Hóa trang cho một nam diễn viên.
6 giờ sáng, Nguyễn Thị Bích Trầm (26 tuổi), nhà ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM có mặt tại phim trường. Cô chọn một chỗ ngồi, bày biện dụng cụ. Sau 30 phút, Trầm “hô biến” nữ diễn viên 19 tuổi thành góa phụ tuổi 35 với vết sẹo lồi trên khuôn mặt khắc khổ
>>> Xem thêm: Con gái nên học nghề gì dễ lập nghiệp?
Hóa trang cho diễn viên chính xong, Trầm tiếp tục với một diễn viên nhí 5 tuổi. Khi tất cả đã vào diễn, Trầm tìm chỗ nghỉ ngơi, chốc chốc nghe đạo diễn kêu lên “make up” cho diễn viên… Đó là công việc thường ngày của Trầm.
“18 tuổi, mình rời quê Phan Thiết vào TP.HCM làm trang điểm cô dâu cho một cửa hàng áo cưới. Qua thời gian, nhờ quen biết các đạo diễn, mình chuyển sang hóa trang”, Trầm kể. Do không qua một trường lớp nào nên Trầm phải mày mò tự học. Từ tạo vết sẹo, vết thương, máu đổ trên cơ thể đến những cái khó nhất như làm biến dạng khuôn mặt.
Chuyên nghiệp hơn, khi đã qua đào tạo tại Sydney (Úc) phải kể đến Diệu Trương, 26 tuổi, nhà cũng ở Q.Bình Thạnh, có thể tạo được mặt nạ người bằng silicon, tạo vết lở loét trên cơ thể.
Trang điểm sẽ làm cho khuôn mặt xinh đẹp hơn. Còn hóa trang thì lại mang một diện mạo hoàn toàn khác, có thể khuôn mặt xấu hơn, kinh dị hơn theo kịch bản. Đó là cái khó mà chuyên viên hóa trang phải thực hiện.
Trầm tâm sự: “Làm Nghề này phải có cái tâm, ví dụ như phải sử dụng mỹ phẩm loại tốt. Diễn viên họ sống bằng khuôn mặt, nếu dùng mỹ phẩm dỏm, xảy ra dị ứng thì ác với họ lắm”. Còn Diệu Trương phải mua các sản phẩm từ nước ngoài với giá khá cao để phục vụ công việc. “Một cục đất sét nặn khuôn mặt người có giá 8 đô la bên Úc, về VN giá đội lên 23 đô la. Giá máu giả hóa trang gần khu vực mắt, cho diễn viên ngậm vào miệng, đánh vào răng cũng có giá rất cao. Dù vậy mình vẫn phải mua. Nếu sử dụng loại dỏm, diễn viên dễ bị tổn thương mắt, niêm mạc miệng”, Diệu Trương cho biết.
Phải đến phim trường đúng giờ, ăn bờ ngủ bụi, dầm mưa dãi nắng, có khi mải hóa trang cho nhiều người quên luôn ăn… là một trong những khó khăn của nghề. Theo Diệu Trương, sự hợp tác của diễn viên là quan trọng nhất. Diễn viên hóa trang xong mà vô ý đi ăn, uống nước có màu, có cồn… là hỏng hết, phải làm lại”.
Điều tối kỵ trong nghề là dùng chung cọ trang điểm, son môi. Trầm cho biết sau khi hóa trang cho ai đó xong cô sẽ phải giặt cọ, tẩy trùng, phơi khô trong phòng kín. Nếu dùng chung cọ rất dễ lây nhiễm các bệnh về da. Để diễn viên không ngại khi tiếp xúc, người hóa trang phải giữ vệ sinh đôi tay thật sạch, rửa tay bằng nước tẩy y tế trước và sau khi hóa trang.
“Thực hiện đúng ý đồ đạo diễn, hóa trang ra nhân vật, họ diễn tốt… là niềm vui nhất”, Diệu Trương nói. Trầm và Diệu Trương cho biết làm nghề chủ yếu vì yêu thích bởi thu nhập không cao. Mỗi người phải có cơ sở Kinh doanh riêng để nuôi dưỡng đam mê.
Hiện nay, số lượng chuyên viên hóa trang cho phim, các show thời trang, chụp ảnh… khá đông, cạnh tranh rất khắc nghiệt. “Nếu không có uy tín, không giỏi, không đam mê thì khó trụ với nghề. Ngoài ra, mình phải giữ quan hệ tốt với đạo diễn, anh em trong đoàn phim để có show là mọi người nhớ đến mình. Đấy là bí quyết nhỏ để sống cùng nghề”, Trầm bộc bạch.
Theo Thanh Niên