> Các trường đại học đào tạo ngành dược
Thủ khoa cũng từng "ngợp" khi mới vào đại học, sợ một môn đặc biệt
Nguyễn Quốc Hoài (sinh năm 2000) vui mừng nhận được tin mình là thủ khoa đầu ra Trường Đại học Dược Hà Nội với số điểm tổng kết 3.87/4.0.
Thủ khoa bộc bạch rằng, ban đầu em cũng gặp khó khăn trong việc thích nghi môi trường mới: "Em đã rất sốc và bất ngờ khi chỉ trong một tiết học, các thầy cô đã dạy hết kiến thức của một quyển sách".
Thay đổi phương pháp học tập kịp thời đã giúp nam sinh dành được vị trí thủ khoa đầu ra ngành dược học - Trường Đại học Dược Hà Nội (Ảnh: NVCC).
Thức tỉnh và hiểu được mình cần thay đổi phương pháp học tập, nam sinh Thái Nguyên đã dành một ngày để sắp xếp lại thời gian biểu: "Em đã bắt đầu từ bước nhỏ nhất là tập thích nghi với môi trường học tập mới.
Để không bị choáng ngợp với khối lượng kiến thức tại đại học, em đã nghiên cứu, chuẩn bị tài liệu cho bài học mới trước tại nhà. Song song đó, khi có thắc mắc, em tích cực trao đổi với giảng viên và các anh chị khóa trên. Nhờ vào sự thay đổi trong cách học, em dần không còn bị choáng ngợp nữa".
Mặc dù đạt được nhiều điểm số tuyệt đối khi còn đi học, Quốc Hoài cũng từng gặp khó khăn bởi một số môn học "khó nuốt". Nam sinh bày tỏ môn dược học cổ truyền là môn mà nam sinh dè chừng nhất vì những từ ngữ, lý thuyết và phương pháp phương đông từ thời xa xưa khá khó hiểu.
Mẹ làm nông, bố dạy học nuôi thủ khoa
Nguyễn Quốc Hoài (ở giữa) chụp hình cùng bố và mẹ (Ảnh: NVCC).
Quốc Hoài chia sẻ: "Mặc dù từ trước đến giờ gia đình em không ai theo ngành y dược, nhưng họ đều ủng hộ, lắng nghe và trở thành chỗ dựa tinh thần giúp em vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và nghiên cứu".
Ở giai đoạn chọn nguyện vọng, Quốc Hoài từng khá chơi vơi giữa nhiều lựa chọn như ngành khoa học máy tính hay ngành khoa học công nghệ. Nhưng sau khi nghe lời khuyên của bố chọn học theo năng lực và sở thích môn hóa học, làm thí nghiệm, Hoài đã đăng ký vào Trường Dược.
Sau 5 năm miệt mài học tập, nam sinh bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đạt 9,8 điểm. Nam sinh bộc bạch: "Sau khi nhận được số điểm 9,8 cho bài khóa luận tốt nghiệp, em được thông báo mình là thủ khoa đầu ra khóa 73 ngành dược học.
Bố cũng có mặt vào ngày em bảo vệ khóa luận. Vừa hay tin, em đã chạy đến và chia sẻ niềm vui này với người đã có công nuôi dưỡng em suốt 23 năm qua".
Nguyễn Quốc Hoài chia sẻ, bố em là giáo viên cấp 3 dạy bộ môn toán tại Trường THPT Phổ Yên (Thái Nguyên), mẹ em làm nông; nam sinh là thành viên đầu tiên trong gia đình học dược.
Hoàn cảnh gia đình tuy không quá khá giả nhưng tình yêu thương, nuôi dưỡng của cha mẹ đã hun đúc lên sự kiên cường, quyết tâm học tập của Quốc Hoài.
Nuôi ước mơ trở thành dược sĩ và nghiên cứu viên xuất sắc
Nguyễn Quốc Hoài trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đạt 9,8 của mình (Ảnh: NVCC).
Trong khóa luận, Quốc Hoài đã lựa chọn nghiên cứu "Bào chế pellet che vị chứa nano andrographolid và nano betaglucan".
Nam sinh giải thích, hiện nay công nghệ nano tích cực được nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực đời sống, bao gồm cả ngành công nghệ dược phẩm.
Công nghệ nano đã thể hiện được tiềm năng trong việc cải thiện đặc tính của dược chất như độ tan, khả năng hấp thu của dược chất ít tan và tăng cường tác dụng của thuốc khi phối hợp các dược chất phù hợp với nhau.
Quốc Hoài nhận định với những nghiên cứu mới về công nghệ nano, em hy vọng công nghệ này có thể mang lại hiệu quả vượt trội hơn so với việc sử dụng các dạng thuốc truyền thống.
Dưới sự hướng dẫn và chỉ bảo tận tình của thầy PGS.TS Nguyễn Thạch Tùng, người thầy Quốc Hoài kính trọng, em đã hoàn thành khóa luận của mình.
"Dù nghiên cứu trên mới chỉ là những kết quả khả quan ban đầu, thế nhưng trong tương lai, em sẽ tiếp tục học tập, nâng cao chuyên môn và biến những công trình trên giấy đó thành sự thật", Hoài chia sẻ.
Thầy Nguyễn Thạch Tùng (thứ ba, từ trái sang) là người thầy đã giúp đỡ Quốc Hoài (thứ tư, từ trái sang) trong con đường học tập và nghiên cứu (Ảnh: NVCC).
Hiện tại, Nguyễn Quốc Hoài đang làm nghiên cứu viên tại Trung tâm Dược lý lâm sàng thuộc Trường Đại học Y Hà Nội, nam sinh hy vọng mình sẽ có thể gắn bó lâu dài và cống hiến nhiều công trình có ý nghĩa cho nền y dược nước nhà nói riêng và thế giới nói chung.
"Em hiểu rõ ý nghĩa công việc chăm sóc sức khỏe của con người mà mình đã lựa chọn. Vì vậy, mục tiêu của em sau khi tốt nghiệp chính là được tiếp tục học tập và hoàn thiện hơn chuyên môn của mình; trở thành một dược sĩ và nghiên cứu viên xuất sắc", Hoài nói.
Theo Dân Trí