bắt buộc cho gọn nhẹ.

Đề xuất được ông Thái, trưởng khoa Toán - Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nêu trong hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 20/9.

Ông Thái đưa ra hai phương án về môn thi tốt nghiệp. Phương án 1 gồm hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Ngoài ra, kỳ thi sẽ bao gồm hai môn khác được lựa chọn theo sở trường của học sinh, phù hợp với việc học theo định hướng nghề nghiệp ở chương trình giáo dục phổ thông.

Trước những câu hỏi về việc có nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT chung cả nước hay không, ông Thái chỉ ra trên thế giới, nhiều nước có kỳ thi này, nhưng cũng có nơi không.

Tại Nga, thí sinh thi hai môn bắt buộc là Tiếng Nga và Toán. Nếu có nguyện vọng học tiếp đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi môn mà hệ thống đại học, cao đẳng tương ứng yêu cầu.

Tại Trung Quốc, thí sinh thi tốt nghiệp THPT ba môn bắt buộc là Toán, Trung văn, Tiếng Anh và một môn tự chọn. Australia không có kỳ thi tốt nghiệp chung toàn quốc mà mỗi trường tổ chức kỳ thi riêng để công nhận tốt nghiệp.

Ở Mỹ, chỉ còn 8 bang duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phần lớn bang còn lại cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh dựa trên hồ sơ chứng minh năng lực. Trong khi đó, Nhật Bản hay Hàn Quốc không có kỳ thi tốt nghiệp.

"Như vậy, mỗi quốc gia có một cách thức thi hoặc xét tốt nghiệp khác nhau, không có đúng hay sai mà chỉ phục vụ hiệu quả nhất cho mục đích giáo dục của quốc gia đó", ông Thái nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng điểm chung của các nước là phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT đều theo hướng gọn nhẹ, tôn trọng học sinh, phát huy sở trường, thế mạnh của học sinh. Tại Việt Nam, Chính phủ cũng yêu cầu kỳ thi tốt nghiệp THPT phải được tổ chức theo hướng gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy, khách quan.

Do đó, ông đề xuất chỉ thi 2-3 môn bắt buộc cùng hai môn lựa chọn.

GS Đỗ Đức Thái phát biểu tại hội nghị ngày 20/9. Ảnh: MOET

Với các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, dù có xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không, theo ông Thái, Bộ và các nhà trường cần tạo dựng niềm tin về giá trị môn học mang lại, đồng thời đổi mới nội dung, phương pháp đánh giá, giảng dạy, không dùng biện pháp hành chính bắt học sinh thi.

Ngoài ra, ông Thái cho rằng cần tuân thủ nguyên lý học gì thi nấy chứ không thể là thi gì học nấy.

Ông Thái cũng nhấn mạnh kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh đại học và giáo dục nghề nghiệp chứ không giữ vai trò trực tiếp trong tuyển sinh. Bộ nên khuyến khích các trường tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh, theo yêu cầu của từng trường.

2025 là thời điểm lứa học sinh đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới thi tốt nghiệp. Cuối tháng 8, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành khảo sát ý kiến giáo viên, lãnh đạo trường THPT về phương án thi tốt nghiệp từ năm này.

Với phương án 1, học sinh thi bốn môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử; hai môn tự chọn từ các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Phương án 2 gồm ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; hai môn tự chọn trong số các môn đã học (gồm cả Lịch sử).

Trên nhiều diễn đàn học sinh, chủ đề về số môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng được đưa ra bàn luận, thu hút hàng nghìn ý kiến. Nhiều trong số đó mong muốn giảm áp lực thi tốt nghiệp bằng cách giảm số môn thi bắt buộc. Trong khi đó, các giáo viên có ý kiến trái chiều về việc này.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết Bộ đã hoàn thành việc lấy ý kiến của các Sở và các chuyên gia về phương án thi tốt nghiệp THPT. Bộ đang tiếp tục xin ý kiến của các ban, ngành liên quan trước khi trình lên Chính phủ.

Về phương án thi từ năm 2025, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng lưu ý các địa phương trong việc chuẩn bị tâm thế cho học sinh, để các em không quá lo lắng. Ông nói Bộ đang tích cực hoàn thiện phương án, làm kỹ lưỡng với phương châm: gọn nhẹ, không căng thẳng, áp lực, không gây tốn kém, có lộ trình, có đổi mới nhưng có kế thừa, tiếp thu.

Nhấn mạnh rằng "nếu dạy tốt, học tốt, phương thức nào cũng sẽ sẵn sàng", Thứ trưởng mong các Sở làm tốt công tác định hướng chuyên môn trong việc dạy và học tới các nhà trường, giáo viên.

 

Theo Vnexpress

Chia sẻ

Tin tức - Sự kiện


TOP VIEW