Từ sau cái gọi là “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, Hải quân Mỹ liên tục triển khai tàu chiến dọc theo bờ biển miền Bắc đêm ngày pháo kích vào bờ gây nhiều thiệt hại cho quân dân ta.Về phía ta, hoạt động chống trả mới chỉ dùng pháo mặt đất nên đối phó với các mục tiêu di động như tàu chiến ở khoảng cách 10-15km hiệu quả rất hạn chế. Một kế hoạch sử dụng không quân tập kích chiến hạm Mỹ ở Biển Đông đã ra đời vào năm 1972.Để phục vụ cho kế hoạch này, lực lượng không quân ta đã tiến hành nhiều công việc chuẩn bị chu đáo và bí mật.Cho đến lúc này, không quân ta chỉ có máy bay vận tải và tiêm kích, chưa có lực lượng máy bay ném bom. Không vì thế mà bỏ cuộc, Không quân Việt Nam sáng tạo sử dụng máy bay MiG-17 để thực hiện kế hoạch.
Trung đoàn Không quân 923 chuẩn bị một phi đội cường kích đến khu vực Bạch Long Vĩ tập ném bom với sự giúp đỡ của các phi công Cuba – những người có nhiều kinh nghiệm ném bom thia lia ở độ cao cực thấp.Đại tá Lê Hải cho biết trong Hồi ký Phi công tiêm kích: “Cu Ba cử trung úy phi công Etnéttơ và một cán bộ kĩ thuật không quân giúp ta kĩ thuật đánh tàu chiến địch. Căn cứ huấn luyện phi đội bay biển tại sân bay Kiến An. Phi đội tập ném bom ở quần đảo Long Châu. Anh Lưu Huy Chao - Trung đoàn phó, ra đảo nhỏ, chỉ huy trực tiếp việc bay tập trên biển. Sau thời gian huấn luyện, đến tháng 3/1972, Trung đoàn 923 đã có 6 phi công thuần thục động tác bay cực thấp, ném bom”.Đồng thời với huấn luyện kỹ thuật cho phi công, những cơ sở bảo đảm khác cho trận đánh cũng được gấp rút chuẩn bị. Hệ thống thông tin và chỉ huy máy bay được tổ chức ở Quân khu 4.
Không quân cũng hiệp đồng với pháo binh, hảiquân để thu thập tin tình báo về hoạt động của tàu chiến Mỹ trong khu vực.Sân bay Gát được chọn làm nơi xuất kích. Đây là một sân bay dã chiến nằm trên làng Gát (tỉnh Quảng Bình) được xây dựng từ năm 1968 để làm sân bay cơ động cho máy bay ta phục kích đánh địch. Sân bay này được ngụy trang rất kỹ lưỡng nên tuy rất gần bờ biển, máy bay địch hàng ngày qua lại mà không phát hiện được.Gần đến trận đánh, Phó tư lệnh không quân Nguyễn Phúc Trạch trực tiếp vào Quảng Bình lập sở chỉ huy tiền phương.Trung Đoàn 923 lập sở chỉ huy trực tiếp ở Đồng Hới để căncứ vào tình hình ra lệnh cho máy bay xuất kích. Thời điểm tiến hành trận đánh được chọn vào tháng 3 âm lịch năm 1972.
Ngày 10/4/1972, các phi công: Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Văn Bảy (B), Lê Xuân Dị cùng với thợ máy Trung đoàn 923 mang theo bom loại 250 kg và đạn 23mm, 37mm hành quân bộ vào đến Gát an toàn. Ngay chiều tối đó, 2 máy bayMiG-17 cũng được phi công Từ Đễ và Lê Hồng Điệp lái từ sân bay Kép vào Gát an toàn, bí mật.
Mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, hải quân Mỹ vẫn chưa hay biết một trận tập kích táo bạo của đối phương sắp giáng xuống.Sáng 19/4, các tốp tàu chiến địch lại vào gần bờ biển Quảng Bình bắn phá. Lúc này thời tiết không thuận lợi, tầmnhìn hạn chế nên chỉ huy sở chưa cho máy bay xuất kích. Hoạt động và vị trí của các tàu địch liên tục được các đài quan sát của Hải quân, Pháo binh thông báo.
Vào lúc 15h, một tốp 4 tàu địch tiến vào cách cửa Lí Hòa 15km, một tốp vào đông Quảng Trạch, cách bờ 7km, 3 tàu ở đông Lí Hòa 18km. Đài radar 403 cũng phát hiện 1 tốp 4 tàu địch đậu cách cửa Nhật Lệ 16km. Thời tiết giờ đã tốt hơn, tầm nhìn trên 10km. Thời cơ đánh địch đã đến, biên đội Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy (B) được lệnh xuất kích đánh tốp 4 tàu địch ở hướng nam 15 độ, lúc đó là 16h.Vì sân bay dã chiến hẹp, không cất cánh cả biên đội một lúc. Số 1 Lê Xuân Dị lên trước. Vượt qua cửa Lí Hòa, nhìn vào bờ thấy những điểm khói, số 1 phán đoán địch đang pháo kích. Nhìn thật kỹ ra ngoài phía xa phát hiện thấy 2 vệt trắng trên làn nước xanh thẳm. Số 1 báo cáo phát hiện địch và xin công kích.
Chỉ huy sở tiếp tục thông báo về địch và nhắc biên đội: “Bình tĩnh, chuẩn xác, quyết tâm tiêu diệt địch”.Lê Xuân Dị vòng ra biển, chọn hướng công kích tàu địch từ ngoài khơi vào bờ. Anh đổi hướng vào giữa hai thân tàu địch và bay bằng ở độ cao cách mặt nước biển 50m với tốc độ 800km/giờ. Nhìn vòng ngắm, quả trám ánh sáng dần dần chuyển động tiến gần đến điểm mớn nước trên thân tàu. Số 1 liền nhanh chóng cắt 2 quả bom loại 250 kg.Nhìn lại thấy 1 cột nước vọt lên, số 1 được dẫn về hạ cánh ở sân bay Gát lúc 16h18 phút.
Trong khi đó số 1 công kích, số 2 Nguyễn Văn Bảy (B) làm nhiệm vụ cảnh giới trên không đề phòng tiêm kích của địch. Khi không nhìn thấy số 1, anh liền bay ra hướng biển tìm mục tiêu. Đến đông bắc cửa Dinh, vẫn không thấy tàu địch, anh bay thêm vài phút nữa, thì phát hiện 2 tàu khu trục Mĩ đang pháo kích vào bờ.Được lệnh của sở chỉ huy cho công kích, Nguyễn Văn Bảy bay lướt qua tàu khu trục, ép độ nghiêng vòng trở lại. Máy bay được hạ độ cao xuống 50m, tăng lực đạt tốc độ 800 km/h. Mọi việc diễn ra thuận lợi như trong những lần tập luyện, Nguyễn Văn Bảy cắt bom khi điểm ngắm trạm mớn nước thân tàu ở khoảng cách 750m rồi kéo máy bay vượt qua ăng ten của tàu. Hai trái bom trạm mớn nước thia lia đâm thủng tàu, phía gần đuôi. Một cột vừa nước, vừa khói màu da cam bao phủ tàu địch, cao đến 20m.
Trong hồi ký của Đại tá Lê Hải có miêu tả: “Càng về sau, lửa cháy càng to trên tàu khu trục. Nhìn lại, anh thấy tàu địch bốc cháy và một quả tên lửa địch bốc cháy. Một quả tên lửa địch phóng lên, nổ trên cao khoảng 200m, tại khu tàu bị cháy. Mấy phút sau, 2 chiếc F-4 đến lượn vòng trên khu vực tàu vừa bị đánh. Nguyễn Văn Bảy về hạ cánh an toàn sau số 1 gần 2 phút. Trận đánh diễn ra từ khi cất cánh đến khi chiếc số 2 hạ cánh xong, chỉ trong 17 phút”.
Sau trận này, Đô đốc Hạm đội Thái Bình Dương phải lệnh cho các tàu lùi ra xa, tạm dừng pháo kích một thời gian để tìm cách đối phó với không quân của ta.Theo tài liệu từ phía Mỹ thừa nhận, chiếc MiG-17 của Lê Xuân Dị đã đánh trúng tháp pháo tàu khu trục USS Higbee,còn Nguyễn Văn Bảy (B) đánh trúng tàu tuần dương USS Oklahoma City.
Hai chiếc tàu này chỉ bị hư hỏng mà khôngbị đánh chìm song Không quân Nhân dân Việt Nam đã lập được 1 chiến tích tuyệt vời.Lần đầu tiên và cũng rất hy hữu trong lịch sử quân sự thế giới, máy bay phản lực MiG-17 ném bom theo phương pháp thia lia trúng vào mục tiêu di động là tàu chiến. Đáng nói hơn, kể từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, duy nhất Không quân Nhân dân Việt Nam đánh trúng được tàu chiến của Mỹ
Nguồn: internet