Ngành nhân sự

Thứ 4, 20/01/2016 | 17:45 GMT+7

Theo xu hướng phát triển thị trường lao động, ngành nhân sự là một ngành ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế hội nhập hiện nay.

Từ trước tới giờ người ta vẫn suy nghĩ quản trị nhân sự chỉ là một kỹ năng dành cho các cấp quản lý trở lên; thậm chí quản trị nguồn nhân lực cũng chỉ tập trung trong hai công tác tuyển dụng và điều hành nhân sự, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi cảm tính và thường thiếu đo lường chất lượng.

Trong giai đoạn phát triển mới đầy phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu nhìn nhận ra yêu cầu cần phải chuyên nghiệp hoá công tác quản trị nguồn nhân lực nhằm gia tăng sức mạnh và hiệu quả hoạt động.

nganh-nhan-su

Ngành nhân sự là gì?

Ngành nhân sự được chia thành 2 mảng chính: quản trị nhân sự và quản trị nguồn nhân lực. Quản trị nhân sự là làm các công việc liên quan tới quản lý hành chính và thực hiện các chính sách lao động. Quản trị nguồn nhân lực mang tính chiến lược hơn, ví dụ: phát hiện và phát triển nhân tài, xây dựng các cơ chế đánh giá NV... Quản trị nguồn nhân lực ngày càng được xem trọng hơn. Ngoài ra, ngành nhân sự còn có các nghề khác như: Săn đầu người – tiếp cận và thuyết phục nhân sự được khách hàng chỉ định về làm việc cho công ty khách hàng; Tìm kiếm và tuyển chọn ứng viên; Tư vấn quảng cáo tuyển dụng; Tư vấn chiến lược nhân sự... 

 Quản lý nhân sự : Công việc thiết yếu trong tất cả doanh nghiệp

>> Tìm hiểu về quản lý nhân sự

Các công việc chính của phòng nhân sự thường rất đa dạng, bao gồm: công tác tuyển dụng, đào tạo nhân viên, công tác định mức lao động, mô tả công việc, theo dõi chấm công, tính lương, thực hiện các công việc liên quan đến bảo hiểm, giải quyết chế độ (thai sản, nghỉ việc, phúc lợi, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động,…) cho toàn công ty.

Nếu bộ phận bán hàng là mũi nhọn đi đầu, mang lại doanh thu, lợi nhuận về cho doanh nghiệp thì phòng nhân sự nói riêng và các bộ phận khác như kế toán, IT... chính là hậu phương vững chắc giúp con thuyền của doanh nghiệp tiến lên. Sự cần thiết và quan trọng của bộ phận nhân sự còn thể hiện ở việc định hướng và quy hoạch nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Đơn cử, tại các công ty, tập đoàn đa quốc gia như P&G, Unilever, Samsung, Microsoft,… nhằm đảm bảo nguồn nhân lực luôn dồi dào phục vụ cho các mặt hoạt động của doanh nghiệp, người ta còn bổ nhiệm vị trí Giám đốc nhân sự thay vì nhân sự chỉ là một mảng kiêm nhiệm thêm như trước đây. Đây cũng chính là chiến lược, chính sách được nhiều công ty tại Việt Nam áp dụng nhằm chuyên nghiệp hoá trong việc thu hút nhân tài đầu quân cho doanh nghiệp.

Ngành quản trị nhân lực thi khối : A, A1, D1, D3

Tiềm năng phát triển của ngành

Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng như hiện nay thì rất nhiều ngành nghề, doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân viên để đảm bảo sự tồn tại và hoạt động. Không chỉ là nhân viên kinh doanh, kế toán hay IT bị cắt giảm mà ngay cả bộ phận nhân sự cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cho dù nền kinh tế có đi vào khủng hoảng hay không thì nhu cầu nhân lực chất lượng cao, tuyển dụng người tài vẫn không có biến chuyển lớn. Một cách nhìn khác, chính trong thời điểm khủng hoảng là giai đoạn mà việc thay đổi lao động diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp phải cơ cấu lại, sa thải nhân viên sẽ tạo ra cơ hội việc làm cho những cá nhân đáp ứng tốt các tiêu chí của nhà tuyển dụng.

Dự báo khủng hoảng kinh tế đã chạm đáy và khả năng hồi phục, tăng trưởng kinh tế trở lại ở phía trước đang mở ra cơ hội việc làm cho nhiều lĩnh vực; ngành nhân sự cũng nằm trong số đó. Với doanh nghiệp, để có thể tuyển dụng được những nhân viên xuất sắc ở các mảng kinh doanh, marketing, kế toán thì việc trước tiên là cần những nhân viên nhân sự tài năng. Do đó, việc lựa chọn theo học ngành nhân sự từ bây giờ chính là đón đầu cho tương lai.

Kỹ năng với người làm nhân sự

Những đặc điểm về các kỹ năng chuyên môn không thể thiếu thiếu với người làm quản trị nhân sự, đó là: dự báo nhu cầu nhân sự và hoạch định nguồn nhân lực; phác họa chân dung ứng viên tốt từ các nhân tố thành công của công việc, sắp xếp một cuộc phỏng vấn ấn tượng và thành công; đặt câu hỏi phỏng vấn để nhận diện được "bản chất" ứng viên; xây dựng hệ thống thông tin nội bộ hai chiều; hướng dẫn nhân viên mới hội nhập công ty...
Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp,đặc biệt là khả năng thuyết phục cũng nằm trong số những yêu cầu cần thiết khi tuyển dụng nhân viên nhân sự.

Học ngành Nhân sự ở đâu?

Phát triển nghề nghiệp luôn là mục tiêu của mỗi cá nhân. Để có cơ sở vững vàng cho việc phát triển nghề nghiệp trong tương lai, mỗi cá nhân cần có nền tảng kiến thức cơ bản và chuyên sâu về nghề nghiệp được lựa chọn. Tại trường ĐH chương trình đào tạo ngành Quản trị nhân lực bám sát với thực tế công việc, dựa trên bảng mô tả công việc của các chức danh cán bộ nhân sự hoạt động tại các công ty trong và ngoài nước. Với hai kỳ thực tập trong suốt thời gian học sẽ giúp SV tiệm cận với môi trường làm việc sau khi tốt nghiệp.
Hiện có rất nhiều Trường đại học trong nước đào tạo ngành nhân sự.

Cơ hội nghề nghiệp và vị trí lao động

Có rất nhiều cơ hội ứng cử vào Phòng Nhân sự của các công ty với những chức danh như: Chuyên viên Tuyển mộ, Chuyên viên Đào tạo và Phát triển Nhân viên, Chuyên viên Tiền lương và Phúc lợi, Trưởng phòng/Giám đốc Nhân sự…, cùng nhiều cơ hội thăng tiến hấp dẫn và phát triển vượt bậc về năng lực bản thân. Các bạn sẽ có đủ năng lực kiến tạo và dẫn dắt đội ngũ nhân viên đủ năng lực hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Nhà quản lý nhân sự giỏi sẽ biết cách giữ chân người tài, nhằm giúp công ty tạo ra lợi thế tuyệt đối về “Trí tuệ và tư duy”. Ươm mầm và nuôi dưỡng tài năng, nhằm chuyển hóa nhân lực thành tài lực một cách liên tục, đó là sứ mệnh của những người làm nhân sự.

Mức thu nhập trung bình

Hiện nay, một sinh viên mới ra trường làm ngành nhân sự có thể tìm được việc làm với mức lương tối thiểu 5 triệu đồng/tháng, cấp trưởng phòng được trả hơn 1.000 USD/tháng và các vị trí giám đốc nhân sự có thể có thu nhập từ 2.500 - 3.000 USD/tháng. Thậm chí những tập đoàn lớn của nước ngoài đang trả lương 4.000 USD/tháng cho vị trí này tại Việt Nam.

 

Biên Thùy

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp


TOP VIEW