Giáo dục nghề nghiệp chưa đạt kỳ vọng, vì sao?

Thứ 6, 29/09/2023 | 15:37 GMT+7

Các chuyên gia lí giải nguyên nhân giáo dục nghề nghiệp (GDNN) chưa đạt được kỳ vọng...

Các trường nghề cần cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở

Hiện, cả nước có 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong đó 1.205 là cơ sở công lập, với quy mô tuyển sinh 2 triệu người mỗi năm.

Mặc dù, mạng lưới cơ sở GDNN đã phát triển, nhưng hiện vẫn chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Quy hoạch mạng lưới cơ sở chưa gắn với quy hoạch phát triển nhân lực, với quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành và địa phương, cơ cấu tuyển sinh chủ yếu là trình độ sơ cấp, chất lượng đào tạo còn thấp...

Trong xu thế chuyển đổi số, nhu cầu tuyển dụng nhân sự về phát triển phần mềm, kỹ thuật dữ liệu, nhất là đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề rất lớn. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho những vị trí này đang thiếu rất nhiều.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân GDNN chưa đạt được kỳ vọng trước hết do nguồn lực của nhiều địa phương chưa ưu tiên dành nhiều cho đầu tư phát triển các cơ sở. Bên cạnh đó, nhiều trường nghề chậm đổi mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ; gắn kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp còn hạn chế...

Từ đầu năm đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã quy hoạch giảm được 279 cơ sở GDNN, hầu hết các địa phương chỉ còn 1 - 2 trường nghề. Bước đầu hình thành mạng lưới trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế theo từng cơ sở GDNN, từng vùng, địa phương và trình độ đào tạo... Bên cạnh đó, các cấp quản lý cũng quan tâm phát triển cơ sở ở vùng khó khăn, đào tạo các nhóm ngành nghề và đối tượng đặc thù.

Điểm nổi bật là việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN cả nước sẽ góp phần giảm cơ sở công lập, đồng thời nâng tầm một số trường trung tâm quốc gia hoặc trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước ASEAN và các nước phát triển trong nhóm G20.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, các cơ sở GDNN rất cần sự quan tâm đặc biệt của các bộ, ngành, địa phương, nhất là tạo hành lang pháp lý và chính sách khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp trong đào tạo nghề đáp ứng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Ảnh minh họa ITN.

Nâng cao chất lượng đào tạo

Theo nhận định của nhiều cơ sở GDNN, những khó khăn trong chất lượng đào tạo của các đơn vị hiện nay đa phần ở vấn đề trang thiết bị phục vụ cho việc thực hành của các trường. Trong quá trình đào tạo tại các trường nghề, thời gian thực hành chiếm từ 50 - 70% nhưng kinh phí đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất không phải lúc nào cũng theo kịp sự phát triển của công nghệ và nhu cầu của doanh nghiệp.

Ông Đặng Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Đông Sài Gòn, cho rằng, trong đào tạo nghề, thiết bị rất quan trọng, đóng góp rất lớn trong công tác đào tạo về tay nghề cho học sinh. Tuy nhiên, nhiều trường nghề lại không thể đáp ứng thiết bị phù hợp với thị trường lao động.

Ông Nguyễn Minh Chương, Trưởng khoa Công nghệ tự động, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, cũng cho biết, hiện các thiết bị phục vụ cho việc thực hành của sinh viên trong khoa mặc dù đáp ứng đủ số lượng nhưng chất lượng lại chưa thực sự đồng đều. Ví dụ, ngành tự động hóa và cơ điện tử là một ngành rất hiện đại và thay đổi hàng năm, do đó phải thường xuyên cập nhật. Thế nhưng, những thiết bị này không phải dễ dàng mua được vì cơ chế cũng như kinh phí đầu tư rất lớn.

“Các em học ngành kỹ thuật, để có kỹ năng thực hành nghề tốt rất cần trang thiết bị hỗ trợ cho việc học và hành. Xác định quá trình thực hành rất quan trọng với mỗi sinh viên, cho nên khoa luôn có đề xuất làm sao để trang bị thêm, ví dụ như có nhà tài trợ hoặc chính sách để đầu tư trang thiết bị”, ông Nguyễn Minh Chương bày tỏ mong muốn.

Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, năm 2023, ngành hướng tới mục tiêu số lượng tuyển sinh tăng khoảng 10% so với năm 2022. Cùng với việc phấn đấu tăng và đạt mục tiêu tuyển sinh là tập trung sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN theo chủ trương của Đảng, Chính phủ để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan.

Việc sắp xếp hệ thống cơ sở GDNN sẽ theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng.

 

Theo Báo Giáo dục & Thời đại

Chia sẻ

Học nghề


TOP VIEW