Những ngành nghề phù hợp với từng tính cách của thí sinh

Thứ 6, 03/11/2023 | 08:58 GMT+7

PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu những ngành nghề phù hợp với từng tính cách của thí sinh.

Chọn ngành theo tính cách

Mỗi mùa tuyển sinh đại học, nhiều thí sinh thường có tâm trạng lo lắng khi lựa chọn ngành học. Mặc dù xác định được ngành yêu thích nhưng vẫn có thí sinh nghi ngại "Ngành này có tương lai không?'' hoặc ''Ngành này có thất nghiệp không?''; "Ngành này lương bao nhiêu?"; "Thích ngành này nhưng bố mẹ bắt học ngành khác"...

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Quản lý Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định tài năng mới là thước đo quan trọng để đảm bảo cho một công việc ổn định.

Thí sinh tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh đại học năm 2023. Ảnh: Tào Nga

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, tính cách cá nhân là tiêu chí quan trọng để chọn ngành học. Theo đó, 6 nhóm tính cách và cách nhận biết thông qua những gì người lớn thường phàn nàn về mình như sau:

Những bạn hay bị mẹ mắng "việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng" thường có tính cách xã hội, thích giao tiếp và giúp đỡ mọi người, có thể phù hợp ngành nghề thương mại, kinh doanh, báo chí, marketing

Một số học sinh hay ''lý sự'' với người lớn, hay ''đầu têu'' những trò nghịch ngợm ở lớp, bị thầy cô phê bình nhưng lại được bạn bè yêu mến. Đây là những bạn có tố chất lãnh đạo và tư duy phản biện, có thể tìm hiểu ngành nghề quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh...

Những bạn hay bị mắng vì tội "lọ mọ", tháo bung hết đồ điện trong nhà để nghiên cứu, thường có tư duy kỹ thuật, phù hợp những ngành nghề cơ khí, kỹ sư công nghệ...

Nếu bạn ngoan ngoãn ít nói, ngại thay đổi, hay được cầm quỹ lớp... thuộc nhóm tính cách ''công chức'', phù hợp nghề kế toán, kiểm toán, nhân viên quản trị văn phòng...

Những học sinh học rất giỏi, lúc nào cũng thấy ngồi ôm sách vở, ít đi chơi thuộc nhóm tố chất nghiên cứu, phù hợp trở thành nhà nghiên cứu khoa học, giảng viên đại học...

Một số người có đầu óc sáng tạo, hay bị mắng "suốt ngày mơ mộng", yêu thơ ca, ghét công việc cứng nhắc... hay có tính cách nghệ sĩ, triển vọng trở thành kiến trúc sư, nhân viên quan hệ công chúng, nhà văn...

Cũng theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, 4 bước quan trọng để lựa chọn ngành nghề:

Bước 1: Tôi thích nghề gì?

Liệt kê những nghề mà bản thân biết và có hứng thú. Mong muốn của tôi về nghề nghiệp có thể đáp ứng: Cơ hội thăng tiến; Môi trường làm việc; Thu nhập; Giờ giấc; Tính chất công việc hấp dẫn; Uy tín xã hội. Sau đó, bạn lập danh sách thứ tự ưu tiên của các nghề.

Bước 2: Tôi phù hợp nghề gì?

Học sinh tìm hiểu yêu cầu của từng nghề (năng lực, tính cách, điều kiện lao động…), có thể tham khảo ở mục tuyển dụng trên các báo, tạp chí. Trên cơ sở đó, bạn tìm ra các điểm chung giữa yêu cầu của nghề và khả năng đáp ứng của bản thân.

Bước 3: Tôi chọn nghề gì?

Nghề bản thân thích; Nội dung công việc; Điều kiện lao động; Giá trị ý nghĩa đối với bản thân; Các cơ hội - nghề bản thân có năng lực đáp ứng; Sức khỏe; Năng lực học tập; Điều kiện gia đình.

Bước 4: Tôi nên học tập ở đâu?

Nghề đó thuộc lĩnh vực nào - Trường nào có đào tạo lực vực đó; Lập danh sách ưu tiên các trường công lập – dân lập; Điểm chuẩn - chỉ tiêu tuyển sinh; Danh tiếng – uy tín (thời gian thành lập – thành tích); Thời gian đào tạo (đại học – cao đẳng – trung cấp); Địa điểm đào tạo (gần nhà – xã nhà).

Chọn học nghề hay đại học

Liên quan đến việc chọn nghề hay học đại học, Ths Bùi Quang Thịnh, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Cao đẳng Hà Nội cho rằng, học đại học hay học nghề thì đều có những ưu, nhược điểm riêng, việc chọn bậc học nào còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, năng lực và mong muốn của mỗi thí sinh.

"Học đại học, thời gian đào tạo dài 4 - 5 năm. Sinh viên được học nhiều kiến thức đại cương cho đến kiến thức chuyên ngành. Thời gian đào tạo dài đòi hỏi các em phải đầu tư chi phí lớn cho học phí, sinh hoạt, thuê nhà. Tuy nhiên, nếu các em có năng lực và muốn được đào tạo chuyên sâu về ngành nghề mình đã chọn, muốn có những kiến thức nền tảng về tư duy logic, cách thức đào sâu, tìm hiểu các vấn đề bài bản, khoa học để phát triển nghề nghiệp và kinh tế gia đình có thể đáp ứng được thời gian học kéo dài (4 - 5 năm), học phí cao thì bạn nên chọn học đại học.

Học nghề thì cái lợi thế dễ thấy nhất là học nhanh, đi làm được ngay, thời gian đào tạo ngắn, tiết kiệm được thời gian và chi phí hơn so với học đại học, có thể tham gia vào thị trường lao động sớm, có thu nhập ổn định và tiếp tục học cao lên nếu có nhu cầu. Khi đã nắm vững công việc thực tế, những kiến thức sẽ dễ dàng tiếp thu hơn, đạt hiệu quả tốt hơn.

Nếu các em muốn học nhanh, có việc làm sớm, ưa thích trải nghiệm, thực hành, không muốn học các kiến thức quá hàn lâm và kinh tế gia đình không quá dư dả, thì con đường học nghề là lựa chọn phù hợp. Học nghề xong, cơ hội việc làm khá rộng mở, vì hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu nguồn nhân lực có tay nghề cao", Ths Bùi Quang Thịnh phân tích.

Ths Bùi Quang Thịnh cũng cho rằng: "Không phủ nhận rằng, tấm bằng đại học là một minh chứng tự hào cho trình độ học vấn của mỗi người. Tuy nhiên tấm bằng chỉ thực sự có ý nghĩa khi vận dụng được những kiến thức để phát triển sự nghiệp, phục vụ cuộc sống.

Trong hàng ngàn ngành nghề hiện nay, không phải nghề nào cũng cần tới trình độ đại học. Đại học cũng không phải là con đường duy nhất, càng không phải là thước đo để đánh giá một con người. Dù các em học đại học hay cao đẳng, thì mục tiêu cuối cùng vẫn là học lấy một nghề để gắn bó lâu dài, phát triển sự nghiệp của mình. Do vậy, quan trọng là các bạn trẻ xác định rõ mình muốn làm gì trong tương lai, khả năng của bản thân có thể đáp ứng đến đâu, kinh tế gia đình có thể chu cấp ngắn hạn hay dài hạn để chọn cấp học phù hợp với bản thân".

Thông tin về phương án tuyển sinh cho năm 2024, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – cho biết, về cơ bản nhà trường sẽ giữ ổn định như năm 2023, tuy nhiên trường sẽ giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Dự kiến nhà trường có điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển: Dành khoảng 18% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT (giảm 7% so với năm 2023), tăng tương ứng phương thức xét tuyển kết hợp lên 80%, tuyển thẳng 2%.

Trường cũng triển khai nghiên cứu, đơn giản hóa phương thức xét tuyển kết hợp nhằm thực hiện Công văn 5155 của Bộ GDĐT mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh.

Dự kiến từ năm 2025, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường (các Trường trực thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân).

 

Theo Tào Nga (Dân Việt)

Chia sẻ

Định hướng nghề nghiệp

Định hướng nghề nghiệp


TOP VIEW